Việc cơ cấu, thay đổi bộ máy nhà nước theo hướng “tinh, gọn, mạnh” để đạt hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả là một nhiệm vụ cấp bách mang tính sống còn.
Đây cũng là nhiệm vụ cấp bách khi Việt Nam xác định bước vào một kỷ nguyên phát triển mới, khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế.
Những ngày qua, việc cơ cấu thay đổi bộ máy nhà nước theo tinh thần hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả và phương châm “tinh, gọn, mạnh” được nhiều cử tri khẳng định là nhiệm vụ không thể trì hoãn.
Bộ máy hành chính hiện tại dù đã có những bước cải tiến đáng kể, nhưng vẫn còn nhiều bất cập như chồng chéo chức năng, cơ cấu cồng kềnh và hiệu suất chưa đạt kỳ vọng. Những điều này không chỉ làm gia tăng chi phí vận hành mà còn ảnh hưởng đến tốc độ và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập ngày càng sâu rộng, sự trì hoãn cải cách sẽ khiến Việt Nam đối mặt với nguy cơ tụt hậu, khó cạnh tranh với các quốc gia khác.
Do đó, tinh thần “tinh, gọn, mạnh” chính là “kim chỉ nam” cho cải cách bộ máy nhà nước. “Tinh” là chuyên môn hóa, tập trung vào những nhiệm vụ cốt lõi, loại bỏ các chức năng không cần thiết. “Gọn” là sắp xếp lại để giảm bớt các đầu mối trung gian, tăng cường tính minh bạch, rõ ràng trong quản lý. “Mạnh” là năng lực thực thi, khả năng xử lý công việc nhanh chóng, quyết liệt và hiệu quả.
Như vậy, đây là nhiệm vụ không thể trì hoãn nếu chúng ta muốn đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới. Sự quyết tâm chính trị, cùng với sự đồng lòng của toàn xã hội sẽ là yếu tố then chốt để cải cách thành công, đưa Việt Nam vươn lên mạnh mẽ và khẳng định vị thế của mình trong tương lai.
Bộ Chính trị xác định, việc hoàn thiện tổ chức bộ máy là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Đây thực sự là một cuộc cách mạng rất cần thiết, không chỉ để nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia mà còn để đáp ứng những thách thức và yêu cầu mới trong bối cảnh đất nước đang chuyển mình mạnh mẽ.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này chúng ta cần thẳng thắn đối diện với các thách thức hiện tại. Đó là sự chồng chéo, phân tán chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị. Điều này không chỉ làm giảm hiệu suất làm việc mà còn tạo ra sự mâu thuẫn, lãng phí nguồn lực. Do đó, việc tái cấu trúc, loại bỏ các phần việc trùng lặp và sắp xếp lại chức năng là yếu tố tiên quyết để tinh gọn tổ chức.
Nhiệm vụ đặc biệt này cũng đòi hỏi phải gắn liền với đổi mới về tư duy và phong cách lãnh đạo. Tôi xin nhấn mạnh, yếu tố con người luôn là cốt lõi để thực hiện thành công nhiệm vụ này.
Có thể khẳng định, quan điểm “tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả” trở thành “kim chỉ nam” cho việc xây dựng một bộ máy Nhà nước tinh gọn, phù hợp với yêu cầu phát triển của thời đại. Đây không chỉ là một khẩu hiệu, phong trào mà phải được hiện thực hóa thông qua những hành động cụ thể, quyết liệt và có lộ trình rõ ràng.
Thứ nhất, xác định lại chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan trong bộ máy Nhà nước, tránh sự chồng chéo, phân tán. Việc này đòi hỏi một quá trình rà soát và đánh giá kỹ lưỡng, dựa trên các tiêu chí khoa học và thực tiễn. Các cơ quan cần tổ chức tinh gọn nhưng vẫn đảm bảo sự liên kết và phối hợp hiệu quả.
Thứ hai, đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ số trong quản trị Nhà nước. Chuyển đổi số không chỉ là một xu thế, mà còn là một yêu cầu bắt buộc trong thời đại ngày nay. Việc sử dụng dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, và các công cụ quản trị số hóa sẽ giúp giảm bớt quy trình thủ công, nâng cao hiệu suất làm việc và tăng cường tính minh bạch trong hoạt động của bộ máy nhà nước.
Thứ ba, chú trọng đến yếu tố con người. Bộ máy tinh gọn không chỉ yêu cầu giảm số lượng mà còn đòi hỏi tăng chất lượng. Đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, tận tâm và có trách nhiệm là điều kiện tiên quyết. Chỉ khi con người thực sự hiểu và cam kết với mục tiêu “tinh, gọn, mạnh” thì bộ máy mới có thể vận hành hiệu quả.
Thứ tư, có chính sách phù hợp để xử lý những hệ lụy phát sinh trong quá trình cải cách. Những cán bộ, công chức chịu ảnh hưởng bởi tinh giản biên chế cần có các chính sách hỗ trợ như đào tạo lại, chuyển đổi nghề nghiệp hoặc bảo đảm an sinh xã hội. Điều này không chỉ giảm bớt tâm tư mà còn khuyến khích sự đồng thuận và hợp tác.
Thứ năm, “tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả” cần thể chế hóa thành các chính sách, quy định cụ thể và có sự giám sát chặt chẽ trong quá trình triển khai. Mọi cải cách đều cần một cơ chế kiểm tra, đánh giá thường xuyên để đảm bảo mục tiêu đề ra đang được thực hiện đúng hướng và mang lại kết quả thực chất.