ĐBSCL trước thách thức hạn, mặn, sạt lở nghiêm trọng (Kỳ 1): Đồng khô cỏ cháy!

Ninh Thới-Nam Sơn 20/02/2020 05:00

Đã đành hạn, mặn ở ĐBSCL cứ đến hẹn lại lên, nhưng năm 2020 hạn, mặn sớm, sâu, gay gắt hơn là một hiện tượng bất thường rất đáng lo ngại.

Những ngày này nông dân trồng lúa vụ 3 ở huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng như ngồi trên đóng lửa vì lúa sắp chết khô mà nước dưới kênh bị nhiễm mặn không thể bơm tưới được.

Ông Nguyễn Văn Hiền, nông dân xã Kế Thành, huyện Kế Sách than thở: “Chưa có năm nào “kỳ cục” như năm nay. Những năm trước vùng này làm gì có nước mặn, thế mà năm nay thì nếm vào đã thấy mặn, cá tôm còn không chịu nổi huống hồ cây lúa”.

Những cánh đồng khô cháy ở Sóc Trăng.

Những cánh đồng khô cháy ở Sóc Trăng.

Ông Trần Văn Hùng, xã An Lạc Tây, huyện Kế Sách - chuyên nghề hạ bạc cho biết, cách đây mấy hôm ông còn bắt được cua biển trên sông Hậu, ông kể có người còn bắt được cả sứa biển và cá đối. Đây là một chuyện chưa từng có ở vùng đất cách cửa biển hơn 70 km này.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Sóc Trăng, xâm nhập mặn năm nay đến sớm hơn khoảng 1 tháng so với năm 2019 và độ mặn cao hơn trung bình nhiều năm.

Tỉnh có khoảng 1.000 ha lúa bị ảnh hưởng hạn, xâm nhập mặn do người dân “xé rào” xuống giống vụ 3 không theo khuyến cáo. Nếu tình hình hạn, mặn kéo dài thì diện tích lúa có khả năng bị ảnh hưởng thêm 600 ha, cây ăn trái khoảng 4.000 ha và rau màu khoảng 1.000 ha. Về nước sinh hoạt nông thôn, còn 24.394 hộ bị ảnh hưởng hạn, mặn, cần mở rộng mạng cung cấp nước, khoan thêm giếng dự phòng để phục vụ cho các hộ bị ảnh hưởng.

Ông Phạm Tấn Đạo - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng cho biết, từ 11-15/2, nước mặn theo sông Hậu đã lấn sâu vào địa phận xã An Lạc Tây, Huyện Kế Sách (Sóc Trăng), tức là đã xâm nhập khoảng 60 - 70 km vào nội đồng với độ mặn lên tới 8%. Điều may mắn cho Sóc Trăng là vùng trồng lúa chính Long Phú - Tiếp Nhật của tỉnh rộng hơn 40.000 ha đã thu hoạch xong trước tết. Dù vậy, tình hình xâm nhập mặn đang gây rất nhiều khó khăn cho sinh hoạt, sản xuất của người dân.

Ở những vùng đo được độ mặn từ 4%, các cống thủy lợi lập tức phải đóng để giữ nước ngọt bên trong nội đồng. Nhiều nơi cống đóng kéo dài, nước ngọt trong kinh cạn dần và việc vận chuyển nông sản gặp nhiều trở ngại, thay vì chở lúa bằng ghe, người dân phải thuê phương tiện khác, chi phí tốn kém hơn.

Số liệu của Sở NN-PTNT Cà Mau cho biết, diện tích lúa bị thiệt hại và có nguy cơ bị thiệt hại do hạn mặn trên địa bàn tỉnh đã hơn 41.600 ha (diện tích thiệt hại hơn 16.800 ha). Về rau màu, tổng diện tích có nguy cơ bị ảnh hưởng, giảm năng suất là 340 ha.

Ông Phạm Minh Truyền - Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Trà Vinh cho biết: Do tỉnh Trà Vinh là tỉnh duyên hải biển nên việc hạn, mặn diễn ra khá gay gắt. Toàn tỉnh có khoảng 5.500ha lúa bị ảnh hưởng hạn, mặn. Trà Vinh đối phó chủ lực là đóng nắp cống ngân mặn, trữ nước ngọt từ sông Tiền, sông Hậu. Bơm tát hỗ trợ ruộng lúa đang đẻ nhánh xuống giống theo lịch thời vụ.

Những dòng

Những dòng

Tại thành phố Cần Thơ, trên sông Hậu độ mặn 3,5 ‰ lên đến rạch Cái Cui (điểm giáp ranh với tỉnh Hậu Giang thuộc phường Tân Phú, quận Cái Răng vào lúc 07 giờ sáng ngày 10/02/2020) và xâm nhập vào các kênh rạch nội đồng ven sông Hậu thuộc địa bàn quận Cái Răng.

Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam cũng đưa ra dự báo: Hiện Thủy điện Trung Quốc vẫn xả thấp và rất có thể kéo dài sang cả đầu tháng 3, nguy cơ hạn mặn còn có thể tiếp tục cao thêm ở nửa đầu tháng 3 là lớn.

Theo ông Lương Văn Anh - Phó tổng cục trưởng Tổng cực thủy lợi-Bộ NN&PTNT: Do trên lưu vực sông Mekong năm 2019-2020 ít nước, lưu lượng về ĐBSCL bị thiếu hụt nghiêm trọng so với trung bình hàng năm, thậm trí thấp hơn cả năm 2015-2016 (năm xuất hiện xâm nhập mặn kỷ lục).

Đây là nguyên nhân chính gây xâm nhập mặn sớm, sâu và kéo dài trong mùa khô năm 2019-2020. Thực tế, xâm nhập mặn đã xuất hiện ở mức cao đột biến từ tháng 12/2020 (ngày 12-15/12/2019), ranh mặn 4 g/lít ở các cửa sông Cửu Long cao nhất đến 57 km (Sông Hàm Luông), cao hơn trung bình nhiều năm là 24 km, cao hơn năm 2015 là 17 km.

Trong tháng 01/2020, xâm nhập mặn đã tăng cao trong thời gian từ ngày 6-13/01/2020 với ranh mặn 4g/lít ở vùng 2 sông Vàm Cỏ (Vàm cỏ Đông, Vàm cỏ Tây) từ 82-85 km, cao hơn năm 2016 từ 18-20km; vùng cửa sông Cửu Long từ 45-66km, cao hơn năm 2016 từ 6-17 km; vùng ven Biển Tây lớn nhất 48km, cao hơn năm 2016 là 6 km.

Trong thời gian tới, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục gia tăng ảnh hưởng đến khoảng tháng 3, 4/2020; trước mắt từ ngày 8/2 đến ngày 16/2/2020, xâm nhập mặn sẽ tăng cao theo kỳ triều cường với ranh mặn 4 g/l ở các cửa sông Vàm Cỏ từ 100-110 km, sâu hơn trung bình năm từ 20-22km, sâu hơn cùng kỳ năm 2016 từ 4-6 km, thấp hơn 15-17 km so với mức sâu nhất năm 2016.

Ở các cửa sông Cửu Long ở mức sâu nhất khoảng 75 km, sâu hơn trung bình năm 30 km, sâu hơn cùng kỳ năm 2016 khoảng 15 km, sâu hơn khoảng 4 km so với mức sâu nhất năm 2016.

>>> Mời độc giả đón đọc Kỳ 2: Sạt lở báo động!

Có thể bạn quan tâm

  • Xâm nhập mặn tại ĐBSCL sớm, sâu và gay gắt hơn

    Xâm nhập mặn tại ĐBSCL sớm, sâu và gay gắt hơn

    11:12, 03/01/2020

  • Thủy sản ĐBSCL tìm giải pháp gỡ khó

    Thủy sản ĐBSCL tìm giải pháp gỡ khó

    15:00, 17/02/2020

  • Gập ghềnh con đường phát triển ĐBSCL (Bài 1): Gian nan đường về Miền Tây

    Gập ghềnh con đường phát triển ĐBSCL (Bài 1): Gian nan đường về Miền Tây

    06:00, 21/02/2019

  • Thủ tướng chỉ thị đẩy mạnh phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu

    Thủ tướng chỉ thị đẩy mạnh phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu

    19:30, 05/09/2019

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
ĐBSCL trước thách thức hạn, mặn, sạt lở nghiêm trọng (Kỳ 1): Đồng khô cỏ cháy!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO