Chưa bao giờ việc đậu vào một trường Đại học lại dễ như bây giờ, chẳng cần luyện, cũng không cần thi, chỉ cần một tờ đăng ký là có ngay Giấy báo trúng tuyển Đại học và trở thành sinh viên.
Mới đây, chuyện một trường THPT ở huyện đảo Phú Quốc có đến gần 200 học sinh lớp 12 nhận được Giấy báo trúng tuyển Đại học (ĐH) của một trường Đại học Quốc tế tại TP. HCM, không những khiến cả thí sinh lẫn phụ huynh đều bất ngờ, mà còn khiến nhiều người đặt câu hỏi cho cái cách tuyển sinh của trường này. Hay như cách đây vài tháng, một trường Đại học gửi giấy trúng tuyển cho thí sinh khi kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020 còn chưa được tổ chức.
Những chuyện hy hữu này tưởng chừng không bao giờ xảy ra, nhưng nó vẫn đã và đang diễn ra ngay trong thực tế của ngành Giáo dục. Mặc dù khi bị báo chí phản ánh, đại diện các trường này đều biện minh rằng họ đã làm đúng quy trình tuyển sinh, nhưng vẫn gửi lời xin lỗi vì có khả năng... nhầm lẫn. Điều đó càng khiến người ta hoài nghi về chất lượng giáo dục Đại học hiện nay, khi mà chất lượng đầu vào chưa được một số trường chú trọng, đặc biệt là đối với một số trường ĐH Tư thục.
Không thể phủ nhận khi Nhà nước chủ trương xã hội hóa giáo dục, hệ thống các trường ĐH Tư thục xuất hiện và tham gia vào công tác đào tạo Đại học đã mang lại nhiều cơ hội học Đại học cho hàng vạn thí sinh không đủ điều kiện đậu vào các trường công lập. Tuy nhiên, việc phát triển ồ ạt hệ thống các trường ĐH Tư thục, cùng với đó là áp lực về tuyển sinh đã khiến các trường cạnh tranh gay gắt trong tuyển sinh, thậm chí là “vơ bèo vạt tép”, miễn sao đủ chỉ tiêu tuyển sinh mà không cần quan tâm đến chất lượng đầu vào.
Nhớ thời những năm 80 – 90 trờ về trước của thế kỷ XX, được đậu vào một trường Đại học hay chỉ là một trường Cao đẳng thôi cũng là một niềm hãnh diện lớn cho cả gia đình, dòng họ, thậm chí là cả làng. Bởi thời điểm ấy, thi đậu Đại học là một chuyện không hề đơn giản, vì thế mà một trường THPT bình thường có số lượng thí sinh đậu Đại học chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Và hầu hết những sinh viên thời ấy khi ra trường đều có công ăn việc làm ổn định và thành đạt.
Còn hiện nay, việc đậu Đại học lại quá dễ dàng, dễ đến mức thí sinh trúng tuyển cũng không hiểu vì sao mình trúng tuyển, dễ đến nỗi phụ huynh phải thốt lên rằng “Thiệt không hiểu sao đậu vào trường đại học Quốc tế mà dễ quá”. Và nhiều người còn ví von rằng “đậu đại học bây giờ còn dễ hơn cả... ăn kẹo”.
Khi viết bài này, người viết nhớ lại cách đây vài năm khi phỏng vấn lãnh đạo một doanh nghiệp về công tác tuyển dụng nhân sự, vị lãnh đạo doanh nghiệp này không ngần ngại mà nói rằng, nếu có 02 bộ hồ sơ cùng xin tuyển dụng, một là công nhân kỹ thuật lành nghề, một là cử nhân đại học thì ông không ngần ngại tuyển ngay anh công nhân kỹ thuật mà không cần phải thử việc.
Ông lý giải rằng, hiện nay kiếm được một người công nhân lành nghề rất khó, tuyển vào là làm việc được ngay và những người công nhân kỹ thuật lành nghề trong doanh nghiệp của ông cũng có mức đãi ngộ cao hơn những người có bằng đại học làm việc ở khối văn phòng.
Từ câu chuyện trên có thể thấy rằng, giáo dục Đại học hiện nay chưa được một số trường ĐH Tư thục quan tâm đúng mức, đặc biệt là chất lượng thí sinh đầu vào. Hậu quả là hàng nghìn cử nhân sau khi tốt nghiệp ra trường nhưng vẫn thất nghiệp hoặc phải chấp nhận làm những công việc không liên quan gì đến ngành nghề được đào tạo trong trường đại học. Và chuyện cử nhân, thậm chí là Thạc sĩ phải đi chạy xe ôm công nghệ (Grab) cũng không còn là chuyện hiếm.
Có thể bạn quan tâm