Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các doanh nghiệp đầu tư năng lượng điện gió đang gặp khó, rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ.
Theo báo cáo từ Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, năng lượng điện gió đã được triển khai ở nhiều nước trên thế giới. Năm 2018, tổng công suất nguồn điện gió toàn thế giới khoảng trên 591GW, tăng bình quân khoảng 18%/năm giai đoạn 2008-2018. Các nước có sản lượng điện gió lớn trên thế giới như: Trung Quốc sản xuất 366 tỷ kWh, chiếm 28,8% tổng sản lượng điện gió toàn thế giới; Mỹ 278 tỷ kWh, chiếm 22%; Đức sản xuất 112 tỷ kWh, chiếm 10,3%,…
Doanh nghiệp gặp khó
Ông Nguyễn Văn Vy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng cho rằng, tại Việt Nam, ước tính trên đất liền, Việt Nam có thể phát triển khoảng 30GW điện gió. Cùng với tiềm năng điện gió ngoài khơi, Việt Nam có thể phát triển lên hàng trăm nghìn MW công suất điện gió.
Theo TS. Hoàng Giang, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Pacifico Energy Việt Nam, Trưởng Văn phòng Đại diện Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh, thời gian qua điện gió đã có được những bước phát triển đáng mừng. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh các doanh nghiệp đầu tư điện gió đang gặp nhiều khó khăn. Bởi việc xây dựng những nhà máy điện gió cần nhiều thời gian và việc xây dựng không phải lúc nào cũng thuận lợi.
Vì vậy, Chính phủ cần có những quyết sách dài hạn hơn cho năng lượng tái tạo Việt Nam như điện gió và điện mặt trời. Đây cũng là điều mà những nhà đầu tư năng lượng sạch trăn trở. Bởi vậy, nếu chỉ cho các nhà đầu tư 6 tháng đến 2 năm để phát triển dự án thì không kịp, nhất là khi đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu.
Còn theo ông Nguyễn Quang Huân, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Halcom Việt Nam, các doanh nghiệp đầu tư điện gió tại Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn.
Thứ nhất, thời hạn cuối giá FiT chỉ được kéo dài đến ngày 30/10/2021, sau đó doanh nghiệp sẽ không được hưởng giá điện ưu đãi 8,5 cent nữa. Từ nay đến lúc ấy, chỉ còn hơn 1 năm, trong khi dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, các nước vẫn đang đóng cửa biên giới khiến doanh nghiệp điêu đứng. Cũng bởi, toàn bộ những thiết bị để xây dựng nhà máy điện gió tại Việt Nam các đơn vị đều phải nhập khẩu, còn chuyên gia nước ngoài thì không thể đến đánh giá được.
Thứ hai, đặc thù thiết bị về điện gió thì phải “may đo”, sản xuất theo đơn đặt hàng. Doanh nghiệp mất ít nhất 1 năm để sản xuất thiết bị rồi mới chuyển về Việt Nam. Trong khi tình hình dịch bệnh hiện này thì chưa biết bao giờ các nước mở cửa giao thương, còn thời gian ưu đãi thì đang dần hết hạn. Do đó, những dự án điện gió mới, dự án chưa được phê duyệt từ trước thì rất khó để đáp ứng được?
Cũng theo ông Huân, hiện nay có một loạt các dự án điện gió, điện mặt trở đã được doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ gửi lên Bộ Công thương để phê duyệt. Tuy nhiên, Bộ Công thương cũng chưa xét duyệt và trình Thủ tướng theo quy định khiến doanh nghiệp gặp khó.
Cần chính sách ổn định và dài hạn
Theo ông Huân, các nhà đầu tư điện gió đều mong muốn Chính phủ gia hạn giá FIT để hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay. Ngoài ra, Chính phủ cũng phải có chính sách ổn định, dài hạn đối với điện gió, tránh tình trạng một vài năm lại thay đổi chính sách khiến doanh nghiệp xoay như “chong chóng”.
Hơn nữa, khi đã có chính sách dài hạn thì Chính phủ cần phê duyệt những dự án điện gió để nhà đầu tư có thể làm. Bởi hiện nay, nhà nước khuyến khích đầu tư điện gió với những ưu đãi nhưng một mặt thì không duyệt dự án. Hoặc mất nhiều thời gian chờ duyệt thì doanh nghiệp sẽ không thể thực hiện được.
Ông Huân cũng cho rằng, hiện nay ở Việt Nam số lượng “cò” chạy dự án rất nhiều trong khi doanh nghiệp làm thật thì không đáng bao nhiêu. Nhưng, những nhà đầu tư thực sự lại không được duyệt dự án, họ muốn nhanh thường phải mua lại các dự án khác với giá chênh rất lớn.
Thực tế, thời gian qua, một số địa phương đã phát hiện được các cò dự án nên đã không duyệt. Tuy nhiên, không phải các địa phương đều phát hiện được cò dự án. Vì thế, cơ quan chức năng cần có chính sách ngăn chặn tình trạng này. Đó là chưa kể cơ chế tuyển chọn nhà đầu tư của Việt Nam không minh bạch. Vì vậy, một số người trong “nhóm lợi ích” có thể được phê duyệt dự án rất nhanh. “Ngay như dự án điện gió của Công ty chúng tôi cũng chỉ được “mua lại” để thực hiện, chứ đâu có cơ hội để vào được “nhóm phê duyệt dự án”, ông Huân chia sẻ.
Còn theo ông Bùi Vạn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió Bình Thuận, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển điện gió nhưng hiện nay chưa khai thác được hết tiềm năng. Do đó, để điện gió ở Việt Nam phát triển xứng tầm, tận dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có, rất cần Chính phủ và Bộ Công Thương xem xét gia hạn thời hạn chính sách ưu tiên phát triển điện gió dài hạn. Cụ thể, Quyết định 39/2018/QĐ-TTg cần gia hạn thêm ít nhất 14 tháng, tức kéo dài đến ngày 31/12/2022 thay vì đến ngày 1/11/2021.
Ngoài ra, Chính phủ cũng cần có thêm ưu đãi để thu hút nhà đầu tư, trong và ngoài nước đầu tư vào năng lượng tái tạo nói chung, điện gió nói riêng. Có như thế, năng lượng điện gió Việt Nam mới có thể phát triển bền vững, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Có thể bạn quan tâm