Không chịu nhiều tác động bởi đại dịch COVID-19, Công ty Cổ phần Thế giới số (HoSE: DGW) đã có những bước tăng trưởng tích cực ngay từ quý 1/2020.
Theo kết quả kinh doanh quý 1/2020 của DGW, doanh thu thuần của công ty đạt 2.310 tỷ đồng, tăng 68,4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi lợi nhuận sau thuế tăng mạnh 79,6% lên mức 45 tỷ đồng. Với kết quả này, DGW đã hoàn thành 23,9% kế hoạch doanh thu và 21,6% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2020.
Được biết, kết quả kinh doanh ấn tượng của DGW đến từ mảng công nghệ thông tin, trong đó, doanh thu laptop tăng vọt 69,4% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do nhu cầu làm việc và học tập online tăng cao. Đồng thời, Xiaomi cũng đã củng cố vị thế của mình trên thị trường điện thoại thông minh Việt Nam và tiếp tục tăng thị phần trong quý 1/2020. Cùng với đó là mảng thiết bị văn phòng tăng trưởng 18% so với mức tăng trưởng hàng năm là 19,6%.
Với kết quả kinh doanh đó, DGW đã chứng minh dịch COVID-19 ít tác động đến doanh nghiệp này, thậm chí còn mang lại lợi ích cho công ty trong quý 1/2020.
Đại diện DGW cho biết, nhờ tốc độ bán hàng nhanh chóng của laptop và điện thoại di động trong kỳ, Công ty không cần áp dụng chính sách giảm giá mạnh cho khách hàng, nhờ vậy Công ty tối ưu hóa mức quay vòng hàng tồn kho và chi phí cố định (logistics và một số chi phí tài chính).
Theo Công ty Cổ phần chứng khoán Bảo Việt (BVSC), đối với các doanh nghiệp bán buôn, việc quản lý vốn lưu động, đặc biệt là tồn kho và khoản phải thu, đóng vai trò quan trọng với kết quả kinh doanh. Nhờ môi trường bán hàng nhanh, chu kỳ chuyển đổi dòng tiền của DGW sẽ được rút ngắn chỉ còn 55 ngày cho thấy dòng tiền hoạt động mạnh và tích cực ở mức 59 tỷ đồng cuối quý 1/2020.
Ban lãnh đạo DGW khẳng định doanh thu của DGW trong tháng 4 vẫn ở mức tốt, gần như đi ngược lại so với quan điểm của thị trường. Điều này khiến BVSC kỳ vọng DGW sẽ tiếp tục đạt được kết quả kinh doanh tích cực trong quý 2/2020.
Cụ thể, DGW đang ở vị thế tốt để hưởng lợi nhiều nhất khi có bất kỳ sự gia tăng nhu cầu laptop nào ở Việt Nam nhờ các lợi thế cạnh tranh như: Vị thế dẫn đầu thị trường ngành bán buôn laptop ở Việt Nam; Sự hiểu biết sâu sắc đối với thị trường và mối quan hệ chặt chẽ với các nhà cung cấp cho phép công ty phân phối những mẫu mã bán chạy nhất và chiến lược bán hàng đa kênh, hạn chế mọi sự gián đoạn khi phân phối cho người dùng cuối, đồng thời tối ưu hóa khả năng tiếp cận khách hàng.
Trong khi đó, điện thoại thông minh Xiaomi với chất lượng tốt cùng mức giá phải chăng tiếp tục vượt thị trường chung. Dù thị trường điện thoại di động Vệt Nam suy giảm trong tháng 4 hoặc thậm chí cho đến cuối năm nay do tác động của COVID-19, điều này không có nghĩa rằng doanh thu mảng điện thoại di động của DGW cũng giảm tốc, ít nhất là trong quý 2/2020.
Tuy nhiên, mảng hàng tiêu dùng tăng trưởng chậm hơn kế hoạch đặt ra, ghi nhận mức 63 tỷ đồng trong quý 1/2020, tăng 18,9% so với cùng kỳ. Chia sẻ về điều này, ban lãnh đạo DGW cho biết công ty đang tập trung xây dựng thương hiệu cũng như xây dựng mạng lưới phân phối cho các sản phẩm, do đó khả năng đạt được kế hoạch sẽ tùy thuộc vào tiến độ triển khai hợp tác với các nhãn hàng mới.
Sự tăng tốc trong quý 1 của DGW cũng đồng thời tạo ra một số thách thức cho chính công ty trong tương lai. Cụ thể, dư địa tiếp tục tăng trưởng thị phần của Xiaomi sẽ hạn chế do thị phần đã ở mức tương đối, chiếm khoảng 10% thị phần theo sản lượng.
Ngoài ra, việc không ký kết thêm được với các nhãn hàng mới cũng là vấn đề mà DGW cần quan tâm mở rộng.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, mức Stock Rating của DGW ở mức 89 điểm, được đánh giá là tích cực trong xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này. Mức P/E của DGW ở mức 6.2x, thấp hơn mức P/E ngành Bán lẻ là 9.8x cho thấy mức định giá của cổ phiếu này vẫn hấp dẫn.
"Đồ thị giá tiến sát mức cao nhất 52 tuần (tức là mức 28.400đ/cp). Điểm tích cực là khối lượng giao dịch cải thiện kể từ đầu tháng 05/2020. Đồng thời, đồ thị giá vẫn đang trong giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực. Tuy nhiên, áp lực bán có thể sẽ gia tăng khi đồ thị giá chạm ngưỡng cao nhất 52 tuần. Do đó, các nhà đầu tư có thể nắm giữ hoặc gia tăng tỷ trọng khi giá vượt mức 28.400đ/cp”, ông Minh khuyến nghị.
Có thể bạn quan tâm