Sáng 7.11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đặc xá (sửa đổi).
Góp ý về dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) có ý kiến đề nghị không đặc xá đối với người bị kết án về các tội phạm ma túy, đánh bạc, giết người, hiếp dâm trẻ em, chống phá cơ sở giam giữ và một số tội phạm khác trong BLHS; bên cạnh đó nhiều ý kiến đề nghị mở rộng đối tượng xét đặc xá cả với người đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù, hay nới rộng điều kiện về chấp hành án phí, các khoản tiền phạt để được đặc xá…
Trước khi thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đặc xá (sửa đổi). Đây là dự luật đã được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5.
Theo báo cáo Giải trình, tiếp thu ý kiến ĐBQH về dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) của UBTVQH, về thời điểm đặc xá, đa số ý kiến nhất trí quy định 3 thời điểm đặc xá trong năm gồm: nhân sự kiện trọng đại của đất nước, nhân ngày lễ lớn của đất nước và trong trường hợp đặc biệt.
Về đối tượng được đề nghị đặc xá (Điều 11 dự thảo Luật), bà Lê Thị Nga cho biết, tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đề nghị chỉnh lý dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) theo hướng:
“Ngoài 2 loại đối tượng được đề nghị đặc xá như quy định của dự thảo Luật (Người bị kết án phạt tù có thời hạn đang chấp hành hình phạt tù; Người bị kết án tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn đang chấp hành hình phạt tù), thì bổ sung thêm đối tượng là người đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù (người này phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện như người đang chấp hành hình phạt tù, đồng thời phải nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật trong thời gian được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù)”.
UBTVQH cũng đề nghị chỉnh lý dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) theo hướng: đối với một số tội mà BLHS quy định không được tha tù trước thời hạn có điều kiện thì vẫn cho phép đặc xá nhưng điều kiện về thời gian đã chấp hành án để xét đặc xá phải dài hơn so với các tội phạm khác.
Ngược lại, UBTVQH đề nghị không mở rộng đối tượng đặc xá với các trường hợp này vì thực chất những đối tượng này đều đang ở ngoài xã hội, chưa phải vào trại giam để chấp hành án phạt tù. Tương tự, UBTVQH đề nghị không mở rộng đối tượng đặc xá với người bị kết án tử hình mà sau đó đã được Chủ tịch nước ân giảm xuống tù chung thân.
Có thể bạn quan tâm
05:02, 07/11/2018
13:42, 11/06/2018
12:30, 11/06/2018
18:39, 21/05/2018
Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm lớn trong suốt quá trình cho ý kiến vào dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) thời gian qua là quy định về điều kiện được đề nghị đặc xá, trong đó có điều kiện về chấp hành án phí, các khoản tiền phạt.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, về điều này, nhiều ý kiến đề nghị phải thi hành xong tiền phạt và án phí mới được xét đặc xá. Đồng thời, đề nghị không quy định Chủ tịch nước xem xét miễn chấp hành hình phạt tiền, án phí. Song cũng có một số ý kiến đề nghị giữ như quy định của Luật Đặc xá hiện hành, chỉ bắt buộc thực hiện với người phạm tội tham nhũng và một số tội phạm khác do Chủ tịch nước quyết định.
Tiếp thu ý kiến của nhiều ĐBQH và để bảo đảm đồng bộ với các quy định khác của hệ thống pháp luật, UBTVQH đề nghị chỉnh lý điểm c khoản 1 Điều 11 của dự thảo Luật như sau: “Đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là phạt tiền, đã nộp án phí hoặc có quyết định của Tòa án có thẩm quyền miễn chấp hành hình phạt tiền, miễn nộp án phí”.
Đặc biệt, UBTVQH nhận thấy, quy định như dự thảo Luật của Chính phủ trình sẽ dẫn đến có những người mặc dù quá trình cải tạo rất tốt, đáp ứng nhiều điều kiện luật định... nhưng do hoàn cảnh kinh tế khó khăn không có khả năng thi hành nghĩa vụ dân sự trong bản án hình sự (mà không phải do họ cố tình chây ì, không tự nguyện chấp hành án) thì sẽ không bao giờ được đặc xá, ảnh hưởng đến công bằng xã hội và giảm đi ý nghĩa của chính sách đặc xá, đồng thời làm mất đi động lực của những người bị kết án là người nghèo phấn đấu cải tạo tốt.
Vì vậy, tiếp thu ý kiến của ĐBQH, bên cạnh quy định mang tính nguyên tắc là người bị kết án phạt tù về các tội phạm tham nhũng hoặc một số tội phạm khác do Chủ tịch nước quyết định thì phải thực hiện xong nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác thì dự thảo Luật bổ sung quy định:
“Đối với trường hợp người bị kết án về tội phạm khác không phải là tội phạm tham nhũng mà đã chấp hành được một phần nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác nhưng do lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn, không thể thực hiện được phần nghĩa vụ còn lại thì vẫn được xét đặc xá nếu có quyết định của cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền về việc chưa có điều kiện thi hành án đối với phần nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác còn lại đó theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự”.