Chuyển động

Đầu tư tư nhân vào giáo dục: Tiềm năng rộng mở

Quỳnh Ngọc 28/08/2024 16:02

Các nhà đầu tư tư nhân đang mang đến một luồng gió mới cho ngành giáo dục Việt Nam. Họ không chỉ tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại mà còn chú trọng đến chất lượng giảng dạy và chương trình học phù hợp với yêu cầu thực tế của thị trường lao động.

Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích, thúc đẩy sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân vào giáo dục và đào tạo. Cùng với Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung và các nghị định liên quan đã mở ra cánh cửa rộng lớn cho các nhà đầu tư mà điển hình là Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn FPT, Tập đoàn Nguyễn Hoàng Group (NHG) hay Tập đoàn EMAAR.... đã đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực này với việc thành lập Hệ thống trường Vinschool và Đại học VinUni hay Trường đại học chuyên về công nghệ thông tin FPT University, Đại học Hoa Sen, Hệ thống trường Quốc tế Song ngữ MegaSchool và iSchool, Hệ thống trường quốc tế British Vietnamese International School (BVIS)....

anh.jpg
Bà Đỗ Thị Hoa, Chuyên gia giáo dục, Nhà đầu tư tài chính quốc tế trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo tại Việt Nam và Giám đốc chuỗi Hệ thống đào tạo chuyên sâu kỹ năng tự học 3S

Bà Đỗ Thị Hoa, Chuyên gia giáo dục, Nhà đầu tư tài chính quốc tế trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo tại Việt Nam và Giám đốc Hệ thống tự học 3S, chia sẻ, các nhà đầu tư tư nhân đang mang đến một luồng gió mới cho ngành giáo dục Việt Nam. Họ không chỉ tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại mà còn chú trọng đến chất lượng giảng dạy và chương trình học phù hợp với yêu cầu thực tế của thị trường lao động. Điều này giúp nâng cao chất lượng giáo dục và mở ra nhiều cơ hội phát triển cho học sinh, sinh viên Việt Nam.

Không những thế, những nhà đầu tư tư nhân này đang góp phần quan trọng trong việc định hình lại hệ thống giáo dục Việt Nam, mang đến những sự lựa chọn học tập đa dạng và chất lượng cao cho người học, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền giáo dục nước nhà.

Tương tự, nhiều chuyên gia kinh tế đều khẳng định, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và sự phát triển mạnh mẽ của Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, giáo dục không chỉ còn là trách nhiệm của Nhà nước, mà còn là một lĩnh vực đầu tư tiềm năng dành cho khu vực kinh tế tư nhân. Giáo dục đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và thúc đẩy sự sáng tạo cũng như đổi mới. Việc đầu tư vào giáo dục không chỉ mang lại lợi ích cho từng cá nhân mà còn tác động sâu rộng đến cộng đồng và quốc gia.

Tiến sĩ Đặng Thị Lan, Chuyên gia giáo dục và là Giám đốc Viện Nghiên cứu Giáo dục Quốc tế nhận định, việc đầu tư vào giáo dục trong thời đại ngày nay không chỉ dừng lại ở các cấp học phổ thông mà còn mở rộng ở các cấp đại học và sau đại học. Đặc biệt, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, giáo dục trực tuyến đang trở thành một kênh đầu tư hấp dẫn. Việc tạo ra các nền tảng học trực tuyến chất lượng cao sẽ giúp nâng cao khả năng tiếp cận tri thức cho mọi người, không phân biệt vùng miền hay hoàn cảnh kinh tế. với sự tham gia tích cực từ khu vực tư nhân, chất lượng và cơ hội giáo dục tại Việt Nam sẽ ngày càng được nâng cao, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

fpt.jpg
Hệ thống Trường Đại học FPT, công trình liên kết hợp tác được đầu tư theo mô hình Hợp tác công tư (PPP)

Tuy rằng, cơ hội là rất lớn, song việc đầu tư vào ngành giáo dục cũng đối mặt với không ít thách thức. Vấn đề lớn nhất là chi phí đầu tư ban đầu cao và thời gian thu hồi vốn dài.... Bà Nguyễn Phương Hoa, Giám đốc Công ty Đầu tư Giáo dục Thành Công, chia sẻ, thách thức lớn nhất là phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng và đội ngũ giáo viên. Tuy nhiên, khi đã vượt qua được giai đoạn đầu, lợi ích mà nó mang lại là vô cùng lớn. Thị trường giáo dục Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng để khai thác, đặc biệt là trong bối cảnh người dân ngày càng quan tâm đến chất lượng giáo dục. Giáo dục là nền tảng của sự phát triển bền vững. Đầu tư vào giáo dục là đầu tư cho tương lai. Nó giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo cơ hội việc làm và thúc đẩy sự sáng tạo, từ đó đẩy mạnh phát triển kinh tế.

Đồng tình, Chuyên gia Đỗ Thị Hoa phân tích, đầu tư vào giáo dục không chỉ là việc bỏ vốn ra và chờ đợi lợi nhuận. Nó đòi hỏi sự cam kết dài hạn, sự hiểu biết sâu sắc về hệ thống giáo dục và khả năng điều chỉnh chiến lược linh hoạt. Bản thân nhiều nhà đầu tư giáo dục tại Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ việc quản lý chi phí, thu hút và phát triển đội ngũ giáo viên đến việc xây dựng chương trình học phù hợp.

Không những thế, thể chế pháp luật và các quy định về đầu tư vào giáo dục vẫn đang đòi hỏi phải tuân thủ nhiều thủ tục khá phức tạp. Điều này đôi khi gây khó khăn và bức xúc cho các nhà đầu tư. Hay như các chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư vào giao dục từ Nhà nước và triển khai về các địa phương vẫn thiếu đồng bộ, gây cản trở cho nhiều doanh nghiệp. Cùng với đó là sự cạnh tranh với hệ thống các đơn vị công lập bởi uy tín lâu đời, thường có của họ và thương hiệu mạnh mẽ...

Chưa kể tới, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ đòi hỏi các trường tư thục, hệ thống trường học của các nhà đầu tư tư nhân phải liên tục cập nhật và đổi mới phương pháp giảng dạy, gây áp lực rất lớn về cả tài chính và nhân lực.

Để vượt qua nhiều thách thức trong đầu tư vào giáo dục và đào tạo, theo Chuyên gia Đỗ Thị Hoa, đòi hỏi không chỉ nỗ lực và quyết tâm mà còn cần một chiến lược rõ ràng và linh hoạt; phải tập trung xây dựng đội ngũ giáo viên giỏi, áp dụng công nghệ hiện đại và tạo ra một môi trường học tập ưu việt. Bên cạnh đó, các đơn vị đào tạo cần thúc đẩy hợp tác và liên kết với các đối tác quốc tế sẽ giúp nâng cao chất lượng giảng dạy và tạo ra các giá trị bền vững.

Quá trình đầu tư vào giáo dục và đào tạo tuy đầy thách thức nhưng cũng là một cơ hội lớn để tạo ra sự khác biệt và thúc đẩy sự phát triể và đổi mới sáng tạo. Các nhà đầu tư khu vực tư nhân cần có sự cam kết dài hạn, chiến lược hợp lý và sự linh hoạt để vượt qua mọi rào cản và gặt hái thành công.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đầu tư tư nhân vào giáo dục: Tiềm năng rộng mở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO