Theo nhiều chuyên gia, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam có thể vẫn còn tiếp tục điều chỉnh trong ngắn hạn.
Trong xu hướng điều chỉnh đó, sẽ xuất hiện những cơ hội cho các nhà đầu tư trong trung hạn.
Trong tháng 6 có 2 giai đoạn diễn biến chính của thị trường chứng khoán (TTCK). Giai đoạn đầu tiên, nửa đầu tháng 6, thị trường nối tiếp xu hướng tăng từ mức 660 điểm cuối tháng 3. Thị trường được hỗ trợ từ các gói kích thích kinh tế không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các quốc gia khác.
Giai đoạn thứ hai, nửa cuối tháng 6, thị trường vượt 900 điểm, nhưng sau đó lao dốc. Nguyên nhân của nhịp lao dốc này do nhà đầu tư lo ngại làn sóng dịch COVID-19 thứ 2 bùng phát, ảnh hưởng đến việc mở cửa trở lại của các nền kinh tế trên thế giới. Bên cạnh đó, nhà đầu tư bắt đầu lo ngại kết quả kinh doanh quý II của một số doanh nghiệp niêm yết lớn cùng các chỉ tiêu vĩ mô được đánh giá tiêu cực.
Đáng chú ý, trong tháng 6 có nhiều nhà đầu tư cá nhân lần đầu tham gia thị trường (F0), đã đóng góp rất lớn cho đợt hồi phục của thị trường từ vùng đáy 660 điểm lên vùng 900 điểm. Tuy nhiên, những nhà đầu tư F0 thường có xu hướng vào nhanh, ra nhanh, tiềm ẩn rủi ro cho thị trường.
Theo ông Trần Đức Anh, Giám đốc Vĩ mô và Chiến lược thị trường của Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), có 3 yếu tố chính sẽ tác động mạnh đến TTCK Việt Nam trong tháng 7, gồm làn sóng dịch COVID-19 thứ 2, GDP quý 2 của các nền kinh tế lớn như Mỹ, Châu Âu, Trung Quốc…; kết quả kinh doanh quý 2 của các doanh nghiệp niêm yết.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho biết nhiều cổ phiếu đã rơi vào trạng thái quá bán, cho thấy khả năng giảm sâu được đánh giá thấp. Tuy nhiên vẫn còn quá sớm để khẳng định thị trường đã kết thúc xu hướng điều chỉnh ngắn hạn. Mặc dù vậy, các nhà đầu tư nên tận dụng nhịp điều chỉnh để tích lũy cổ phiếu cho mục đích đầu tư cuối năm nay.
“Nhà đầu tư nên chú ý đến nhóm ngành như hàng tiêu dùng, hàng không, bất động sản là những ngành tiềm năng có thể gây xáo trộn trên thị trường. Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu, điện, y tế là nhóm dự phòng phù hợp cho nhà đầu tư”, ông Trần Đức Anh khuyến nghị.
Có thể bạn quan tâm