Đấu thầu mua gạo và các vấn đề pháp lý

LS Nguyễn Danh Huế - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Hừng Đông 26/04/2020 06:00

Tình trạng doanh nghiệp trúng thầu mua gạo dự trữ nhà nước năm 2020 nhưng từ chối ký hợp đồng, đã gây nên những ý kiến trái chiều và thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội trong những ngày qua. 

Kiểm tra chất lượng mặt hàng lúa dự trữ quốc gia tại kho của Chi cục Dự trữ Nhà nước Tiên Sơn, Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Hà Bắc.

Kiểm tra chất lượng mặt hàng lúa dự trữ quốc gia tại kho của Chi cục Dự trữ Nhà nước Tiên Sơn, Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Hà Bắc.

Số liệu của Tổng cục Dự trữ Nhà nước cho thấy, đến nay, có tổng cộng 28 doanh nghiệp trúng thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia năm 2020 với số lượng 178.000 tấn, trong đó có 02 doanh nghiệp ký hợp đồng đủ số lượng gạo đã trúng thầu, 02 doanh nghiệp ký một phần số đã trúng thầu, 24/28 doanh nghiệp còn lại từ chối ký hợp đồng.

Các doanh nghiệp có vi phạm pháp luật?

Theo quy định tại Điều 121 Nghị định 63/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu thì hiện nay có 4 hình thức xử lý vi phạm trong lĩnh vực đấu thầu, bao gồm: Cảnh cáo, phạt tiền; Cấm tham gia hoạt động đấu thầu; Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân vi phạm pháp luật về đấu thầu mà cấu thành tội phạm; Cán bộ, công chức có hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu còn bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.

Việc các doanh nghiệp khi đã trúng thầu nhưng không ký kết hợp đồng không phải là hành vi bị cấm trong đấu thầu theo quy định tại Điều 89 Luật Đấu thầu 2013. Do đó, không thể áp dụng bất cứ biện pháp chế tài nào nêu trên để xử lý các doanh nghiệp không ký kết hợp đồng.

Các doanh nghiệp không tiến hành ký kết hợp đồng bán gạo cho Tổng cục dự trữ Nhà nước chỉ có thể bị mất số tiền bảo đảm dự thầu (từ 1-3%) theo quy định tại điểm d khoản 8 Điều 11 Luật Đấu thầu 2013.

Có cần thiết phải sửa Luật Đấu thầu?

Có thể nói dịch bệnh COVID-19 là sự kiện chưa có tiền lệ trong lịch sử bởi tác động mang tính chất toàn cầu. Vì thế, đem 1 sự kiện bất thường, hiếm khi xảy ra để soi chiếu vào các quy định của pháp luật để đặt ra yêu cầu sửa luật sẽ không đảm bảo tính khách quan dẫn đến pháp luật không phù hợp với thực tế.

Khi sự việc xảy ra, nhiều ý kiến cho rằng mức tiền đảm bảo dự thầu theo quy định tại Điều 11 Luật Đấu thầu hiện nay (1-3% giá gói thầu) là thấp và cần phải nâng cao hơn để tránh việc khi trúng thầu nhiều nhà thầu không thực hiện ký hợp đồng. Tuy nhiên, tinh thần của Luật Đấu thầu là công khai, minh bạch, lựa chọn được những nhà thầu phù hợp, có đủ năng lực tài chính và năng lực kỹ thuật.

Vì thế việc nâng cao mức đảm bảo dự thầu có thể làm mất sự cân bằng giữa năng lực kỹ thuật và năng lực tài chính và dễ làm nảy sinh tiêu cực khi chỉ có những doanh nghiệp nhiều vốn mới có thể tham gia đấu thầu. Mức bảo đảm dự thầu từ 1-3% hiện tại là tương đối phù hợp bởi đối với các gói thầu lớn, đây là một số tiền không nhỏ, trong khi hầu hết các doanh nghiệp đều có nhu cầu rất lớn về vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Xét đến các yếu tố khách quan

Sau khi nhiều doanh nghiệp trúng thầu nhưng không tiến hành ký kết hợp đồng, có thể gây nên cái nhìn méo mó, thiếu thiện cảm đối với các doanh nghiệp trong khi sự thật khách quan không hoàn toàn như vậy.

Thứ nhất, về góc độ pháp luật, các doanh nghiệp đã trúng thầu nhưng không ký kết hợp đồng là quyền của doanh nghiệp và pháp luật không cấm điều đó. Với việc không ký kết hợp đồng, các doanh nghiệp đã phải gánh chịu hậu quả là mất khoản tiền bảo đảm dự thầu theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, tiêu chí lợi nhuận là tiêu chí quan trọng bậc nhất của một doanh nghiệp, vì thế khi doanh nghiệp không ký kết hợp đồng dù vì lý do khách quan hay chủ quan thì họ đã chọn cách ít thiệt hại nhất hoặc cách có lợi nhất cho doanh nghiệp của mình và điều đó phù hợp với quy luật vận hành khách quan của kinh tế thị trường và quy luật tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.

Có thể bạn quan tâm

  • Bộ Công Thương lý giải vì sao không đấu thầu hạn ngạch xuất khẩu gạo

    Bộ Công Thương lý giải vì sao không đấu thầu hạn ngạch xuất khẩu gạo

    16:19, 21/04/2020

  • Chính thức “giải phóng” gạo kẹt ở cảng từ 0 giờ ngày 25/4

    Chính thức “giải phóng” gạo kẹt ở cảng từ 0 giờ ngày 25/4

    21:32, 24/04/2020

  • [VÌ SAO PHẢI THANH TRA XUẤT KHẨU GẠO] (Kỳ 3) Đẩy doanh nghiệp vào HÊN - XUI

    [VÌ SAO PHẢI THANH TRA XUẤT KHẨU GẠO] (Kỳ 3) Đẩy doanh nghiệp vào HÊN - XUI

    17:00, 23/04/2020

  • [VÌ SAO PHẢI THANH TRA XUẤT KHẨU GẠO] (Kỳ 1) Cơ chế dự trữ gạo lạc hậu

    [VÌ SAO PHẢI THANH TRA XUẤT KHẨU GẠO] (Kỳ 1) Cơ chế dự trữ gạo lạc hậu

    17:00, 22/04/2020

  • Hải quan hỏa tốc hướng dẫn mở tờ khai xuất khẩu gạo nếp

    Hải quan hỏa tốc hướng dẫn mở tờ khai xuất khẩu gạo nếp

    01:39, 23/04/2020

  • [VÌ SAO PHẢI THANH TRA XUẤT KHẨU GẠO] (Kỳ 2) Điều hành bất hợp lý

    [VÌ SAO PHẢI THANH TRA XUẤT KHẨU GẠO] (Kỳ 2) Điều hành bất hợp lý

    11:00, 23/04/2020

Trong bối cảnh dịch bệnh xảy ra, vấn đề an ninh lương thực quốc gia được ưu tiên đảm bảo nhưng rõ ràng, những yếu tố khách quan cần được xét đến ở mọi góc độ khác nhau.

Qua sự việc trên, chúng ta cũng cần nhìn nhận lại công tác tổ chức đấu thầu đã thực sự phù hợp? Việc thu mua gạo để đưa vào kho dự trữ quốc gia là thực hiện theo kế hoạch từ trước nhưng việc không có những thay đổi linh hoạt để phù hợp với diễn biến thực tế của thị trường có phải là nguyên nhân dẫn đến việc đấu thầu không hiệu quả? 

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đấu thầu mua gạo và các vấn đề pháp lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO