Chính trị

Bài toán nhân sự sau tinh gọn bộ máy

Trương Khắc Trà 13/12/2024 04:07

Công cuộc tinh giản tổ chức, nhân sự, nâng cao hiệu quả, hiệu lực của bộ máy nhà nước theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm đang được triển khai rất quyết liệt.

bo-may.jpg

Nhiệm vụ trên đây đã khó, nhưng việc thực hiện bài toán nhân sự sẽ phức tạp hơn. Hay nói cách khác làm sao để giữ được người cần giữ - là cán bộ có năng lực, phẩm chất - một khía cạnh được bàn đến mấy ngày qua. Là câu hỏi khiến không ít cán bộ, công chức, viên chức trăn trở, suy tư!

Vừa qua, khi làm việc với tỉnh Hưng Yên, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu rõ quan điểm: “Không để cơ quan Nhà nước là vùng trú an toàn cho cán bộ yếu kém”. Đồng thời, khi tiến hành tinh gọn bộ máy cần nghiên cứu để có chính sách thu hút người tài, có năng lực nổi trội, bảo đảm sự kế thừa, nối tiếp giữa các thế hệ.

Trước hết cần biểu dương sự hy sinh quyền và lợi ích của hàng trăm nghìn lao động đã được biên chế. Sau đó, nhất thiết cần cơ chế sàng lọc hữu hiệu. Phát huy trách nhiệm của người đứng đầu mỗi cơ quan, tổ chức, bởi vì lãnh đạo quản lý và sử dụng trực tiếp nhân sự qua thời gian sẽ có cái nhìn sâu sát nhất về năng lực, phẩm chất của mỗi cá nhân trong đó.

Một phương pháp phổ biến khác là tổ chức tái sát hạch thi tuyển để chọn lại những cán bộ tốt nhất cho từng vị trí. Theo nguyên tắc mà Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc nhấn mạnh yêu cầu sắp xếp bộ máy theo tinh thần “người di theo việc”. Việc tinh gọn bộ máy đi đôi với nâng cao hiệu quả công việc, đẩy mạnh phân cấp phân quyền, ít nhân sự hơn nhưng có thể giải quyết nhiều công việc hơn. Bộ máy chỉ thực sự hiệu quả khi có đội ngũ nhân lực chất lượng cao. Ngoài xu hướng công nghệ thông tin hóa bộ máy - còn có khả năng mở rộng năng lực của từng cơ quan, đơn vị.

Ví dụ, đối với Ban Kinh tế Trung ương, Tổng Bí thư Tô Lâm gợi ý: Ban Kinh tế Trung ương phải hình thành một cơ quan nghiên cứu tham mưu chiến lược hàng đầu của Đảng về kinh tế - xã hội, có uy tín quốc tế, trên cơ sở không ngừng kế thừa những thành tựu đã có và phát triển lên tầm cao mới; tăng cường năng lực hoạch định chiến lược, năng lực nghiên cứu, phân tích, dự báo. Theo mô hình phổ biến, phân cấp trong cấu trúc tổ chức của các tổ chức truyền thống, nhân viên được phân chia theo phòng ban và quyền lực được phân chia theo chiều dọc và theo chiều hướng lên trên. Điều này khiến các tổ chức đó cố định và cứng nhắc, và thường bị trở ngại trong đổi mới và thay đổi.

Các tổ chức hiện đại có cấu trúc tổ chức theo hướng cởi mở hơn, xây dựng các nhóm, mạng lưới và sự cộng tác hiệu quả hơn. Cấu trúc tổ chức hiện đại linh hoạt hơn để thích nghi trong mọi khía cạnh của môi trường làm việc: có sự giao thoa kiến thức, kỹ năng liên ngành, qua đó giúp tự động đào tạo bồi dưỡng cán bộ. Hơn nữa, các tổ chức theo cơ cấu cũ duy trì các chính sách và tiêu chuẩn cụ thể để giảm thiểu mọi loại rủi ro, dẫn đến bảo thủ trì trệ; quá thận trọng để chấp nhận phương pháp luận và công nghệ tiên tiến.

Cuối cùng, cần tạo ra cơ chế sử dụng và tuyển dụng thông thoáng hơn với lao động trong cơ quan nhà nước; trong một số nhiệm vụ nhất định có thể huy động nguồn nhân lực ngoài biên chế, hoặc tuyển dụng trực tiếp với các trường hợp đặc biệt xuất sắc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bài toán nhân sự sau tinh gọn bộ máy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO