Mặc dù “bà trùm” than lậu Yên Phước Châu Thị Mỹ Linh cùng đồng phạm đã bị khởi tố, bắt tạm giam, tuy nhiên những hệ lụy còn hiển hiện, khiến người dân địa phương vẫn ngày ngày sống trong sợ hãi…
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, trong quá trình hoạt động khai thác than tại Mỏ than Minh tiến (huyện Đại Từ, Thái Nguyên) của Công ty CP Yên Phước khiến hàng trăm hộ dân cận kề điểm mỏ luôn phải sống thấp thỏm với nguy cơ lở núi, vùi làng.
“Tác oai, tác quái” suốt thời gian dài
Theo đó, tình trạng bãi thải mỏ liên tục sạt lở làm bùn, than vùi lấp hết ruộng đồng, việc nổ mìn làm lở núi, nứt nhà khiến người dân luôn bất an do hiểm họa rình rập trên đầu. Chưa dừng lại đó, những đoàn xe chở than quá tải nối đuôi nhau cày nát những tuyến đường giao thông, hình ảnh bụi than bay mịt mù mỗi ngày đã ám ảnh người dân huyện Đại Từ suốt nhiều năm trời.
Đáng chú ý, tháng 11/2019, bãi thải của mỏ này bắt đầu lún nứt từ 0,5 - 1,5 m, dài từ 10 - 20 m. Đến đầu tháng 8/2020, bãi thải này cũng sụt lún đất, đá ở 3 bể lắng thuộc chân bãi thải, với chiều dài khoảng 30 m, lún sâu 0,6 m và sau đó đã sạt lở uy hiếp hàng chục hộ dân tại xóm Cây Thổ và Ao Soi, xã Na Mao.
Theo ước tính của cơ quan chức năng, hàng chục nghìn m3 bùn thải, đất đá có thể sạt lở bất cứ khi nào, nên nó được ví như “bom thải” treo trên đầu các khu dân cư ở xã Na Mao.
Ông Lương Văn Xuân, nhà ở xóm Ao Soi, phản ánh mỏ than Minh Tiến đi vào hoạt động một thời gian thì đời sống người dân khốn khổ. Mỗi lần mưa lớn, nước từ bãi thải dốc xuống vùi lấp ruộng, ao, vườn không thể canh tác. Cách đây 3 năm, ông Xuân vay tiền ngân hàng đào ao, kè bờ thả cả nhưng chỉ sau vài trận mưa, ao cá lắng đầy bùn thải, giờ phải bỏ hoang. Không chỉ vậy, mỗi lần mỏ cho nổ mìn khai thác than, nhà dân dưới chân núi rung bần bật.
Ở xóm Ao Soi này, nhà dân cùng nhiều công trình chuồng chăn nuôi gia súc kiên cố đều ghi nhận tình trạng lún, nứt do liên tục hứng chịu dư chấn từ hoạt động nổ mìn khai thác than.
Theo UBND huyện Đại Từ, trong tháng 8/2018, bãi thải mỏ than Minh Tiến bị người dân địa phương tố gây ra sự cố tràn bùn thải vùi lấp lúa, hoa màu của người dân. Khi UBND huyện Đại Từ và Sở TN-MT tỉnh Thái Nguyên kiểm tra thì phát hiện doanh nghiệp này đã cố tình bưng bít, không thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường và chính quyền địa phương khi phát hiện sự cố.
Trước đó, phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp cũng từng ghi nhận trực tiếp tại xã Na Mao và Phú Cường, xe chở than của Công ty CP Yên Phước cơi nới thùng, chở quá tải chạy rầm rập, bụi than tung mù mịt gây ô nhiễm môi trường từng là nỗi kinh hoàng, ám ảnh của người dân địa phương trong rất nhiều năm qua.
Nhiều tuyến đường giao thông tại xã Phú Cường cũng như trong khu vực huyện Đại Từ bị xe chở than của doanh nghiệp này cày nát, liên tục hư hỏng. Điển hình nhất là cầu đập tràn xã Phú Cường, trọng tải chỉ 13 tấn nhưng phải "chịu" xe chở than vượt thiết kế hàng chục tấn. Khi lãnh đạo, địa phương phản ánh, chủ doanh nghiệp chỉ tuyên bố xanh rờn: “Hỏng tôi sửa, vỡ tôi đền”.
Một lãnh đạo địa phương cho biết, để xử lý xe chở quá tải, Công an huyện Đại Từ từng nhiều lần lập trạm cân trọng tải nhưng mỗi lần mở chốt thì các xe của doanh nghiệp này tìm cách né tránh, cố tình chạy xe không, tìm cách cản trở, không đưa xe vào trạm cân…
Từng tham gia nhiều đoàn công tác liên ngành kiểm tra mỏ than Minh Tiến, một cán bộ (xin giấu tên) trả lời ngao ngán: “Mỏ này ngang nhiên vi phạm pháp luật, tái phạm nhiều lần, phạt không xuể. Nhiều lần đoàn xuống kiểm tra, chủ doanh nghiệp ỷ thế có quan hệ, không hợp tác, thậm chí có lần mắng chửi cả thành viên đoàn kiểm tra”, vị cán bộ này nói.
Hiểm họa còn rình rập…
Nhiều người dân địa phương cho biết, sau khi “bà trùm” bị khởi tố, mặc dù mỏ than đã dừng hoạt động nhưng cả núi đất thải và than tồn vẫn sừng sững ở đó, sau mỗi trận mưa đều kéo bùn, đá xuống diện tích đất sản xuất của bà con. Về lâu dài, diện tích ảnh hưởng sẽ ngày càng lan rộng và mức độ ảnh hưởng cũng sẽ nghiêm trọng hơn, bởi lâu ngày dầu và xít than sẽ ngấm xuống đất, không thể sản xuất được nữa. Chưa kể nguồn nước ở đây cũng sẽ bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân cũng như cây trồng, vật nuôi.
Nghiêm trọng hơn, khu vực khai thác lộ thiên của Công ty tại điểm H theo bản đồ thiết kế mỏ được cấp phép, qua quá trình khai thác đã bị khoét sâu vào lòng núi giống như một lòng chảo lớn (khoảng 1ha) ở độ cao khoảng 300m so với nền nhà dân.
Khi trời mưa, đây sẽ trở thành hồ chứa nước lớn, xung quanh là bờ đất kết cấu ít bền chặt, khi lượng nước trong lòng moong dâng cao, các bờ đất này không thể chống đỡ nổ có thể bị vỡ bất cứ lúc nào và hậu quả sẽ khó lường.
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND xã Na Mao cho biết, hiện nay, tình trạng sụt lún, nứt đất, nứt nhà của các hộ dân gần khu vực mỏ vẫn ngày càng nghiêm trọng, chúng tôi thực sự lo lắng. Ngoài 4 hộ dân ở sát chân núi đã được di dời đến nơi an toàn hiện còn nhiều hộ nằm trong phạm vi 500-700m phải đối mặt với nguy cơ sạt lở.
“Nguyện vọng của người dân vùng mỏ ở đây là sau điều tra, xét xử các bị cáo, dù Mỏ than Minh Tiến có hoạt động trở lại hay không thì các cấp, ngành chức năng cần có biện pháp giải quyết những vấn đề còn tồn tại. Đặc biệt là có biện pháp đảm bảo an toàn cho các hộ dân đang ngày đêm sống trong nơm nớp lo sợ gần chân núi Hồng”, vị này chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
“Đế chế” than lậu Yên Phước – Bài 1: “Bà trùm” sa lưới
12:00, 28/08/2021
“Đế chế” than lậu Yên Phước – Bài 2: Bất ngờ chân dung “bà trùm”
04:10, 31/08/2021
“Đế chế” than lậu Yên Phước – Bài 3: Nghi vấn rửa tiền
04:10, 01/09/2021
“Đế chế” than lậu Yên Phước – Bài 4: Hàng triệu tấn than "qua mặt" Tổ liên ngành
03:50, 02/09/2021
“Đế chế” than lậu Yên Phước - Bài 5: Thanh tra không ra sai phạm?
04:10, 03/09/2021