Doanh nghiệp cam kết sẽ thực hiện nghiêm túc và tiến hành cân đối nguồn tài chính để hoàn thiện các thủ tục pháp lý, dự kiến khởi công xây dựng dự án vào tháng 11/2019.
Như Báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, lô đất 2.146m2 (đường Thống Nhất, phường Lê Thanh Nghị, TP Hải Dương) được giao cho Công ty xi măng Hải Hưng để xây dựng trụ sở văn phòng Công ty xi măng Phúc Sơn từ năm 1996 theo hình thức góp vốn cổ phần với trị giá khoảng 50 tỷ đồng nhưng hơn 20 năm qua không được sử dụng, để hoang hóa.
Liên quan đến vấn đề này, Công ty Xi măng Phúc Sơn vừa có văn bản số 149/CVPS báo cáo phương án sử dụng đất dự án trên. Văn bản nêu rõ, sau khi nghiên cứu, điều tra thị trường, doanh nghiệp đã quyết định tiến hành xây dựng tòa nhà văn phòng đa chức năng, vừa sử dụng làm văn phòng giao dịch, giới thiệu sản phẩm, vừa có thể cho thuê làm văn phòng đại diện, các tổ chức tín dụng tại đường Thống Nhất, TP Hải Dương.
Được biết, ngày 2/1/2019, công ty đã ký hợp đồng kinh tế về việc tư vấn công trình nhà văn phòng với Công ty CP tư vấn quy hoạch và thiết kế xây dựng Hải Dương để thực hiện các công việc lập dự án đầu tư, thiết kế tổng mặt bằng, thiết kế kiến trúc, lập quy hoạch chi tiết… Theo đó, từ tháng 1/2019-5/2019, sẽ hoàn thành xong việc lập dự án đầu tư, thiết kế tổng mặt bằng… Từ tháng 6/2019-7/2019, doanh nghiệp sẽ xin chủ trương của thường trực thành ủy. Từ tháng 7/2019-10/2019, sẽ hoàn thiện các thủ tục pháp lý khác… để xin giấy phép xây dựng. Tháng 11/2019 bắt đầu khởi công, xây dựng dự án.
Theo ông Huang, Cheng - Shun, Giám đốc Công ty xi măng Phúc Sơn, dự án xây dựng nhà văn phòng tại đường Thống Nhất, TP Hải Dương cũng nằm trong ảnh hưởng của tình trạng sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, không có khả năng tài chính nên các kế hoạch xây dựng phải dừng lại do không có kinh phí. Nguyên nhân sâu xa của sự việc là do khó khăn từ nguyên liệu đầu vào, khi mà mỏ đá vôi Nhẫm Dương của công ty bị tỉnh Hải Dương thu hồi để bảo vệ di tích quốc gia đặc biệt An Phụ - Nhẫm Dương, các mỏ Trại Sơn A, Trại Sơn C (Thủy Nguyên, Hải Phòng) không nhận được sự ủng hộ của các cấp chính quyền. Không có nguyên liệu sản xuất, sản phẩm xi măng không đủ cung ứng cho thị trường, công nhân không có việc làm, gây thiệt hại rất lớn cho công ty.
Mặc dù, công ty đã bỏ ra số kinh phí rất lớn, gần 500 tỷ đồng để đền bù giải phóng mặt bằng và tái định cư khu vực bán kính an toàn của 2 mỏ Trại Sơn A là 300m, Trại Sơn C là 200m. Nhưng nhân dân nằm ngoài vùng bán kính an toàn các mỏ nói trên kéo tới ngăn chặn hoạt động sản xuất của công ty khiến doanh nghiệp phải dừng hoạt động. Cơ quan thanh tra môi trường tiến hành đình chỉ sản xuất liên tục trong 3 tháng gây nhiều tổn thất cho nhà máy… nên tình hình tài chính cũng gặp rất nhiều khó khăn để triển khai dự án - ông Huang, Cheng – Shun cho biết thêm.
Có thể bạn quan tâm
07:10, 12/06/2019
13:26, 09/06/2019
12:22, 09/06/2019
Cũng theo văn bản của Công ty xi măng Phúc Sơn gửi UBND tỉnh Hải Dương, ngay từ thời điểm năm 2013, công ty đã có kế hoạch xây dựng tòa nhà văn phòng tại khu đất Thống Nhất nên mới tiến hành cho tháo dỡ khu nhà cũ và triển khai các bước tiếp theo. Tuy nhiên trải qua thời gian quy hoạch không gian, tổng thể của TP cũng thay đổi theo từng thời kỳ nên công ty cũng đang xin ý kiến về quy hoạch và xem xét quy mô đầu tư xây dựng cho phù hợp. Tại thời điểm đó đã quyết định tạm dừng thi công.
Hiện tại, doanh nghiệp quyết định sẽ tiến hành xây dựng tòa nhà văn phòng đa chức năng tại địa điểm trên. Doanh nghiệp cam kết sẽ thực hiện nghiêm túc và sẽ tiến hành cân đối nguồn tài chính để tiến hành hoàn thiện các thủ tục pháp lý nhanh chóng khởi công xây dựng dự án xây dựng văn phòng tại đường Thống Nhất.