Trong khi Trung Quốc đang phụ thuộc lớn vào chip và phần mềm từ Mỹ, quốc gia này đang vượt qua Mỹ trong các ứng dụng công nghệ như trí tuệ nhân tạo, mạng xã hội và mua sắm trực tuyến.
Cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã bùng lên trong năm nay, và công nghệ đang trở thành trung tâm của cuộc đối đầu này. Sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump ngăn chặn người khổng lồ thiết bị mạng Trung Quốc, Huawei Technologies mua các linh kiện từ Mỹ và áp đặt thuế quan lên nhiều sản phẩm Trung Quốc, chính phủ Trung Quốc đáp trả bằng cách đe dọa đưa các công ty Mỹ vào danh sách đen.
Việc căng thẳng gia tăng cũng là phép thử cho một mối quan hệ phức tạp, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ nơi Trung Quốc và Mỹ đang ràng buộc chặt chẽ với nhau thông qua chuỗi cung cấp toàn cầu với các phần mềm có thể vượt qua các biên giới chỉ bằng một phím bấm. Vậy quốc gia nào đang bị thiệt hại nhiều hơn? Quốc gia nào cần bên còn lại hơn? Các so sánh dưới đây cho thấy sự phụ thuộc này rất khác nhau đối với mỗi lĩnh vực công nghệ:
Các công ty Mỹ như Intel Corp và Nvidia Corp đang thống trị thị trường bộ xử lý, thành phần tối quan trọng cho các laptop, desktop và máy chủ. Sự thay thế khả thi duy nhất là một công ty Mỹ khác: hãng AMD.
Trụ sở cả 3 công ty này đều chỉ cách nhau một khoảng ngắn tại Thung lũng Silicon, nơi họ thiết kế nên sản phẩm của mình.
Phần lớn các bộ xử lý được sản xuất tại Đài Loan. Intel cũng có một nhà máy tại Trung Quốc, nhưng đây là nơi sản xuất chip nhớ - một linh kiện phổ thông hơn. Trong năm nay, Huawei từng giới thiệu chip máy chủ tự phát triển đầu tiên của minh, dựa trên các thiết kế của ARM Holdings, vốn có trụ sở tại Anh Quốc.
ARM cũng có hoạt động tại Mỹ, và gần đây công ty này cho biết sản phẩm của họ thuộc lĩnh vực kiểm soát của Mỹ. Không có các thiết kế của ARM, Huawei sẽ rất khó khăn nếu muốn tự làm chip.
Theo ước tính của các nhà phân tích, trong lĩnh vực smartphone, Huawei độc lập hơn khi tự cung cấp được ít nhất 2/3 bộ xử lý và modem riêng của mình. (Đến 68% điện thoại Huawei đang sử dụng chip họ tự phát triển).
Nhưng các nhà sản xuất smartphone khác của Trung Quốc, như Xiaomi, Vivo, Oppo và Lenovo phụ thuộc phần lớn vào Qualcomm Inc, nhà sản xuất chip di động lớn nhất thế giới có trụ sở tại California, Mỹ.
Các chip switch dùng để vận hành những cỗ máy điều hướng dòng thông tin giữa các mạng máy tính, bao gồm cả internet. Đây là một lĩnh vực công nghệ khác Trung Quốc đang phải dựa vào công ty Mỹ, Broadcom Inc, có trụ sở tại San Jose, California và là nhà sản xuất chip switch lớn nhất thế giới.
Huawei, nhà cung cấp thiết bị mạng hàng đầu thế giới, cũng là một khách hàng lớn của các linh kiện này. Nếu công ty Trung Quốc muốn phát triển chip switch của riêng mình, họ vẫn sẽ cần đến các công nghệ khác của Mỹ. Các hãng Synopsys Inc và Cadence Design Systems là các nhà cung cấp chính cho phần mềm sử dụng để thiết kế chip – gần đây họ đều dừng hợp tác với Huawei.
Hệ điều hành Windows của Microsoft vẫn chạy trên hầu hết các máy tính cá nhân, bao gồm gần như mọi chiếc máy tính mà người Trung Quốc mua. Windows vẫn được sử dụng bởi chính phủ Trung Quốc và các tổ chức liên quan đến chính phủ. Bộ phần mềm công việc Office của Microsoft cũng rất nổi tiếng ở quốc gia này.
Hiện Microsoft chưa cho biết, họ có tiếp tục cung cấp Windows và Office cho Huawei và các công ty công nghệ khác của Trung Quốc hay không.
Một lệnh cấm lâu dài vào nguồn cung phần mềm Windows và Office đối với các nhà sản xuất máy tính Trung Quốc sẽ buộc họ phải sử dụng các giải pháp thay thế hiện vẫn chưa phổ biến. Theo phân tích chuỗi cung cấp của Bloomberg, hiện Lenovo – nhà sản xuất PC lớn nhất thế giới – cũng là khách hàng lớn nhất của Microsoft.
Người tiêu dùng Trung Quốc đang ngày càng tìm đến các lựa chọn khác thay cho iPhone khi các thiết bị của Apple ngày càng đắt đỏ và những nhà sản xuất smartphone địa phương đã cải thiện đáng kể chất lượng.
Huawei đã không còn là một nhà sản xuất smartphone nhỏ khi vượt qua Apple về lượng xuất xưởng, chủ yếu nhờ vào nhu cầu mạnh mẽ từ Trung Quốc – cùng với đó là sự đi xuống của các thương hiệu trong nước khác như Oppo, Vivo và Xiaomi.
Ở Trung Quốc, Apple cũng đưa ra một số dịch vụ như Apple Music, nhưng các sản phẩm mới hơn – như thẻ tín dụng Apple Card, dịch vụ Apple News+ và Apple TV+ sắp ra mắt – sẽ không xuất hiện ở Trung Quốc. Người tiêu dùng Trung Quốc từ lâu đã ưa chuộng các lựa chọn khác từ trong nước hơn. Lượng người dùng hàng tháng đối với dịch vụ Tencent Music hiện đạt 654 triệu người, vượt quá cả dân số nước Mỹ.
Có thể thấy, người dùng Trung Quốc không cần các sản phẩm hay dịch vụ của Apple, nhưng nguyên nhân chính Apple quan trọng với Trung Quốc là việc làm. Người khổng lồ công nghệ Mỹ có đại đa số sản phẩm được sản xuất ở Trung Quốc, mang lại đến 3 triệu việc làm cho quốc gia này.
Hệ điều hành smartphone Android của Google đã phổ biến trên khắp đất nước này, xuất hiện trên các điện thoại của Huawei, Lenovo, Oppo, Vivo và Xiaomi. Nhưng với người tiêu dùng Trung Quốc, các nhà sản xuất này lại sử dụng một phiên bản khác của phần mềm này và không có các dịch vụ của Google.
Cho dù vậy, bên ngoài Trung Quốc họ vẫn cần sự hỗ trợ của Google. Do vậy, khi người khổng lồ về internet của Mỹ cho biết, Google sẽ loại bỏ khả năng truy cập của Huawei tới toàn bộ phần mềm Android, đó thực sự là một đòn mạnh giáng vào công ty này.
Trung Quốc đang đầu tư mạnh tay vào AI. Tiền được rót vào từ nhiều nhà đầu tư, các công ty internet lớn và chính phủ Trung Quốc, được thúc đẩy với niềm tin rằng công nghệ có thể làm nên các lĩnh vực hoàn toàn mới của nền kinh tế, cũng như an ninh quốc gia. Một nỗ lực tương tự như vậy cũng đang được triển khai tại Mỹ, nhưng trong cuộc chạy đua vũ trang công nghệ này, Trung Quốc có 3 lợi thế chính:
Họ có một lực lượng kỹ sư đông đảo để viết nên phần mềm, một quy mô dân số khổng lồ với 751 triệu người dùng internet để thử nghiệm chúng, và quan trọng nhất, sự ủng hộ của chính quyền, bao gồm cả việc trao vào tay các công ty những khối dữ liệu công dân đồ sộ - một điều sẽ làm các quan chức phương Tây ghê sợ.
Amazon.com Inc., Microsoft Corp., và Google là những nhà cung cấp dịch vụ và sức mạnh điện toán qua internet lớn nhất nước Mỹ.
Nhưng ở Trung Quốc, các công ty này thậm chí còn không lọt vào top 6 công ty hàng đầu. Alibaba Group Holding Ltd., Tencent Holdings Ltd. và những người đồng hương của họ thống trị thị trường trong nước, và theo hãng nghiên cứu Synergy Research Group, họ đang mở rộng ra các thị trường khác trong khu vực châu Á Thái Bình Dương.
Baidu hiện là cỗ máy tìm kiếm lớn nhất Trung Quốc. Google đã rút chân khỏi thị trường này vào năm 2010 và các nỗ lực nhằm quay lại đây của họ cho đến nay đều thất bại.
Người tiêu dùng Trung Quốc không cần các công ty Mỹ cho nhu cầu mua sắm trực tuyến của họ. Amazon dự định đóng cửa mảng kinh doanh sàn giao dịch tại Trung Quốc của họ trong tháng Bảy tới đây, và sẽ chỉ bán hàng hóa cho khách hàng trong đại lục đang tìm kiếm sản phẩm từ các quốc gia khác.
Alibaba và JD.com hiện thống trị thị trường này, và theo hãng iResearch, Amazon chưa bao giờ đạt tới thị phần lớn hơn 1%.
Các mạng xã hội cũng không đóng vai trò nào trong đời sống hàng ngày ở Trung Quốc. Facebook Inc. và Twitter Inc. cũng không hề hoạt động tại đây – và điều này chắc chắn sẽ không thay đổi trong thời gian gần.
WeChat, dịch vụ nhắn tin tức thời do Tencent sở hữu, là trung tâm hàng đầu Trung Quốc về dịch vụ liên lạc và các hoạt động hàng ngày, như thực hiện thanh toán di động. Hiện WeChat có khoảng 1 tỷ người dùng, nhiều hơn 673 triệu người so với dân số Mỹ trong năm 2018.
QQ, một dịch vụ nhắn tin khác cũng do Tencent sở hữu và phổ biến với người dùng internet trẻ tuổi, hiện đang có 823 triệu người dùng tích cực hàng tháng, tương đương 10% dân số thế giới.
Weibo, mạng xã hội của Trung Quốc tương tự như Twitter, hiện có hơn 203 triệu người dùng tích cực hàng tháng – nhiều hơn gần 70 triệu người dùng so với Twitter.