Khởi nghiệp là một hành trình chứ không phải phong trào. Do đó cần đủ ý chí và nghị lực để lỡ bị "lên bờ xuống ruộng" vẫn đứng lên được.
Thấu hiểu được vấn đề này, Khoa Quan hệ Công chúng - Truyền thông Trường Đại học Văn Lang đã tổ chức workshop với chủ đề "Khởi nghiệp - Khởi đầu địa phương, Tư duy toàn cầu" với sự tham gia của hơn 2.000 sinh viên.
Tham dự chương trình các bạn sinh viên sẽ có cơ hội giao lưu với các diễn giả là những chuyên gia thành công, lãnh đạo công ty danh tiếng. Từ đó tiếp cận với những kiến thức chuyên sâu, kinh nghiệm quý giá và rút ra những bài học thực tiễn, ý nghĩa cho hành trình khởi nghiệp của mình.
Hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quản trị và giáo dục, PGS.TS Trần Hữu Đức, co-founder BCC và Better Living, cho biết Việt Nam đứng thứ 3 Đông Nam Á về số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp. Nhưng trong 5 năm từ lúc khởi nghiệp, có đến 95-97% doanh nghiệp "rơi rụng".
PGS.TS Trần Hữu Đức nhấn mạnh với các bạn sinh viên rằng, muốn tư duy toàn cầu đừng quên gốc gác của mình, rồi bên trong mình có những gì như đam mê, năng khiếu, giá trị. Sau đó mới đến sức trẻ, kiến thức, công nghệ và thông tin, các dự án thi khởi nghiệp.
Kể về 4 lần khởi nghiệp vượt qua không biết bao nhiêu thử thách, ông Nguyễn Trung Dũng, Chủ tịch Công ty cổ phần DH Foods nhớ lại, 28 tuổi, ông mở công ty thủ công mỹ nghệ. 31 tuổi, ông khởi nghiệp lần hai với số vốn âm. Năm 2007, ông khởi nghiệp lần ba ở tuổi 45 với tâm thế người có tiền, nhưng khủng hoảng kinh tế toàn cầu khiến ông trắng tay. Và ở tuổi 50 (năm 2012), ông lại khởi nghiệp lần bốn khi về nước sau 30 năm sống tại Ba Lan.
Lúc này, ông Dũng thành lập DH Foods với ước mơ gia vị đặc sản Việt sạch, không màu tổng hợp, không chất bảo quản nhân tạo. Hiện DH Foods xây dựng thành công thương hiệu gia vị đặc sản sạch, góp phần mang gia vị Việt ra thế giới.
Theo ông Lê Đình Lực, CEO hệ thống tiếng Anh tư duy DOL English cho biết startup của ông có hai điểm mạnh nổi trội gồm hệ thống siêu công nghệ DOL SuperLMS và phương pháp tiếng Anh tư duy Linearthinking (được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận năm 2019).
Xuất thân là cựu học sinh chuyên Toán Trường phổ thông Năng khiếu (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh), Đình Lực từng nghiên cứu về phương pháp trên từ lớp 10 để giải quyết “bài toán” học dở tiếng Anh của chính mình.
Về cơ bản, phương pháp Linearthinking của Đình Lực kết hợp giữa 3 yếu tố là nghiên cứu sự ảnh hưởng của ngôn ngữ thứ nhất lên ngôn ngữ thứ 2, ở đây là việc học tiếng Việt lên việc học tiếng Anh. Hai yếu tố còn lại là áp dụng kỹ thuật siêu trí nhớ và tư duy logic Toán học để luyện tiếng Anh.
Sức mạnh của tiếng Anh không chỉ là ngôn ngữ mà còn là chìa khóa mở ra toàn cầu, khơi đậy đam mê, khát khao chinh phục giúp tiến xa hơn trong hành trình khởi nghiệp. Khởi nghiệp cần có một quá trình chứ không phải phong trào. Vì vậy, cần phải có ý chí và nghị lực để lỡ có "lên bờ xuống ruộng" vẫn đứng lên được, ông Lê Đình Lực khẳng định.
Ông Lê Đình lực cho rằng, để sẵn sàng thâm nhập thị trường toàn cầu, các startup Việt trong lĩnh vực công nghệ giáo dục cần chuẩn bị những lợi thế cạnh tranh thiết yếu. Đầu tiên là lợi thế về sản phẩm. Trong giáo dục, sự thành công của sản phẩm được quyết định bởi hiệu quả học tập của người dùng. Vì vậy, các startup công nghệ giáo dục cần đầu tư sâu vào nội dung, xây dựng phương pháp giảng dạy độc đáo và hiệu quả. Đồng thời, họ cần đội ngũ giáo viên đủ chuyên môn để truyền tải các phương pháp này một cách tối ưu.