Bình luận

“Đau đầu” với phòng vệ thương mại: Doanh nghiệp cần làm gì?

Khôi Nguyên 01/09/2024 03:00

“Để tham gia vào sân chơi chung của thế giới, doanh nghiệp và cơ quan quản lý cần tương hỗ lẫn nhau nhằm kiến tạo lợi thế quốc gia, bảo vệ lợi ích cộng đồng…”.

Đây là chia sẻ của chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong xung quanh những vụ kiện phòng vệ thương mại mà các doanh nghiệp Việt đang có nguy cơ phải đối mặt.

dau-dau-voi-phong-ve-thuong-mai-doanh-nghiep-can-lam-gi-1.jpeg
Thép cuộn cán nóng Việt Nam vừa vị khởi xướng điều tra chống bán phá giá tại Ấn Độ.

Theo đó, Tổng cục Nhập khẩu, Bộ Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ (DGI) vừa có thông báo tổ chức phiên điều trần trong vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm pin năng lượng mặt trời có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Croatia, Jordan, Thái Lan, Malaysia và Việt Nam.

Để đảm bảo quyền và lợi ích của các doanh nghiệp của Việt Nam, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) khuyến nghị: Các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu liên quan chủ động đăng ký tham gia, nghiên cứu kỹ hướng dẫn của DGI, chuẩn bị các thông tin tài liệu theo yêu cầu và hợp tác đầy đủ toàn diện với DGI trong toàn bộ quá trình vụ việc.

Còn Cục Phòng vệ thương mại cho biết, Uỷ ban châu Âu (EC) đã tiếp nhận hồ sơ hợp lệ yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với thép HRC, thép không hợp kim hoặc thép hợp kim khác nhập khẩu vào Liên minh châu Âu (EU) có xuất xứ từ Việt Nam. Chưa hết mới đây Chính phủ Indonesia có những tuyên bố cam kết bảo vệ ngành dệt may nước này cũng như sẽ cân nhắc áp dụng biện pháp Phòng vệ thương mại với một số ngành hàng khác, Cục Phòng vệ thương mại khuyến cáo doanh nghiệp thường xuyên theo dõi thông tin, trao đổi với đối tác để nắm bắt thông tin sớm về khả năng bị điều tra Phòng vệ thương mại mặt hàng xuất khẩu.

Trao đổi với báo chí về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, nguyên nhân của việc hàng hóa xuất khẩu Việt Nam đối mặt với nhiều vụ kiện Phòng vệ thương mại là do Việt Nam đã tận dụng lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để mở rộng gia tăng xuất khẩu và quy mô tăng lên hàng năm từ 5 đến 6%, duy trì xuất siêu, vì vậy theo quy định, các nước phải xem xét các biện pháp phòng vệ để bảo vệ sản xuất trong nước.

Việc tham gia chuỗi cung ứng khu vực khiến Việt Nam trở thành quốc gia thường xuyên bị điều tra chung với các nước khác, thường xuyên bị điều tra Phòng vệ thương mại hoặc bị nghi ngờ chuyển tải bất hợp pháp nhằm lẩn tránh thuế Phòng vệ thương mại đối với những nước này.

Để giảm thiểu số lượng vụ việc hàng hóa Việt Nam bị điều tra áp dụng biện pháp Phòng vệ thương mại cũng như tác động tiêu cực mà các vụ việc này gây ra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, các cơ quan quản lý cần có các biện pháp tổng thể và lâu dài.

Trong đó có biện pháp cần phải tập trung vào ngăn chặn hiện tượng Việt Nam bị lợi dụng làm điểm trung chuyển để xuất khẩu hàng hóa sang nước thứ ba, đặc biệt tránh bị rơi vào hệ lụy của xung đột thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc; bảo vệ uy tín hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, hướng tới xuất khẩu bền vững.

dau-dau-voi-phong-ve-thuong-mai-doanh-nghiep-can-lam-gi-2.jpg
Mật ong xuất khẩu bị điều tra chống bán phá giá tại Hoa Kỳ lần đầu tiên vào năm 2021.

Bình luận về vấn đề này, chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, cần giảm thiểu tình trạng các doanh nghiệp đầu tư không thực chất, chỉ thực hiện các giai đoạn gia công đơn giản, không mang lại giá trị gia tăng đáng kể vào Việt Nam; tiếp tục quá trình đổi mới toàn diện. Đẩy mạnh chủ động hội nhập quốc tế và bảo đảm thực thi có hiệu quả cam kết của các FTA mà Việt Nam đang và sẽ tham gia; đa dạng hóa thị trường, chủ động nhận diện, thông tin và hỗ trợ doanh nghiệp đủ năng lực vượt qua các hàng rào kỹ thuật từ các đối tác xuất khẩu.

Cũng theo TS Nguyễn Minh Phong, hiện nay, việc tham gia vào sân chơi chung của thế giới với những điều khoản rõ ràng và càng lúc càng ngặt nghèo hơn. Bởi vậy, không còn cách nào khác, doanh nghiệp, hiệp hội đại diện cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý cần tương hỗ lẫn nhau, dựa trên yếu tố nền tảng chính là việc tạo dựng doanh nghiệp mạnh nhằm kiến tạo lợi thế quốc gia và bảo vệ hiệu quả lợi ích cộng đồng, cũng như lợi ích sát sườn của bản thân doanh nghiệp.

Chia sẻ từ góc độ cơ quan quản lý, ông Trịnh Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho biết, Bộ Công Thương mà đầu mối là Cục Phòng vệ thương mại đã và đang tiếp tục chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp xử lý, ứng phó hiệu quả với vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam thông qua nhiều hoạt động.

Cụ thể, cảnh báo sớm nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại để doanh nghiệp chủ động có kế hoạch xử lý. Cùng đó, trao đổi kịp thời với hiệp hội, doanh nghiệp để cung cấp thông tin cập nhật giúp doanh nghiệp nắm được diễn biến vụ việc; tư vấn pháp lý, quy trình thủ tục điều tra, quy định/thông lệ điều tra của nước khởi kiện và đưa ra các khuyến nghị, hướng xử lý cụ thể cho doanh nghiệp...

Ông Tuấn khẳng định, hoạt động này đã đem lại những kết quả tích cực, ghi nhận nhiều vụ việc Việt Nam thành công trong việc chứng minh doanh nghiệp không bán phá giá hay Chính phủ không trợ cấp, không can thiệp vào thị trường để tạo lợi thế bất bình đẳng cho doanh nghiệp xuất khẩu. Nhờ đó, doanh nghiệp xuất khẩu không bị áp thuế phòng vệ thương mại hoặc bị áp thuế ở mức thấp so với cáo buộc ban đầu hoặc so với các nước khác cùng bị áp thuế, góp phần giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Giới chuyên gia cũng khuyến cáo, cộng đồng doanh nghiệp cần nâng cao chuỗi giá trị của sản phẩm đồng thời đẩy mạnh việc cạnh tranh bằng chất lượng thay vì cạnh tranh bằng sản lượng, đặc biệt hạn chế việc cạnh tranh bằng giá, vì phương thức cạnh tranh này có thể sẽ bị thị trường xuất khẩu “soi” và đưa vào các nghi vấn bán phá giá, nhận trợ cấp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Đau đầu” với phòng vệ thương mại: Doanh nghiệp cần làm gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO