Theo Tiến sĩ Huỳnh Thế Du - Giám đốc Chương trình MPP Đại học Fulbright Việt Nam, có nhiều nguyên nhân dẫn đến trục trặc của quy hoạch đô thị ở Việt Nam, trong đó, sự ảnh hưởng của các nhà đầu tư tư nhân làm các kế hoạch thường xuyên bị thay đổi.
Phân tích vai trò của các nhà phát triển bất động sản trong việc tạo dựng các thành phố tại Diễn đàn “Phát huy vai trò doanh nghiệp bất động sản, triển khai thực hiện Đề án Phát triển thị trường bất động sản TP Hồ Chí Minh” do Sở Xây dựng TP HCM, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) tổ chức, TS Huỳnh Thế Du cho biết đang có sự ngộ nhận trong vai trò và tác động của các doanh nghiệp, nhà đầu tư tư tư nhân đối với quy hoạch đô thị.
Xếp hạng năng lực cạnh tranh và môi trường sống của một số thành phố đô thị lớn của các quốc gia trong khu vực châu Á, cho thấy Việt Nam đang có vị thứ rất thấp ở 39, đứng sau rất nhiều thành phố như Tokyo (94), Hồng Kong (93), Singapo (91), Seoul (78), Bắc Kinh (76), Thượng Hải (72), Đài Bắc (68), Kuala Lumpur (64), Bangkok (60), Mumbai (59) và Jakarta (52) của Indonesia lẫn Manila (50) của Philippines.
So sánh các chỉ số cơ sở hạ tầng của các thành phố lớn như Seoul, Thượng Hải, Jakarta, Manila và TP Hồ Chí Minh với các yếu tố đo lường cơ bản như đất đô thị hóa (km), km đường/ triệu người, km tàu điện ngầm/ triệu người, tiêu thụ nước (1 người/ ngày), tiêu thụ điện (kwh/người /năm), tỷ lệ phần trăm lao động có kỹ năng và số bác sỹ /10.000 dân, TS Huỳnh Thế Du cho rằng đang có sự tương phản giữa các thành phố.
Đáng chú ý trong đó nếu ở mọi chỉ số, TP Hồ Chí Minh còn có thể có “so kè” thấp cao, riêng chỉ số km tàu điện ngầm/triệu người, con số của chúng ta là 0. Chỉ số này của TP Hồ Chí Minh ngang bằng Jakarta và hy vọng với tuyến Metro mà TP đang thực hiện, cơ hội tái lập sự tương phản ở vị thế thấp về cơ sở hạ tầng của Tp Hồ Chí Minh sang màu sắc khác sẽ sớm đến.
Giải thích “khả dĩ” về tình trạng còn “thiếu thốn” về cơ sở hạ tầng của TP HCM so với những TP lớn cùng khu vực, TS Huỳnh Thế Du cho rằng chiến lược phát triển quốc gia có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của thành phố; tỷ lệ thu ngân sách mà thành phố được phép giữ lại để chi tiêu cũng là yếu tố quan trọng (trước khi được trao cơ chế chính sách thí điểm đặc thù, tỷ lệ giữ lại trên nguồn thu ngân sách của TP Hồ Chí Minh là 18%/ thu ngân sách 27%, với tổng dân số chiếm 9,1% và được hưởng từ ngân sách chi cho các địa phương chỉ 4,8%-NV).
Cùng với đó, “sự nhất quán theo đuổi các chiến lược dài hạn là quan trọng, trong khi sự chú trọng thái quá vào các vấn đề ngắn hạn với tầm nhìn mơ hồ và những biện pháp chung chung đơn giản sẽ không thể giải quyết được các vấn đề của thành phố. Tinh thần doanh nhân công cộng với các liên minh hỗ trợ mạnh có vai trò quan trọng, trong khi nhiệm kỳ chính trị không nhất thiết kìm hãm các thành tựu. Quy hoạch tổng thể có vai trò hạn chế trong phát triển của thành phố và chính quyền chia cắt gây ra những vấn đề trục trặc cho sự phát triển của thành phố, nhưng một chính quyền đô thị hợp nhất hay tập trung cũng không đảm bảo cho sự phát triển đô thị thành công”, ông Du nói.
Vậy câu hỏi đặt ra: Nhìn trên tổng thể, đâu là vấn đề dẫn đến những trục trặc của quy hoạch đô thị ở Việt Nam?
Theo TS của Đại học Fulbright Việt Nam, đang có sự không ăn khớp giữa kỹ thuật và chính trị trong quy hoạch đô thị và thực thi các bản quy hoạch. Thứ nhất, dự báo dân số và phân bổ dân số thường khác xa thực tế làm cho các quy hoạch sớm trở nên lạc hậu.
Thứ hai, hoạch định các mức vốn đầu tư phi thực tế.
Thứ ba, thiếu những đánh giá phương án sử dụng đất hay hạ tầng giao thông khác nhau.
Thứ tư, sự mâu thuẫn giữa các bản kế hoạch và thiếu hợp tác giữa các cơ quan nhà nước.
Thứ năm, có sự ảnh hưởng của các nhà đầu tư tư nhân làm các kế hoạch thường xuyên bị thay đổi và thực hiện một cách manh mún.
Thứ 6, thiếu vắng sự tham gia thực chất của người dân.
Ông khuyến nghị hướng tiếp cận trong thời gian tới, thay đổi từ ngộ nhận về vai trò của quy hoạch đô thị và vai trò của nhà nước sang vai trò của nhà nước nói chung và quy hoạch đô thị nói riêng, thay đổi từ vai trò và tác động của các nhà phát triển bất động sản sang vai trò, bỏ yếu tố tác động. Theo đó, sẽ loại bỏ ảnh hưởng trong yếu tố thứ năm dẫn đến trục trặc quy hoạch đô thị như đã phân tích. Các công cụ then chốt cần tiếp tục được sử dụng.
Như vậy, trong bức tranh phát triển đô thị, nhà đầu tư tư nhân, các nhà phát triển bất động sản là những thành phần, nguồn lực không thể thiếu để đóng góp cho các thành phố, song để TP Hồ Chí Minh được quy hoạch và xây dựng theo hướng đô thị thông minh, phát triển trên quan điểm phát triển vùng, là đô thị đa trung tâm cùng hệ thống giao thông hiện đại, để thị trường bất động sản Thành phố phát triển theo hướng hiệu quả đồng bộ trong mối liên kết vùng, gắn với phát triển đô thị bền vững, thì bài toàn vẫn là sự cân bằng và sử dụng kỹ thuật + chính trị; nhà đầu tư tư nhân không nên là nhân tố tác động đến quy hoạch.