Tâm điểm

Tinh gọn bộ máy để Việt Nam “bay cao” và hội nhập

TS Nguyễn Hoàng Hiệp Chuyên gia Kinh tế, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng 09/12/2024 05:00

Trong thời đại mới với nhiều biến đổi phức tạp của bối cảnh kinh tế vĩ mô toàn cầu, việc “thiết kế lại” bộ máy hành chính tinh gọn thể hiện một tầm nhìn xa, rộng lớn và sáng suốt.

4 giai phap
4 giải pháp trọng tâm phòng, chống lãng phí trong bài viết “Chống lãng phí” của Tổng Bí thư Tô Lâm. Nguồn: TTX

Chủ trương quyết liệt về tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị được Tổng Bí thư Tô Lâm cho hay không phải yêu cầu mới và nhiều nhiệm kỳ đại hội đã chỉ ra các tồn tại đó; Nhưng có thể do lý do, điều kiện chưa thực hiện được.

Kỳ vọng “cách mạng” thể chế

Theo Tổng Bí thư, hiện nay là thời điểm, thời cơ và là sự cấp thiết, là đòi hỏi tất yếu khách quan cho cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị để bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Không thể chậm trễ hơn được nữa.

Nhìn lại những năm qua, Đảng ta đã ban hành và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, nghị quyết, kết luận về xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, như nhận định tại Nghị quyết 18/2017/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, mối quan hệ của một số cơ quan, tổ chức chưa thật rõ, còn chồng chéo, trùng lắp... Việc phân công, phân cấp, phân quyền giữa các ngành, các cấp và trong từng cơ quan, tổ chức chưa hợp lý, mạnh mẽ và đồng bộ; còn tình trạng bao biện, làm thay hoặc bỏ sót nhiệm vụ. Kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm việc đạt kết quả thấp; tỉ lệ người phục vụ cao, nhất là ở khối văn phòng; số lãnh đạo cấp phó nhiều; việc bổ nhiệm cấp "hàm" ở một số cơ quan Trung ương chưa hợp lý.…

Có thể nói, Nghị quyết 18 đã nhận diện tất cả các vấn đề trên và từ khi được ban hành, đã đặt nền tảng về cơ sở lý luận, thực tiễn về quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, đồng thời đề ra giải pháp kiện toàn tổ chức và thu gọn đầu mối, hướng đến sự thay đổi của hôm nay.

Trong thời đại mới với nhiều biến đổi phức tạp của bối cảnh vĩ mô toàn cầu, sự thay đổi, “thiết kế lại” bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn thể hiện một tầm nhìn xa, rộng lớn và sáng suốt của Đảng và Nhà nước; được kỳ vọng là cuộc “cách mạng” thể chế đổi mới và toàn diện, nhằm để xây dựng một thể chế mạnh, thích ứng được với mọi thách thức và các biến động phức tạp phát sinh mới và liên tục.

Đây không chỉ là chủ trương được thống nhất cao, thuận theo “ý Đảng, lòng Dân”, mà ở góc độ quản trị quốc gia và hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, hoàn toàn phù hợp với với định hướng tăng cường cấu trúc quản lý nhà nước và năng lực thể chế, đã được giới chuyên gia và định chế quốc tế như World Bank, IMF, ADB... khuyến nghị như “then chốt” để Việt Nam hiện thực hóa các khát vọng phát triển.

ong hieu
TS Nguyễn Hoàng Hiệp

Thu hút nhân tài

Theo chủ trương lớn về tinh gọn bộ máy chính trị, người dân và doanh nghiệp trông đợi một hệ thống vận hành với nhân sự và cấu trúc tinh gọn không chỉ từ giảm cơ học, giảm số lượng đầu mối, giảm số lượng lao động, khắc phục và thay đổi những vấn đề đã được nhận diện; còn bao gồm cả hiệu quả hoạt động của cả bộ máy, và các nhân lực chủ chốt, theo cùng, đạt hiệu năng, hiệu suất, hiệu quả.

Để có được như vậy, bên cạnh quá trình tinh gọn - đồng nghĩa quá trình sàng lọc nhân sự, việc giữ được nhân sự, cán bộ có tầm có tâm, có năng lực, đi đôi với thu hút người tài tham gia vào bộ máy quản lý Nhà nước, là quan trọng.

Vậy làm sao để khai thác, phát huy vốn con người, vốn xã hội? Tôi cho rằng thu hút nhân tài có tầm nhìn, năng lực và động lực vào trong đội ngũ cán bộ công chức, viên chức thuộc bộ máy nhà nước, mang đến những sáng kiến vận hành công việc của bộ máy quản lý hành chính, đảo ngược hoàn toàn các yếu tố lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc, cơ hội kinh doanh cho người dân và doanh nghiệp, xóa mối nguy giảm cơ hội, triển vọng phát triển xã hội, hao mòn động lực phát triển đất nước, chính là “chìa khóa phụ” của cuộc cách mạng thể chế - thực hiện tinh gọn bộ máy.

Việc xây dựng môi trường - không gian quản trị tri thức trong bộ máy - thể chế chính trị quốc gia với nhân tài, người tài theo quy luật cạnh tranh - nhân sự tự đào thải nếu không đáp ứng, thang bảng lương cũng phải song song với chỉ số đánh giá KPIs, theo đó ở mỗi cụm tổ chức, có thể ví như một môi trường làm việc, phát huy tại “doanh nghiệp”.

Ở tầm vĩ mô, quản trị nhà nước tất nhiên không như quản trị một doanh nghiệp. Song một quốc gia muốn hùng mạnh, cũng như một doanh nghiệp, trước hết phải luôn đề cao quản trị tri thức, con người. Tinh gọn bộ máy, do vậy phải vừa nâng chất lượng quản trị tri thức, vừa tăng chất lượng tích lũy vốn con người, cho một thể chế hoàn thiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tinh gọn bộ máy để Việt Nam “bay cao” và hội nhập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO