Từ ngày 29/5 - 2/6/2018, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân sẽ thăm cấp nhà nước tới Nhật Bản. Chuyến thăm được kỳ vọng sẽ tăng cường hơn nữa dòng vốn đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam.
Hiện nay, Nhật Bản hiện là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam xét cả hoạt động thương mại và đầu tư. Ngoài ra, Nhật Bản là nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam vào tháng 10/2011.
Về hoạt động đầu tư, hiện nay Nhật Bản đang là nhà đầu tư lớn thứ 2 trên tổng số 126 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư tại Việt Nam với 3,725 dự án, trị giá khoảng 50,5 tỷ USD. Theo đó, Việt Nam đã vươn lên trở thành “cứ điểm” đầu tư của nhà đầu tư Nhật Bản tại khu vực chỉ sau Trung Quốc.
Sự chuyển dịch cơ cấu mang tính tất yếu
Năm 2017, cũng là năm ghi nhận tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam – Nhật Bản đạt 33,4 tỷ USD, tăng 16,8% so với năm 2016. Trong 3 tháng đầu năm 2018, tổng kim ngạch thương mại song phương ước đạt 8,7 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2017.
Ngoài ra, về hoạt động viện trợ ODA, từ năm 1992 đến hết năm tài khoá 2016, Nhật Bản đã cam kết vốn vay cho Việt Nam khoảng 30,5 tỷ USD. Năm 2017, hai bên ký kết các công hàm trao đổi cho 5 dự án ODA vốn vay với tổng trị giá hơn 1 tỷ USD.
Có thể bạn quan tâm
14:57, 13/05/2018
13:14, 06/04/2018
05:30, 29/03/2018
22:00, 24/03/2018
Những hoạt động đầu tư “sôi nổi” của Nhật Bản tại Việt Nam cho thấy thị trường Việt Nam không chỉ hấp dẫn nhà đầu tư Nhật Bản mà đang là cuộc đua của các nhà đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam nhằm tận dụng những ưu đãi và nắm bắt cơ hội đầu tư.
Năm 2017, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã chỉ ra rằng, Việt Nam đã vượt Malaysia trở thành thị trường mang lại lợi nhuận đầu tư lớn nhất cho doanh nghiệp Nhật Bản. Đây cũng là một trong những nguyên nhân lý giải vì sao có tới hơn 70% doanh nghiệp Nhật Bản có kế hoạch mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong thời gian tới.
Cụ thể, những số liệu của BOJ đã chỉ ra rằng, vốn đầu tư FDI của doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam đem lại tổng doanh thu là 198,1 tỷ JPY, tương đương khoảng 1,74 tỷ USD trong năm 2016, tăng 70% so với con số 116,2 tỷ JPY năm 2014. Đây thực sự là những con số ấn tượng để các nhà đầu tư nước ngoài khác nhìn vào để tiếp tục rót vốn và thị trường Việt Nam nói chung và doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam nói chung.
Mức gia tăng lợi nhuận của doanh nghiệp Nhật Bản diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao, môi trường đầu tư đang có nhiều bước tiến dài.
Phân tích cụ thể những yếu tố tích cực, ông Hironobu Kitagawa - Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội từng cho biết: “Điều kiện kinh tế - xã hội Việt Nam đang thay đổi theo hướng tích cực, tăng trưởng kinh tế năm 2018 tiếp tục được dự báo đạt mức tăng trưởng tốt, ổn định vì vậy sẽ có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam”.
Cũng theo ông Hironobu Kitagawa: “Tăng trưởng kinh tế ổn định là điều kiện khiến tầng lớp trung lưu không ngừng gia tăng. Theo đó, nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng tăng mạnh. Dự báo nhu cầu tại thị trường Việt Nam sẽ sớm vượt các quốc gia trong khu vực và thế giới trong thời gian tới”.
Đây cũng chính là nguyên nhân khiến cho cơ cấu ngành trong hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản có xu hướng thay đổi từ công nghiệp chế biến chế tạo, chuyển dịch dần sang bán lẻ, dịch vụ và nông nghiệp.
Giải bài toán cũ
Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, bên cạnh xu hướng đầu tư không ngừng gia tăng, câu chuyện liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam – Nhật Bản trong chuỗi cung ứng ngành công nghiệp phụ trợ vẫn là câu chuyện chưa bao giờ cũ.
Theo kết quả khảo sát của Tổ chức Xúc tiến Mậu dịch Nhật Bản (JETRO), một trong những khó khăn doanh nghiệp Nhật Bản chỉ ra đó là khó thu mua nguyên vật liệu từ doanh nghiệp Việt Nam. Theo đó, do chất lượng và kỹ thuật của các sản phẩm do doanh nghiệp Việt Nam cung cấp chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp Nhật Bản.
Điều này đang là một “e ngại” khiến cho dòng vốn đầu tư vào các ngành công nghiệp phụ trợ giảm, và các ngành dịch vụ, bán lẻ gia tăng. Để doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt được cơ hội hợp tác cùng doanh nghiệp Nhật Bản, câu chuyện “cũ” này cần sớm được giải quyết và có giải pháp triệt để.
Đề xuất một trong những giải pháp, ông Hironobu Kitagawa cho biết, hiện nay, JETRO đã cung cấp danh mục đầu tư trong lĩnh vực công nghệ thông tin mà doanh nghiệp Nhật Bản kinh doanh tại Việt Nam có nhu cầu.
"Chúng tôi cũng tổ chức những buổi kết nối doanh nghiệp, nhằm tạo không gian riêng để doanh nghiệp hai nước gặp gỡ, trao đổi thông tin về một số chủng loại linh kiện mà doanh nghiệp Nhật Bản có nhu cầu. Trong thời gian tới, những hoạt động này vẫn được duy trì, nhằm tăng cường liên kết doanh nghiệp hai bên, tạo cơ hội cho ngành công nghệ thông tin tại Việt Nam phát triển", ông Hironobu Kitagawa cho biết thêm.
Tuy nhiên, về lâu dài, vẫn cần một chiến lược và những giải pháp mang tính tổng thế, nhằm giải bài toán "cũ" này một cách triệt để. Vì vậy, chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang được kỳ vọng bên cạnh các cơ hội hợp tác đầu tư mới được mở ra, sẽ còn là “lời giải” cho câu chuyện cũ vốn trăn trở lâu nay.