Đẩy nhanh đấu thầu dự án metro đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo

Cẩm Anh 25/04/2018 06:40

Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến về việc báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương điều chỉnh Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.

Đồ án tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo

Đồ án tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội, tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo (Dự án) được thành phố Hà Nội phê duyệt đầu tư năm 2008. Đến nay 5 gói thầu chính của dự án sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản đã thực hiện xong bước sơ tuyển nhà thầu, mỗi gói thầu đều có 4 nhà thầu tham gia. Hiện Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội đang phối hợp chặt chẽ với JICA trong việc chuẩn bị hồ sơ mời thầu, tổ chức đấu thầu nhằm rút ngắn thời gian thực hiện dự án. 

Trước đó, UBND thành phố gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị xem xét, cho ý kiến chỉ đạo về chủ trương, cơ chế đầu tư 3 dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị Hà Nội, trong đó có tuyến đường sắt đô thị số 2.

Bên cạnh phương án vốn từ 5 nguồn của thành phố như tiết kiệm chi thường xuyên; trích từ vượt thu ngân sách; tiền cổ phần hóa các doanh nghiệp trên địa bàn; xin một số cơ chế đấu giá quỹ đất đặc thù của Thủ đô; phát hành trái phiếu của... Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung có nhấn mạnh đề xuất kết hợp mô hình đầu tư PPP với một phần vốn ngân sách, không vay vốn ODA tránh tăng nợ công của Chính phủ và phụ thuộc nhiều yếu tố bên ngoài. 

Mặc dù vậy, tuyến đường metro số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo có tổng mức đầu tư dự án sau điều chỉnh đạt 35.678 tỷ đồng, tăng 16.123 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư ban đầu được phê duyệt. Do đó, các chuyên gia bày tỏ lo ngại, việc đội vốn của tuyến đường sắt này sẽ làm một số nhà đầu tư e ngại khi tham gia đấu thầu.

"Vì những lý do khác nhau, chi phí dự án ODA đã vượt quá mức ban đầu, việc thay thế bằng PPP là phương thức hợp lý. Tuy nhiên, cần rút kinh nghiệm từ câu chuyện của đường sắt Nhổn - ga Hà Nội để có sự lựa chọn nhà thầu hợp lý", ông Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia cao cấp của JICA cho biết.

Chuyên gia này cũng lưu ý rằng, cần phải xây dựng một quy trình giám sát chặt chẽ, có sự tham gia đánh giá của một đội ngũ chuyên gia có kinh nghiệm từ khâu tư vấn tuyển chọn nhà thầu đến khi dự án đã hoàn thiện. Bên cạnh đó, việc quyết toán khối lượng công việc cũng phải thật minh bạch, rõ ràng vì đây còn là cơ sở để xác định giá thành, bán vé cho người dân, đảm bảo quyền lợi cho nhà thầu.

Tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo sử dụng vốn vay của Chính phủ Nhật Bản, do Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội làm chủ đầu đư. Dự án được phê duyệt vào tháng 11/2008. Thời gian thực hiện dự án là từ 2009 - 2015, theo tiến độ ban đầu sẽ khai thác năm 2017, tuy nhiên đến nay dự án vẫn chưa có “động tĩnh” gì.

Quy mô xây dựng dự án, tổng chiều dài toàn tuyến là 11,5 km, trong đó 8,5 km đường đi ngầm và 3 km đi trên cao. Khổ đường sắt đôi 1.435 mm.

Hệ thống nhà ga gồm 3 ga trên cao, 7 ga ngầm. Tuyến bắt đầu từ khu đô thị mới Ciputra đi theo đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài - Hoàng Quốc Việt - Hoàng Hoa Thám - Phan Đình Phùng - Hàng Giấy - Hàng Đường - Hàng Ngang - Hàng Đào - Đinh Tiên Hoàng - Hàng Bài - Trần Hưng Đạo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đẩy nhanh đấu thầu dự án metro đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO