Quá trình điện hóa các phương tiện giao thông đang diễn ra mạnh mẽ. Tuy nhiên, một số nhà sản xuất ô tô vẫn tìm cách giữ lại động cơ đốt trong, bằng những nhiên liệu mới.
Nhiên liệu sinh học, e-fuel là một trong các phương pháp được xem như cứu cánh cho động cơ đốt trong, trong đó có HVO (Hydrotreated Vegetable Oil). Loại nhiên liệu này đang nổi lên như một giải pháp thay thế cho dầu diesel hóa thạch bởi những lợi ích đáng kể của nó.
Một cách dễ hiểu, HVO là một loại nhiên liệu sinh học, có nguồn gốc từ dầu thực vật, mỡ động vật hay dầu ăn đã qua sử dụng. Thông qua quá trình xử lý toàn diện, mỡ được chuyển đổi thành HVO, có thể giúp giảm lượng khí thải carbon tới 90% so với dầu diesel truyền thống. Các phương tiện tải sử dụng dầu HVO thải ra ít khí NOx và bụi mịn hơn, bởi nhiên liệu này không chứa lưu huỳnh hay oxy.
Ưu điểm khác là HVO giúp động cơ diesel khởi động dễ dàng hơn khi nhiệt độ ngoài trời thấp, hiệu quả đốt cháy nhiên liệu tốt hơn, đốt sạch hơn và thời gian lưu trữ dài hơn nhiên liệu sinh học thông thường.
Cuối năm 2020 hãng xe Ford của Mỹ đã chính thức phê duyệt sử dụng HVO dùng cho mẫu xe thương mại Transit. Trước đó, Ford đã thử nghiệm kỹ lưỡng dầu HVO trên động cơ EcoBlue 2.0L xem có phải cải biến động cơ, cũng như ảnh hưởng thế nào đến quy trình bảo dưỡng. Ford kết luận rằng, ô tô sử dụng nhiên liệu HVO không cần phải xử lý gì thêm, có thể dùng được ngay trên các mẫu Ford Transit mới nhất.
Bắt đầu từ tháng 1/2025, BMW cũng sử dụng dầu HVO thay cho nhiên liệu diesel truyền thống, đổ đầy tất cả các xe ô tô động cơ đốt trong trước khi xuất xưởng. BMW khẳng định, với thành phần hóa học khá giống với nhiên liệu diesel hóa thạch, HVO có thể được sử dụng như một nhiên liệu tái tạo thay thế trong các loại xe động cơ diesel hiện có. Nó có thể sử dụng trong tất cả các động cơ diesel hiện đại mà không cần sửa đổi và cung cấp giải pháp thay thế bền vững cho nhiên liệu hóa thạch.
Nhiều hãng xe lớn cũng đang tập trung nghiên cứu và sản xuất HVO ứng dụng lên xe ô tô. Đại diện tập đoàn ô tô Stellantis cho rằng, HVO rất quan trọng để đáp ứng các mục tiêu về nhiên liệu tái tạo trong vận tải đường bộ.
Trở ngại duy nhất có lẽ là giá thành của HVO còn cao hơn dầu diesel hóa thạch từ 10 - 15%. Tuy nhiên, quá trình thương mại hóa đang diễn ra, khi sản lượng tăng thì chi phí sẽ giảm.
Theo trang fortunebusinessinsights.com, thị trường dầu HVO toàn cầu có giá trị 17,76 tỷ USD vào năm 2023, dự báo sẽ tăng lên 35,19 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng bình quân 12,95%/năm.
Một loạt các tập đoàn dầu khi và thực phẩm đang đẩy mạnh đầu tư vào sản xuất HVO. Điển hình là hãng Neste với các nhà máy có tổng công suất 2,4 triệu tấn, chiếm 69% thị phần thị trường HVO thế giới. Tập đoàn dầu khí Total đã chuyển đổi nhà máy lọc dầu La Mede (Pháp) sang sản xuất HVO, sắp tới sẽ chuyển đổi nhà máy lọc dầu ở Sicily (Ý) nữa. Các nhà máy lọc dầu hóa thạch ở châu Âu đang phải đối mặt với vấn đề dư thừa công suất và lợi nhuận giảm. Việc chuyển đổi sang HVO giúp thu được lợi nhuận tốt hơn và cạnh tranh thành công hơn trên thị trường.
Tại châu Á các quốc gia đang thúc đẩy phổ biến dầu HVO gồm có Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaisia…
Với mật độ năng lượng vượt trội của HVO so với pin lithium ion trong xe điện, sẽ giúp các nhà sản xuất ô tô, có thể tiếp tục tạo ra những chiếc xe nhẹ, linh hoạt với âm thanh đầy mê hoặc.
Những hãng ô tô muốn níu giữ động cơ đốt trong thì lập luận rằng: động cơ đốt trong đã được phố biến từ lâu và đến nay đã rất phát triển. Di sản hơn 1 thế kỷ phát triển của nền công nghiệp xe hơi không nên để động cơ đốt trong nhận một cái kết chóng vánh. Sử dụng động cơ đốt trong sẽ hiệu quả kinh tế hơn là thay thế chúng cùng với toàn bộ cơ sở vật chất, hạ tầng đi kèm. Chi phí sẽ giảm nếu các nhà máy sản xuất HVO với số lượng lớn.