Với diện tích hơn 8.100m2 đất vàng trung tâm quận Hoàn Kiếm, các chuyên gia lo ngại khuôn viên cung thiếu nhi cũ sẽ trở thành “miếng mồi ngon” của các doanh nghiệp.
Dù đã khởi công dự án xây dựng Cung Thiếu nhi Hà Nội mới tại quận Cầu Giấy, tuy nhiên số phận của khuôn viên cũ rộng hơn 8.100m2, nằm ở vị trí đắc địa của quận Hoàn Kiếm, là đích ngắm của các nhà đầu tư bất động sản thì dư luận xã hội không thể không lo ngại. Đặc biệt nhiều chuyên gia cũng bày tỏ sự lo lắng, thất vọng trước cách phản hồi dư luận thiếu rõ ràng của Thành phố rằng "chưa có kế hoạch gì”.
Theo đó, mới đây, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã có văn bản chính thức gửi Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội. KTS. Phan Đăng Sơn - Chủ tịch Hội KTS Việt Nam cho rằng, Cung Văn hóa thiếu nhi Hà Nội là công trình kiến trúc văn hóa công cộng có giá trị; là công trình tiêu biểu, có tính đại diện cho kiến trúc Việt Nam đương đại trước đổi mới ở thể loại văn hóa công cộng.
"Năm 2015, Cung được Tổ chức Kiến trúc Quốc tế đề nghị lập hồ sơ để xếp hạng "Công trình di sản Kiến trúc hiện đại Thế giới". Hơn nữa, căn cứ vào Luật Thủ đô và Nghị quyết Hội đồng Nhân dân thành phố thì Cung thiếu nhi là di sản kiến trúc đô thị trước đổi mới nên bắt buộc phải giữ nguyên, toàn bộ công trình kiến trúc này không được phá hủy" - Chủ tịch Hội KTS Việt Nam cho biết.
Đồng quan điểm, theo TS. KTS. Đào Ngọc Nghiêm - Nguyên KTS Trưởng Hà Nội cho rằng, hiện nay căn cứ vào Luật Thủ đô, căn cứ Nghị quyết HĐND, Thành phố xác định được danh mục các công trình xây dựng bao gồm công trình công cộng và các biệt thự, có giá trị xây dựng trước năm 1954.
Đối với các công trình này phải thực hiện trình tự theo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa, phải tuân thủ việc hỏi ý kiến của các cơ quan quản lý. Cung Thiếu nhi cũ là một di sản đô thị trước đổi mới nên bắt buộc phải giữ nguyên, toàn bộ công trình, kiến trúc này không được phá hủy.
Trên thực tế, mới đây, UBND TP Hà Nội đã công bố 6 đồ án quy hoạch phân khu nội đô lịch sử tại Hà Nội. Theo đồ án quy hoạch, Cung thiếu nhi Hà Nội thuộc khu vực có ký hiệu H1 - 1B - khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận. Khu vực này được xác định là trung tâm văn hóa, hành chính, thương mại, dịch vụ, du lịch kết hợp với nhà ở, công trình công cộng, di tích... Giới chuyên gia kỳ vọng, với định hướng phát triển này khu vực này sẽ trở thành những mảng xanh của thành phố, trung tâm văn hóa của cả nước.
Song, trong những năm gần đây, không ít các dự án có số tầng cao vượt quy hoạch, các công trình lớn ngay sát Hồ Gươm đang làm mất đi sự dung dị của kiến trúc chuyển đổi. Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, KTS Phạm Thanh Tùng – Chánh văn phòng Hội KTS Việt Nam cho biết, trước đây chúng ta đã sai lầm với những công trình lớn ngay sát Hồ Gươm.
Bài học nhãn tiền điển hình như “Hàm Cá Mập” trở thành nơi ăn uống, nhà hàng, thêm nữa là nơi xây “khách sạn Hà Nội Vàng” nay là Ngân hàng Bảo Việt… cũng đã làm cho kiến trúc Hồ Gươm, cảnh quan của hồ mất đi giá trị của văn hóa, của sự mềm mại chuyển tiếp trong khu vực xung quanh Hồ Gươm.
Đặc biệt, theo ông Tùng, hơn nửa thế kỷ qua, Cung thiếu nhi là ngôi nhà tuổi thơ của biết bao thế hệ người Hà Nội, nơi chứng kiến từng sự đổi thay của bao lớp người. “Hãy để Cung Thiếu nhi cũ là nhà văn hoá thiếu nhi. Không nên chuyển đổi mục đích ở đây. Đây vẫn sẽ là sân chơi cho thiếu nhi, trở thành địa chỉ văn hoá mang tính lịch sử và càng có ý nghĩa của một thời hoàng kim” – ông Tùng kiến nghị.
Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia cũng cho rằng cũng như Văn Miếu Quốc Tử giám hay Nhà hát lớn, Cung thiếu nhi Hà Nội cũng là một thiết chế văn hoá quan trọng. Mỗi công trình đánh dấu một thời kỳ lịch sử của Hà Nội.
Cung Văn hóa thiếu nhi là tài sản của Nhà nước nên quỹ đất này chỉ có thể làm công trình phúc lợi xã hội, không xây dựng chung cư, nhà cao tầng, công trình thương mại dịch vụ.
Có thể bạn quan tâm