Đâu là giá trị thực của SRA?

Phương Hà 30/09/2018 11:07

Sau giai đoạn tăng trần gần 10 lần trên sàn, cổ phiếu của CTCP Sara Việt Nam (HNX: SRA) đã liên tục giảm sàn, trắng bên mua.

Trước biến động bất thường này, giới đầu tư đang đặt ra câu hỏi có hay không sự thổi phồng giá trị thực của cổ phiếu này?

p/Biến động giá cổ phiếu SRA từ tháng 4/2009 đến nay

Biến động giá cổ phiếu SRA từ tháng 4/2009 đến nay

Từ năm 2016, SRA đã chuyển ngành nghề kinh doanh chính sang tư vấn chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực điện tử, tin học, bán buôn và cho thuê máy móc, thiết bị và phụ tùng...

Cổ phiếu tăng phi mã

Kể từ năm 2017 đến hết tháng 7/2018, cổ phiêu SRA gần như chỉ đi ngang trong biên độ từ khoảng 4.000đồng/cp đến 15.000đ/cp. Kể từ tháng 8/2018 đến đầu tháng 9, cổ phiếu này đã có biến động rất mạnh, tăng vọt từ mức khoảng 10.000 đồng/cp lên tới mức gần 85.000 đồng/cp, tức tăng khoảng 750%. Tuy nhiên sau đó, cổ phiếu SRA đã liên tục giảm sàn với tình trạng trắng bên mua và đà giảm chỉ dừng lại khi có lực cầu nhập cuộc tại vùng giá 40.000 đồng/cp.

Cùng với đó, thanh khoản của cổ phiếu SRA cũng được cải thiện đáng kể, trước đây bình quân mỗi phiên chỉ có khoảng 6.000-7000 cổ phiếu được giao dịch thì trong vòng hơn 1 tháng trở lại đây đạt đến gần 30.000 cổ phiếu được trao tay.

750%
là mức tăng giá của cổ phiếu SRA của CTCP Sara Việt Nam trong khoảng thời gian từ tháng 8/2018 đến đầu tháng 9 vừa qua.

Thông tin tích cực ủng hộ cho đà tăng của SRA giai đoạn này là lợi nhuận đột biến trong quý II/2018. Theo đó, SRA đạt doanh thu thuần 52,5 tỷ đồng, gấp 12,5 lần cùng kỳ năm trước, lãi ròng đạt 29,4 tỷ đồng, tăng mạnh so quý II/2017. Nhờ vậy, lũy kế 6 tháng, SRA đạt doanh thu thuần 53,8 tỷ đồng, tăng 7,9 lần và lợi nhuận sau thuế đạt 29,3 tỷ đồng, tăng 33 lần cùng kỳ năm trước. Đây là mức doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lớn nhất của SRA từ năm 2006.

Năm 2018, SRA đặt kế hoạch kinh doanh 225 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 60 tỷ đồng, gấp hơn 5 lần năm 2017. Sau nửa năm, Cty thực hiện 24% kế hoạch doanh thu và 48% kế hoạch lãi ròng.

Rủi ro đối với cổ phiếu SRA

Ông Nguyễn Thành Nam-Nhà đầu tư trên sàn ACBS cho rằng, giá cổ phiếu SRA đã phản ứng quá mức với kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này. Đây là điều không hợp lý khi sự chuyển đổi ngành nghề của SRA chỉ mới diễn ra trong 1- 2 năm. Dù đạt hiệu quả kinh doanh cao nhưng tính ổn định không rõ ràng. Điều này đặt ra nghi ngờ cho các nhà đầu tư về việc có hay không tình trạng làm giá, thao túng giá cổ phiếu này trong thời gian qua?. Ngoài ra, số lượng cổ phiếu SRA được niêm yết không lớn (chỉ khoảng 2 triệu cổ phiếu) cùng khoảng trống thông tin về hoạt động kinh doanh sẽ tạo rủi ro cho nhà đầu tư.

Theo ông Nam, có điểm nữa cần lưu ý là chất lượng dòng tiền từ SRA, dù lợi nhuận sau thuế tăng trưởng qua các năm nhưng chất lượng dòng tiền của doanh nghiệp này chưa cao. Đặc biệt, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh biến động mạnh qua các năm và đạt mức thâm hụt hơn 11 tỷ đồng trong năm 2017. Tỷ lệ dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trên lợi nhuận sau thuế theo đó suy giảm mạnh và hàng tồn kho lớn.

Bên cạnh đó, quy mô vốn của SRA hiện tại khá thấp. Hiện vốn chủ sở hữu ở mức 20 tỷ đồng từ năm 2015 đến nay. Với doanh thu và lợi nhuận tăng chóng mặt trong 2 năm gần đây, nguồn tài trợ từ lợi nhuận chưa phân phối sẽ không đủ để duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong những năm tới. Đây là lý do khiến SRA phải lên kế hoạch tăng vốn chủ sở hữu bằng cách phát hành 16 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu với mức giá 10.000 đồng/cp nhằm huy động vốn cho dự án đầu tư 180 tỷ đồng liên doanh liên kết vào bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ.

Với lượng phát hành vốn cổ phần gấp nhiều lần so với quy mô vốn chủ sở hữu hiện tại, giới đầu tư lo ngại rủi ro điều chỉnh giá cổ phiếu SRA do bị pha loãng.

“Mạnh tay” hơn với thao túng cổ phiếu 

Trước đây khi các chế tài xử phạt chưa mang tính răn đe, mức xử phạt quá thấp so với lợi nhuận thu được nên nhiều cổ phiếu đã bị thao túng giá. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, hiện tượng này đã có xu hướng giảm so với trước đây. Có lẽ nguyên nhân chính do đã có nhiều chế tài phạt và giám sát chặt chẽ hơn của cơ quan quản lý Nhà nước. Cụ thể, Nghị định 108/2013/NĐ-CP quy định mức xử phạt rất cao, phạt tiền tối đa đối với tổ chức đến 1,2 tỷ đồng, đối với cá nhân đến 600 triệu đồng.

Bên cạnh đó, đối tượng vi phạm còn bị tịch thu toàn bộ khoản thu lời bất hợp pháp (nếu có). Cao hơn nữa, Bộ luật hình sự sửa đổi 2015 có hiệu lực kể từ năm 2018 cũng đưa ra nhiều chế tài xử phạt nặng tay, trong đó cao nhất là phạt tù tối đa 7 năm đối với hành vi thao túng giá cổ phiếu.

Ngoài ra, rất nhiều hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán (TTCK) đã được bổ sung, trong đó hành vi “thao túng TTCK” đã được bổ sung để xác định tội phạm “thu lợi bất chính”. Theo đó, trường hợp có khoản thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng trở lên sẽ bị xử lý hình sự. Mặc dù vậy, cho đến nay mới chỉ có một trường hợp duy nhất bị xử lý hình sự, đó là nguyên Giám đốc chi nhánh Hà Nội Cty chứng khoán Ngân hàng Đông Á bị khởi tố về hành vi thao túng, làm giá cổ phiếu của CTCP Tư vấn thiết kế và Phát triển đô thị, một phần do cơ quan cảnh sát điều tra gặp nhiều khó khăn trong việc thu thập bằng chứng để khởi tố hình sự. Đó có thể là lý do tại sao tình trạng thao túng giá cổ phiếu vẫn còn diễn biến phức tạp, điển hình gần đây nhất là UBCKNN đã phạt ông Nguyễn Minh Tuấn (Hà Nội) số tiền 550 triệu đồng vì đã thao túng giá cổ phiếu HID.

Nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường giám sát chặt chẽ hơn nữa, tăng mức xử phạt, thậm chí xử lý hình sự đối với một số trường hợp làm giá cổ phiếu gây hậu quả nghiêm trọng…

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đâu là giá trị thực của SRA?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO