Ngành du lịch khách sạn hiện nay đang đối mặt với một vấn đề lớn là nguồn nhân lực còn đang thiếu và yếu.
Dù đã có những nỗ lực đổi mới và sáng tạo song khoảng cách giữa đầu ra của các trường và nhu cầu thực tế của doanh nghiệp vẫn còn một khoảng trống lớn.
Khi rất nhiều học sinh cuối cấp 3 từng có mong muốn làm việc trong ngành du lịch đang hoang mang không biết liệu rằng sau khi tốt nghiệp đại học có xin được việc hay không thì các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đang đau đầu giải bài toán khát nhân sự.
Trong diễn đàn việc làm ngành du lịch khách sạn được tổ chức tại trường đại học Kinh tế quốc dân cuối tuần trước, nhân viên của các doanh nghiệp, khách sạn cố gắng tiếp cận càng nhiều sinh viên càng tốt để giới thiệu cơ hội việc làm và lấy thông tin thay vì chờ các em tìm đến gian hàng của mình.
Ngành du lịch ngày càng thể hiện được vai trò của mình đối với sự phát triển kinh tế của đất nước. Năm 2018, du lịch Việt Nam đón 15,6 triệu khách quốc tế, phục vụ trên 80 triệu lượt khách nội địa, tổng thu đạt 620 nghìn tỷ đồng.
PGS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân đánh giá, ngành du lịch hiện đã có thể cạnh tranh sòng phẳng với các ngành khác trong việc thu hút nhân tài. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nguồn nhân lực có chất lượng cao.
Ông Chương cho biết, nguồn nhân lực trong ngành hiện nay chỉ có 42% được đào tạo về du lịch, 38% được đào tạo từ các ngành khác chuyển sang và khoảng 20% chưa qua đào tạo chính quy mà chỉ được huấn luyện tại chỗ.
Số liệu thống kê cho thấy hiện có hơn 190 cơ sở đào tạo về du lịch trên toàn quốc. Hệ thống các mã ngành đào tạo cũng được dần hoàn thiện với khoảng 40 ngành nghề đào tạo từ sơ cấp đến cao đẳng, 4 ngành nghề đào tạo đại học, 2 ngành đào tạo thạc sỹ.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam chia sẻ, đến năm 2025, Việt Nam kỳ vọng đón 32 triệu khách quốc tế, 110 triệu khách nội địa. Do đó, nhân lực du lịch sẽ phải đạt con số 4 triệu lao động trực tiếp.
Vấn đề đặt ra là làm thế nào để đạt được số lượng nhân lực khổng lồ như vậy chỉ trong một thời gian ngắn. Ông Bình đánh giá, ngành du lịch đang thiếu rất nhiều nhân sự, đặc biệt là lao động có kỹ năng nghề cao.
"Lao động Việt Nam hiện nay nhìn chung chưa có đủ để đảm nhiệm những vị trí cao như giám đốc, quản lý khách sạn. Lao động còn thiếu và yếu là một áp lực lớn đối với công tác đào tạo nhân sự du lịch", ông Bình đánh giá.
Dù không ngừng đẩy mạnh đổi mới và sáng tạo trong đào tạo để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp song giữa đầu ra của các trường đại học và nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, theo PGS.TS Phạm Trương Hoàng, Trưởng khoa Du lịch và khách sạn (Đại học Kinh tế Quốc dân), vẫn còn một khoảng trống rất lớn, đặc biệt trong mảng quản trị.
Cụ thể, học viên của các trường dạy nghề thường có thể làm việc trực tiếp ngay còn sinh viên tốt nghiệp các trường đào tạo về quản trị du lịch không có đủ năng lực quản trị ngay mà phải trải qua nhiều vị trí khác nhau và phát triển thêm trong dài hạn.
Tuy nhiên, PGS.TS Phạm Trương Hoàng nhấn mạnh, có những người học quản trị du lịch chưa chắc ra trường đã làm quản lý, hay không thể nói không học quản trị thì không thể leo cao. Điều quan trọng là phải giúp sinh viên xác định được tâm thế, định hướng cho tương lai để từ đó bước dần lên các nấc thang cao hơn trong sự nghiệp.
Như ông Nguyễn Quốc Hoàn, Tổng giám đốc khách sạn bốn sao The Ann phải mất rất nhiều năm để từ vị trí bồi bàn khi còn là sinh viên, qua nhiều vị trí như lễ tân, nhân viên kinh doanh-tiếp thị, trưởng phòng kinh doanh và dịch vụ hội nghị... mới có thể lên làm quản lý của những khách sạn lớn mang thương hiệu trong nước và quốc tế.
Khách sạn 5 sao DIC Star Vĩnh Phúc mới khai trương cuối tháng Một năm nay cũng cử ông Hoàng Hồng Hà, một người có rất nhiều kinh nghiệm trong nghề du lịch khách sạn, giữ vị trí tổng quản lý.
Hay ở các dự án của Công ty CP Tập đoàn Flamingo, cơ hội giữ vị trí quản lý cũng được trao nhiều hơn cho người Việt do đặc thù đối tượng khách của doanh nghiệp này phần lớn là khách nội địa. Tuy nhiên, để leo được lên vị trí quản lý, nhân sự cũng phải đáp ứng được những yêu cầu cần thiết, không chỉ về chuyên môn mà còn kỹ năng, thái độ.
"Chúng tôi cung cấp các khoá đào tạo cho người lao động để họ có thể có cơ hội phát triển và thăng tiến. Chỉ với các kiến thức từ việc học là chưa đủ, các em sẽ phải học các kỹ năng khác, đơn giản nhất là cách cười, cách nói chuyện, bồi dưỡng thêm ngoại ngữ vì nhiều em có chứng chỉ nhưng không thể sử dụng được", ông Đào Mạnh Hùng, Trưởng nhóm tuyển dụng Flamingo cho biết.
Tại Công ty CP Quản lý điểm đến châu Á ASIA DMC, bên cạnh kiến thức chuyên môn và kỹ năng là yêu cầu bắt buộc khi tuyển dụng thì ba giá trị lớn được công ty này đề cao đối với ứng viên là đam mê, sáng tạo và trách nhiệm.
Những tố chất này theo đại diện các doanh nghiệp là cần được bổ sung vào trong chương trình đào tạo của các trường đại học bởi xét cho cùng đào tạo cần được xây dựng và thực hiện dựa trên nhu cầu của khách hàng.
Như bà Nguyễn Thị Thanh Thuỷ, Chủ tịch Chi hội Nhân sự khách sạn Việt Nam (trực thuộc Hiệp hội Khách sạn Việt Nam) cho biết, có tới 75% du khách trước khi đi du lịch hoặc công tác đều tìm kiếm trên Google, khoảng 85% đều khảo sát thông tin điểm đến trên TripAdviser. Nhờ Internet và công nghệ mà khách hàng đòi hỏi ngày càng cao, họ muốn nhanh, liên tục, trực tiếp và thân thiện.