Đầu tư xanh: Dòng vốn bền vững toàn cầu giảm mạnh trong quý 2

DIỄM NGỌC 07/08/2023 04:50

Theo các nhà nghiên cứu quỹ Morningstar, đầu tư toàn cầu vào các quỹ bền vững đã giảm mạnh hơn 40% trong quý 2/2023 do các nhà đầu tư lo ngại về lạm phát dai dẳng, lãi suất tăng và suy thoái kinh tế.

>>Giải pháp nào xây dựng môi trường đầu tư xanh?

Cụ thể, khoản đầu tư ròng mới vào các quỹ theo chủ đề bền vững đạt 18 tỷ đô la Mỹ trên toàn cầu trong quý 2, so với 31 tỷ đô la Mỹ trong quý đầu tiên của năm 2023. Tuy nhiên, con số này cũng đã tốt hơn so với hiệu quả hoạt động của quỹ toàn cầu nói chung, với dòng tiền chảy ra là 37 tỷ đô la Mỹ, so với con số 77 tỷ đô la Mỹ trong quý trước.

Dòng vốn vào giảm là kết quả của bối cảnh vĩ mô liên tục gặp thách thức

Dòng vốn vào các quỹ đầu tư xanh giảm là kết quả của bối cảnh vĩ mô liên tục gặp thách thức

Hồng Kông cũng bị ảnh hưởng bởi dòng vốn chảy ra khi có mức giảm lớn thứ tư ở châu Á (22 triệu USD), đứng sau Nhật Bản, Ấn Độ và Singapore. Nhật Bản bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với dòng vốn chảy ra tăng gần gấp đôi lên 1,9 tỷ USD từ mức 961 triệu USD trong quý trước.

Phó Giám đốc nghiên cứu quản lý tại Morningstar - Bryan Cheung cho biết, dòng vốn chảy ra ngắn hạn của các quỹ bền vững có trụ sở tại Hồng Kông có thể được thúc đẩy bởi tâm lý nhà đầu tư và hoạt động của thị trường địa phương.

“Điều này có thể hiểu được khi chứng khoán Trung Quốc hoạt động kém hiệu quả do sự phục hồi kinh tế đáng thất vọng và lĩnh vực bất động sản tiếp tục yếu kém. Chỉ số Hang Seng là chỉ số chứng khoán hoạt động kém thứ tư trên thế giới trong quý hai với mức giảm 7,3%.

Mặc dù phân khúc quỹ bền vững đang mất dần sức hút, nhưng 11 quỹ mới đã được ra mắt tại Trung Quốc đại lục trong quý 2, chiếm gần 70% số lần ra mắt mới trong khu vực ở giai đoạn này. Châu Á (trừ Nhật Bản), Châu Âu và Canada là ba khu vực duy nhất thu hút tiền mới vào các quỹ bền vững trong quý”, vị chuyên gia cho biết thêm.

Còn theo bà Hortense Bioy, Giám đốc nghiên cứu bền vững toàn cầu của Morningstar, tổng thể dòng vốn vào giảm là kết quả của bối cảnh vĩ mô liên tục gặp thách thức. Bà nhấn mạnh, khí hậu vẫn là chủ đề bền vững, phổ biến nhất trong số các lần ra mắt sản phẩm mới cả ở Châu Âu và Hoa Kỳ.

Châu Âu tiếp tục thống trị các quỹ với 84% tài sản bền vững toàn cầu. Song dòng tiền vào châu Âu đã chậm lại hơn 40% theo quý xuống còn 20 tỷ USD. Sự sụt giảm đáng kể trong các quỹ mới ra mắt ở châu Âu cũng dẫn đến sự chậm lại của lĩnh vực quỹ bền vững toàn cầu. Có tổng cộng 106 quỹ bền vững đã được tung ra trong quý vừa qua, tiếp tục xu hướng giảm kể từ quý cuối cùng của năm 2021, khi con số lúc đó là gần 350 quỹ.

>>Thúc đẩy quản trị ESG từ 3 tác nhân

Đánh giá lạc quan hơn, ngân hàng Standard Chartered ước tính, nguồn tài trợ bền vững sẽ tiếp tục mở rộng, với nguồn tài trợ hàng năm hiện tại tăng gấp ba lần vào năm 2050. Tuy nhiên, vẫn còn những rủi ro bao gồm khả năng chống lại quy định về môi trường, xã hội và quản trị (ESG), sự không chắc chắn về dữ liệu và xếp hạng ESG cũng như sự không chắc chắn về khả năng của các nhà quản lý quỹ ESG để vượt qua các tiêu chuẩn rộng hơn.

Có thể thấy, ESG đang là mối ưu tiên lớn trên toàn thế giới, biến đổi khí hậu, do phát thải khí nhà kính quá mức từ các hoạt động của con người, là một trong những vấn đề cấp bách đòi hỏi các doanh nghiệp phải cùng hành động. Hơn 190 quốc gia đã cam kết vào năm 2015 nhằm kiềm chế sự nóng lên toàn cầu trong phạm vi 1,5 độ C để ngăn chặn những thay đổi khí hậu thế giới, gây hậu quả cả về kinh tế và xã hội.

Fidelity, công ty giám sát khoảng 728 tỷ USD tài sản của khách hàng cho biết, những lỗ hổng về công nghệ, thiếu động lực của công ty và nguồn vốn đang cản trở quá trình thực hành ESG. Trong đó, châu Âu vẫn dẫn đầu cuộc thăm dò với 69%, gần gấp đôi tỷ lệ của các công ty Trung Quốc.

Fidelity cho biết các quy định của chính phủ, sự tham gia của nhà đầu tư và hành động của cổ đông, là một trong những cách hiệu quả nhất để tăng cường thực hành ESG.

Các nhà quản lý quỹ muốn đạt được các mục tiêu khử carbon trong danh mục đầu tư của họ có thể bán bớt cổ phần của họ trong các công ty sử dụng nhiều carbon, hoặc thuyết phục những người được đầu tư giảm lượng khí thải với tốc độ phù hợp theo mục tiêu của quỹ.

Có thể bạn quan tâm

  • Tài chính xanh và phát triển bền vững (kỳ 2): Giải pháp tại vùng Đông Nam Bộ

    05:25, 27/07/2023

  • Tài chính xanh và phát triển bền vững (kỳ 1): Kinh nghiệm tại các quốc gia

    11:00, 26/07/2023

  • Cần thiết xây dựng và phát triển thị trường tài chính xanh

    05:20, 20/05/2023

  • Giải pháp thu hút đầu tư tài chính xanh cho châu Á

    11:08, 18/04/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đầu tư xanh: Dòng vốn bền vững toàn cầu giảm mạnh trong quý 2
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO