Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chỉ đạo ban soạn thảo và Ủy ban thẩm tra dự án luật nghiên cứu, bổ sung một số quy định cụ thể hơn về dịch vụ công và vấn đề xã hội hóa dịch vụ công.
ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) kiến nghị tại phiên thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, sáng 25/10.
Mục tiêu của dự thảo luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương là tập trung vào vấn đề tinh gọn bộ máy, đẩy mạnh phân quyền phân cấp giữa trung ương và địa phương, đồng thời rà soát lại chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của một số cơ quan hành chính nhà nước.
Có thể bạn quan tâm
11:01, 25/10/2019
05:00, 24/10/2019
13:08, 23/10/2019
17:58, 22/10/2019
Tuy nhiên, bà Khánh lại cho rằng "chưa thấy đạt được mục tiêu đó", vì những quy định trong dự án luật này chưa thể hiện và quán triệt một cách sâu sắc quan điểm Nghị quyết 18, 19 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả cũng như tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức sự nghiệp công lập.
Trong khi đó, thực tiễn từ các bộ ngành, địa phương hiện nay bà Khánh nhận thấy đang có sự trông chờ vào cơ chế, pháp lý để triển khai việc sắp xếp tổ chức bộ máy phân định thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước hành chính công với việc cung ứng dịch vụ công, dịch vụ sự nghiệp công theo nghị quyết của đảng.
Chính vì vậy, bà Khánh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chỉ đạo ban soạn thảo và Ủy ban thẩm tra dự án luật nghiên cứu, bổ sung một số quy định cụ thể hơn về vấn đề dịch vụ công, dịch vụ hành chính công, trung tâm dịch vụ hành chính công theo thẩm quyền của các cơ quan trung ương, địa phương về vấn đề này.