Mặc dù là những “kẻ đến sau” trong cuộc chơi logistics Việt Nam tuy nhiên những “ông lớn” đến từ Hàn Quốc đã có những chiến lược riêng để sớm vươn lên là những doanh nghiệp đầu ngành này.
Theo các doanh nghiệp Hàn Quốc, Việt Nam không chỉ có vị trí chiến lược tại khu vực Đông Nam Á mà còn được xem là sự lựa chọn của nhiều nhà sản xuất quốc tế hiện nay, vì vậy phát triển dịch vụ logistics để đáp ứng nhu cầu vận chuyển và lưu giữ hàng hóa là nhu cầu tất yếu.
Tham vọng của những “ông lớn”
Chính vì vậy, Tập đoàn CJ đã không giấu diếm tham vọng trở thành một trong những doanh nghiệp logistics lớn trên thế giới và giảm chi phí vận tải ở Việt Nam thông qua hoạt động hợp tác giữa công ty thành viên CJ logistics và Gemadept (GMD).
Điều này được hiện thực hoá bằng việc CJ Logistics đã mua 50,9% cổ phần và 49% phần vốn góp của GMD tại hai công ty liên doanh CJ Gemadept Logistics và CJ Gemadept Shipping. Cái bắt tay giữa một bên là doanh nghiệp duy nhất có hệ thống cảng trải dài từ Bắc vào Nam, có kinh nghiệm, am hiểu địa phương và mối quan hệ gần 30 năm hợp tác tốt với các đối tác lớn toàn cầu và một bên là CJ Logistics có lợi thế trong ngành logistics với mạng lưới có mặt ở tất cả các châu lục được kỳ vọng sẽ tạo ra những xoay chuyển mạnh mẹ trong ngành logistics Việt Nam đang vào đà tăng trưởng.
Sau đó không lâu, những tháng cuối năm 2017, thị trường logistics Việt Nam đã xôn xao về kết quả liên danh hợp tác giữa người đồng hương của CJ là Công ty con của Tập đoàn Sam Sung và “nữ hoàng” logistics Việt Nam là Minh Phương Logistics – đơn vị đang chiếm giữ thị phần lớn nhất trên thị trường giao vận, vận tải đường bộ Việt Nam.
Theo các chuyên gia, để lấn sâu vào thị trường logistics nội địa, nơi vận tải đường bộ chiếm tới 65% thị phần giao thông tại Việt Nam, có lẽ, liên danh với Minh Phương là lựa họn tối ưu hàng đầu với mong muốn đi nhanh hơn của nhà đầu tư Hàn Quốc.
Với chuyên môn của một nhà vận hành hệ thống hậu cần công nghệ cao trên toàn cầu, việc hợp tác với Minh Phương sẽ giúp các dịch vụ công nghệ thông tin và hậu cần của Samsung SDS thâm nhập vào ngành công nghiệp vận tải hàng hoá của Việt Nam một cách dễ dàng.
Các thương vụ sáp nhập và hợp tác trong lĩnh vực logistics xuất hiện giữa lúc Việt Nam nổi lên là một trung tâm sản xuất mới với chi phí thấp thu hút đầu tư nước ngoài ngày càng tăng nhờ tiềm năng tăng trưởng tốt. Tốc độ phát triển bình quân hằng năm của ngành logistics Việt Nam khoảng 14-16%, là một trong những ngành dịch vụ tăng trưởng đều và vững chắc của Việt Nam trong thời gian qua.
...chọn TP. Hồ Chí Minh là đầu cầu kết nối với khu vực
Cũng chính bởi tốc độ tăng trưởng nhanh và ổn định, hoạt động xuất nhập khẩu đạt mức kỷ lục năm 2017 hay mới đây nhất phải kể đến hoạt động “gỡ khó” cho ngành logistics của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây, chính là những động lực chính thu hút các nhà đầu tư nước ngoài sớm chen chân vào thị trường logistics Việt Nam. Vì vậy, có thể nói những doanh nghiệp Hàn Quốc là những “kẻ đến sau”, khi thị trường logistics Việt Nam sớm có ghi nhận những cái tên đến từ Đức, Nhật Bản như DHL, MBS Logistics, Hapag - Lloyd, DB Schenker, hay Karl Gross...những doanh nghiệp có kinh nghiệm đầu tư và phát triển tại thị trường logistics Việt Nam. Tuy nhiên, nhà dầu tư Hàn Quốc vẫn có lợi thế của riêng mình.
Ngoài các thương vụ góp vốn, mua cổ phần với những doanh nghiệp hàng đầu của ngành thì các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng lựa chọn hướng “Nam tiến”.
Ông Lee Sung Woo – Phòng nghiên cứu Logistics Quốc tế (International Logistics Research Department) cho biết: “Đánh giá được tiềm năng của ngành logistics, ngay từ năm 2016 các doanh nghiệp Hàn Quốc đã đẩy mạnh phát triển logistics ở khu vực Đông Nam Á trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh là địa điểm thuận tiện để phát triển ngành logistics của Việt Nam”.
Theo đó, đối với nhà đầu tư Hàn Quốc, trong lĩnh vực vận tải, giao nhận kho vận, Thành phố Hồ Chí Minh được xem như là đầu cầu kết nối với các thành phố khác tại khu vực Đông Nam Á. Đây sẽ là nền tảng vững chắc ban đầu để các doanh nghiệp Hàn Quốc gắn kết chặt chẽ hơn với doanh nghiệp Việt Nam.