Thị trường dịch vụ chuyển phát nhanh Việt Nam đang trở thành “miếng bánh” đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Theo Cục Thương mại Điện tử, năm 2024, quy mô TMĐT Việt Nam đạt 25 tỷ USD, chiếm 9% tổng doanh thu bán lẻ, với tốc độ tăng trưởng 18-25%/năm. Điều này kéo theo nhu cầu về dịch vụ logistics và giao hàng tăng mạnh. Dự báo năm 2025, TMĐT Việt Nam có thể đạt 26 tỷ USD nếu tận dụng tốt các xu hướng như Live Commerce, AI cá nhân hóa, và giao hàng siêu tốc.
Trong khi đó, theo báo cáo của hãng nghiên cứu thị trường Allied Market Research, thị trường dịch vụ chuyển phát nhanh Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ kép trung bình (CAGR) 24% từ năm 2022 đến 2030, ước tính đạt khoảng 4,88 tỷ USD vào năm 2030. Đây chính là “miếng bánh” hấp dẫn mà cả doanh nghiệp trong nước và quốc tế đang ráo riết tranh giành.
Động lực chính thúc đẩy sự tăng trưởng này được cho là bao gồm các yếu tố công nghệ, hạ tầng và chính sách. Sự gia tăng giao dịch TMĐT quốc tế đòi hỏi hệ thống logistics hiện đại. Các doanh nghiệp lớn trong ngành như Viettel Post gần đây cũng đã đầu tư xây dựng kho ngoại hải quan tại Lạng Sơn, giúp rút ngắn thời gian thông quan từ 3-4 ngày xuống còn 24 giờ, giảm thiệt hại cho nông sản.
Bên cạnh đó, các ứng dụng như AI, IoT và blockchain cũng đang cách mạng hóa ngành giao hàng. Ví dụ, Best Express xử lý 2,2 triệu đơn/ngày nhờ hệ thống phân loại tự động chỉ 0,5-2 giây/bưu kiện. Hơn nữa, việc Chính phủ tập trung phát triển cảng biển, đường sắt cao tốc và khu công nghiệp cũng là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường.
Theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh (Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam), việc liên thông với thị trường Trung Quốc và các hiệp định FTA như CPTPP, EVFTA đã mở ra cơ hội “vàng” cho logistics cũng như tạo động lực cho sự phát triển của lĩnh vực dịch vụ chuyển phát nhanh tại Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, đang có một cuộc đua khốc liệt trong lĩnh vực giao hàng chặng cuối tại Việt Nam với sự tham gia của cả các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Trong nước, Viettel Post, VNPost, Bee Logistics và GHTK đang dẫn đầu với chiến lược mở rộng mạng lưới. Viettel Post được đánh giá là doanh nghiệp dẫn đầu nhờ chiến lược linh hoạt, tối ưu hóa chuỗi cung ứng và ứng dụng công nghệ hiện đại. Mặc dù tổng doanh thu hợp nhất có lúc gặp khó khăn, nhưng thị phần của Viettel Post đã tăng từ khoảng 16% lên 17,2% trong những năm gần đây.
Một “tay chơi” kỳ cựu trong lĩnh vực chuyển phát nhanh Việt Nam là VNPost lại đang mất dần thị phần do chậm nắm bắt xu hướng số hóa và cải tiến công nghệ. Thị phần của VNPost giảm từ hơn 20% xuống còn khoảng 13,8% trong giai đoạn gần đây. Trong khi đó, dù là doanh nghiệp mới gia nhập nhưng GHTK lại đang nhanh chóng chiếm được vị trí số hai nhờ vào giá cước cạnh tranh và dịch vụ giao hàng tận nơi hiệu quả.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp khác như J&T Express, Swift247, Ninja Van, GHN… cũng góp phần tạo nên bức tranh cạnh tranh sôi động trên thị trường chuyển phát nhanh. Nhìn chung, “cuộc đua” giành thị phần của các doanh nghiệp trong ngành không chỉ dừng lại ở cạnh tranh về giá mà còn đòi hỏi sự đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng, số hóa và nâng cấp công nghệ. Những doanh nghiệp chậm nắm bắt xu hướng sẽ buộc phải nhường lại “miếng bánh” cho đối thủ tiên phong.
Một trong những vấn đề lớn nhất của lĩnh vực chuyển phát nhanh tại Việt Nam là chi phí cao do phương thức thu tiền khi nhận hàng (COD), gây áp lực lên các doanh nghiệp vận tải. Chi phí vận hành dịch vụ COD cao, do phải tăng cường nhân sự, quản lý và xử lý giao hàng, đã làm tăng tổng chi phí logistics, đồng thời tạo ra những thách thức về quản lý và hiệu quả kinh doanh.
Bên cạnh đó, sự thiếu đồng bộ trong hệ thống hạ tầng với các cơ sở hạ tầng giao thông, kho bãi và các trung tâm phân phối chưa được hiện đại hóa đồng bộ, gây khó khăn cho việc mở rộng quy mô dịch vụ và tăng cường hiệu quả vận hành. Ngoài ra, với hơn 700 doanh nghiệp hoạt động trên thị trường chuyển phát, cạnh tranh về giá và chất lượng dịch vụ rất khốc liệt. Các doanh nghiệp cần tìm ra lợi thế cạnh tranh bền vững thông qua đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ.
Nhìn về tương lai, Việt Nam là một trong những thị trường TMĐT phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Dân số trẻ, tỷ lệ sử dụng Internet cao cùng xu hướng mua sắm trực tuyến ngày càng tăng là động lực lớn thúc đẩy nhu cầu giao hàng. Điều này tạo ra “miếng bánh” khổng lồ cho ngành chuyển phát nhanh nếu được khai thác hiệu quả. Bà Đặng Minh Phương (Chủ tịch Hiệp hội Logistics TPHCM) khẳng định: “Nếu cải thiện hạ tầng, thúc đẩy đổi mới, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành trung tâm logistics hàng đầu”.