Bất bình đẳng kinh tế thì nói nhiều rồi nhưng bất bình đẳng đạo đức thì chưa mấy ai nói đến. Trường chuyên, lớp chọn là một trong những nguyên nhân tạo ra bất bình đẳng đạo đức.
Trong một xã hội bình đẳng về đạo đức, người tài được xã hội tri ân không phải vì họ tài năng hơn người mà bởi họ góp phần tạo ra của cải vật chất cho cộng đồng.
Học sinh giỏi có thể là nhân tài tiềm năng, nhưng tiềm năng thì không phải là tài năng. Hệ thống trường chuyên tạo ra danh vọng và nó là một trong nhiều nguyên nhân tạo thêm bất bình đẳng đạo đức xã hội.
Trường hợp người tài không tạo ra được, mà ngược lại, có thể làm tổn hại những giá trị tinh thần quan trọng nhất của những người khác - đó là sự tự tôn và sự trân trọng của xã hội đối với họ. Hệ thống trường chuyên, lớp chọn do có cơ chế đầu tư đặc thù mà có thể đào tạo ra những nhân tài tiềm năng, điều đó không phủ nhận. Nhưng trong một hệ thống giáo dục khai phóng, nhân bản và tự do đặt triết lý “phát triển tiềm năng cá nhân tối đa” làm trọng, ắt sẽ tìm ra được nhân tài mà không cần đến những trường chuyên.
Một xã hội mà tính nhân văn, cộng đồng được đề cao, sẽ hỗ trợ mạnh mẽ và thúc đẩy khoa học, kinh tế phát triển. Giáo dục nhân văn ở Việt Nam chưa thành công là do hệ thống truyền thông không tuyên truyền đủ mức hoặc chưa thực tâm coi trọng những người sống vì cộng đồng ngang bằng với những người thành đạt trong giới nghệ sỹ, doanh nhân…Giới trẻ ngưỡng mộ những người thành đạt, nhưng đa số họ không có những tố chất và đam mê cần thiết để trở thành những người như thế.
Và do đó họ hoang mang, mất định hướng. Nói tóm lại, đề cao danh vọng rõ ràng là vi phạm các nguyên tắc về bình đẳng đạo đức. Hệ thống trường chuyên, lớp chọn trên thực tế là tạo ra thứ danh vọng, là tác nhân tạo thêm bất bình đẳng đạo đức (tinh thần) xã hội. Lý tưởng nhất là phải có được một hệ thống giáo dục công phổ thông phát triển cao, được vậy sẽ đảm bảo được yếu tố bình đẳng cơ hội đầu vào cho tất cả tầng lớp học sinh. Trường tư nếu có chỉ ở mức độ vừa phải, mọi mặt của trường tư phải vượt trội khi so với chất lượng của trường công thì mới có thể tồn tại.
Còn nói về tài năng theo nghĩa phục sự được nhiều cho xã hội, thì bất cứ ở nơi đâu nhóm nhân tài từ khối trường chuyên, lớp chọn cũng chỉ là thiểu số. Việc tư nhân hoá trường chuyên như là cơ hội kinh doanh thì miễn bàn, thị trường sẽ quyết định sự thành bại của nó. Dĩ nhiên, khi hệ thống trường chuyên còn tồn tại đến giờ thì nó phải có lý do của nó; như danh vọng cũng là món hàng giá cao, nó tồn tại để đáp ứng nhu cầu tranh đua của một bộ phận người giàu.
Cá nhân tôi ủng hộ hết mình việc phát triển hệ thống các trường chuyên, nhưng là cho các học sinh kém may mắn. Chứ không phải là các trường chuyên cho các học sinh mà vốn dĩ, khi được sinh ra đã có may mắn hơn nhiều người.