Xã hội hoá giáo dục tức phải trả tiền nhiều hơn; thương mại hoá giáo dục thái quá có thể gây ra suy thoái đạo đức thị trường...
Khi chủ nghĩa tư bản thống trị, nền kinh tế bị tài chính hoá cao độ, mọi thứ đều bị thị trường hoá thì giáo dục khai phóng và dân chủ chắc chắn sẽ bị suy thoái. Cho nên bây giờ, khi nói về giáo dục khai phóng, thì phải nói đến giáo dục Bắc Âu - như giáo dục Phần Lan - là có nhiều cái hay hơn giáo dục Mỹ. Ngày nay khi bàn về giáo dục người ta không chỉ lấy thước đo từ cái nôi của nền giáo dục khai phóng (Mỹ) nữa...
Nếu có một môi trường giáo dục trẻ học cứ như chơi, trong khi vẫn có thể cho các em có được một tuổi thơ đúng nghĩa mà học sinh giỏi cũng không thiếu gì, thì sẽ tốt hơn đúng không?
Học sinh không cần phải học siêu giỏi các môn để trở nên thành đạt, giàu có. Nhưng học sinh, sinh viên phải biết học để làm, học để cùng chung sống trước khi học để chứng tỏ cho thiên hạ biết mình là ai…thì mới có khả năng tiếp tục tự học và biết hợp tác hiệu quả để nâng cao năng lực cạnh tranh của cá nhân, đội nhóm và quốc gia.
Đặc quyền hoá giáo dục đã là điều không nên vì nó tạo ra bất bình đẳng đạo đức(tinh thần), còn thương mại hoá giáo dục phổ thông thái quá thì càng không nên vì nó tạo ra môi trường giáo dục không ổn định, và trong nhiều trường hợp, là có thể góp phần thúc đẩy suy thoái đạo đức thị trường.
Giáo dục phổ thông hệ công lập phải là rường cột trồng người của quốc gia, và chất lượng của nó phải liên tục được nâng lên một tầm cao mới phù hợp với nhu cầu phát triển quốc gia trong mỗi giai đoạn phát triển.
Tôi ủng hộ một nền giáo dục phổ thông công lập chất lượng cao, bình đẳng cơ hội đầu vào. Việc tư nhân hoá giáo dục (aka: xã hội hoá, tức trả tiền nhiều hơn) chỉ một phần nào đó, như để các bên công - tư có so chuẩn với nhau nhằm tạo động lực tranh đua lành mạnh thì không sao. Dịch COVID-19 như báo chí đưa tin, đã bộc lộ nhiều xung đột quyền lợi giữa nhà trường và phụ huynh…
Không có giáo dục tốt thì không có thịnh vượng, lập luận này tuy không sai… Nhưng, thịnh vượng của quốc gia không hoàn toàn phụ thuộc vào chất lượng giáo dục mà là thể chế!
Tất nhiên, chất lượng giáo dục tệ thì quốc gia ấy cũng sẽ chẳng làm nên cơm cháo gì. Thể chế vừa là rào cản những cũng vừa là động lực cho giáo dục và khoa học, kinh tế thăng hoa. Giáo dục toàn điểm 10 mà thể chế là rào cản, thì việc chả có mấy phát minh đáng giá nào cũng rất hiển nhiên.
Nhưng một câu hỏi tối quan trọng khác là: Việt Nam, với xuất phát điểm hiện tại thi nên bắt đầu bằng một nền giáo dục vì tăng trưởng trước hay một nền giáo dục khai phóng trước?
Quan điểm của tôi là nên bắt đầu bằng một triết lý giáo dục vì tăng trưởng trước, giáo dục khai phóng sẽ là đích đến kế tiếp. Tất nhiên, giáo dục vì tăng trưởng là rất khác với giáo dục vì thành tích.
Tôi cũng ủng hộ một nền giáo dục phổ thông công lập chất lượng cao, bình đẳng cơ hội đầu vào. Giáo dục và đào tạo nghề, đại học trở lên thì cho tư nhân hoá, có cạnh tranh sẽ khiến chất lượng tốt hơn. Học phí nên thu cao tương xứng với chất lượng yêu cầu, và nhà nước phải có chính sách tín dụng giáo dục hấp dẫn cho sinh viên, các trường vì lợi ích cạnh tranh danh tiếng sẽ có chính sách học bổng cho các sinh viên nghèo học giỏi.
Dạy làm người ở phổ thông thì chính sách phải khác khác với dạy làm giàu. Dạy nghề, đại học và sau đại học về thực chất là học để sau này kiếm tiền, làm giàu…do vậy là có thể thương mại hoá.