Đề nghị mở rộng phạm vi giảm thuế thu nhập 30% cho toàn bộ khu vực DNNVV

Đại biểu VŨ TIẾN LỘC (đoàn Thái Bình) 17/06/2020 03:00

Đại biểu VŨ TIẾN LỘC (đoàn Thái Bình) đã có ý kiến như vậy trong phiên thảo luận về vấn đề giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp.

Diễn đàn Doanh nghiệp trân trọng giới thiệu nội dung bài phát biểu của đại biểu VŨ TIẾN LỘC (đoàn Thái Bình).

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình)

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình)

"Về cơ bản, tôi nhất trí với Tờ trình của Chính phủ, nhưng tôi cũng chia sẻ với ý kiến góp ý của nhiều vị đại biểu Quốc hội. Tôi đề nghị Quốc hội mở rộng phạm vi giảm thuế thu nhập 30% cho toàn bộ khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Trong điều kiện đại bộ phận doanh nghiệp kinh doanh không có lãi thì số doanh nghiệp có phát sinh thuế thu nhập doanh nghiệp không nhiều. Trong điều kiện bình thường của những năm trước đây, chỉ chưa đầy 40% doanh nghiệp của chúng ta kinh doanh có lãi, trong điều kiện của đại dịch chắc chắn tỷ lệ này còn thấp hơn nhiều. Tôi đồ rằng, chắc nhiều lắm cũng chỉ 20% doanh nghiệp nhỏ và vừa được hưởng lợi từ nghị quyết này.

Chúng ta vẫn nói là doanh doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 97% tổng số doanh nghiệp trong nền kinh tế nhưng thực sự chỉ 20% số này có thể được hưởng lợi, như vậy sẽ không nhiều.

Định nghĩa doanh nghiệp vừa và nhỏ đã rất rõ trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ nên đừng đẻ thêm các khái niệm mới như doanh nghiệp quy mô nhỏ rồi đòi hỏi phải hội đủ cả hai tiêu chí cả doanh số và lao động mới được thụ hưởng chính sách, như vậy là không đúng với tinh thần của luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Chúng ta cũng cần nâng niu các doanh nghiệp đang trụ vững và làm ăn có lãi hiện nay. Trong điều kiện kinh tế khó khăn thường bao giờ các nước cũng phải thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

Chúng ta cần hiểu, hỗ trợ doanh nghiệp không phải hỗ trợ các doanh nhân. Hỗ trợ doanh nghiệp là hỗ trợ nền kinh tế, là giải quyết vấn đề an sinh và sinh kế của người dân. Nếu mà xác định như vậy chúng ta sẽ quan tâm hơn và sẽ dành nhiều nguồn lực hơn cho doanh nghiệp.

Khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa là khu vực sử dụng nhiều lao động có ý nghĩa lớn với an sinh, nhưng cũng là khu vực rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương, dễ đóng cửa nhưng cũng nhanh khôi phục. Cho nên để phục hồi kinh tế thì kích thích vào khu vực này là một hướng đi hiệu quả.

Tôi cũng xin nói thêm một điều, lần này Quốc hội thông qua Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác, chúng ta tập trung vào hỗ trợ đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ, tức là chúng ta hỗ trợ theo quy mô. Nhưng còn một việc hỗ trợ nữa cũng rất quan trọng không kém gì việc hỗ trợ theo quy mô là hỗ trợ các ngành và lĩnh vực có tiềm năng đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch.

Bộ Chính trị cũng đã quyết định chủ trương này. Đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực này thì bất kể doanh nghiệp lớn hay nhỏ và vừa đều cần phải được hỗ trợ. Các doanh nghiệp lớn, các dự án trọng điểm, những lĩnh vực cốt lõi của nền kinh cũng cần được bảo vệ và hỗ trợ vì đó là các doanh nghiệp và dự án động lực có sức lan tỏa, tạo ra các chuỗi liên kết doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo ra ngàn vạn việc làm, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách. Đây cũng là nơi sản sinh ra các Thương hiệu Việt, cầu nối của nền kinh tế Việt Nam với nền kinh tế toàn cầu.

Khi thúc đẩy phát triển lĩnh vực này sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong tương lai và sẽ giúp bảo vệ chủ quyền của nền kinh tế Việt Nam. Bởi vì, rất nhiều các doanh nghiệp lớn, các lĩnh vực kinh tế trọng điểm, các dự án lớn tiềm năng, gặp khó khăn tạm thời, đang đứng trước nguy cơ rình rập của tình trạng bị thâu tóm.

Việc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay không chỉ có sự chính danh mà còn có cả tình trạng núp bóng: Tiền từ nước ngoài qua người Việt Nam, qua doanh nghiệp Việt để thâu tóm các doanh nghiệp tiềm năng, các dự án tiềm năng, các lĩnh vực kinh tế cốt lõi của đất nước ta.

Nhiều dự án và lĩnh vực kinh doanh cốt lõi đó đang nằm trong tay các doanh nghiệp lớn của chúng ta, các doanh nghiệp lớn của khu vực tư nhân của chúng ta. Nếu chúng ta không giải cứu cho họ, chúng ta không hỗ trợ cho họ thì trong tương lai nền kinh tế của chúng ta, khu vực doanh nghiệp tư nhân, động lực chính của nền kinh tế của chúng ta còn nắm được những lĩnh vực kinh tế trọng yếu hay không hay là sẽ thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài.

Đây là vấn đế liên quan đến an ninh kinh tế, an ninh chính trị, vấn đề tự chủ, vấn đề phát triển bền vững của đất nước. Tôi cho rằng, chúng ta phải ngay lập tức cùng với việc ban hành nghị quyết giảm thuế và các biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thì phải có ngay kế hoạch tiếp sức cho các doanh nghiệp lớn.

Ở đây cần có sự phối hợp cộng hưởng giữa bộ KHĐT với Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan có liên quan để xây dựng một phương án hỗ trợ cho các ngành kinh tế trọng điểm, có tiềm năng và đang gặp khó khăn như du lịch, hàng không...

Về thuế, chúng ta cũng tính xem những gì có thể giảm được cho họ. Nhưng quan trọng nhất là giãn, hoãn các khoản phải nộp, phải trả của họ và đặc biệt là tích hợp được các nguồn lực tài khoá với tiền tệ để chúng ta có thể đưa ra những gói hỗ trợ tín dụng trung và dài hạn cho phục hồi và phát triển các lĩnh vực này.

Đây là điều vô cùng bức thiết, nếu chúng ta muốn vực dậy được ngành hàng không, ngành du lịch và các dự án trọng điểm, các ngành kinh tế cốt lõi của chúng ta.

Hôm nay Quốc hội thảo luận để ra nghị quyết giảm thuế để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, một mũi hỗ trợ kinh tế quan trọng, nhưng một mũi hỗ trợ khác cũng cần được thúc đẩy, đó là hỗ trợ cho những ngành kinh tế trọng điểm đang gặp khó khăn và có tiềm năng. Triển khai song hành hai mũi giáp công này, tôi nghĩ là chúng ta sẽ tiếp sức có hiệu quả cho cộng đồng doanh nghiệp, cho nền kinh tế phát triển.

Tôi cũng xin nói thêm rằng bất cứ khoản chi hợp lý nào của ngân sách cho doanh nghiệp cũng mang ý nghĩa là đầu tư, nuôi dưỡng nguồn thu. Chúng ta thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp từ đó sẽ tạo ra nguồn thu cho nhà nước nhiều hơn. Chi cho doanh nghiệp không phải là nhà nước mất đi mà chi cho doanh nghiệp là nuôi dưỡng nguồn thu, tạo nguồn thu lớn hơn trong tương lai cho ngân sách.

Nếu với cách tiếp cận như vậy thì chúng ta có thể làm được nhiều hơn để hỗ trợ cho doanh nghiệp. Chúng ta đã thành công trong trong cắt giảm nợ công trong những năm kinh tế phát triển thuận lợi, bây giờ là lúc chúng ta có thể sử dụng dư địa đó để thực hiện chính sách tài khóa ngược chu kỳ - tăng nợ công hỗ trợ phục hồi nền kinh tế". 

Có thể bạn quan tâm

  • Đề xuất giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp: Băn khoăn tiêu chí đối tượng thụ hưởng

    10:50, 16/06/2020

  • Giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp: Bao nhiêu doanh nghiệp sẽ có lãi để hưởng?

    15:15, 13/06/2020

  • Đề xuất giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp: Băn khoăn tiêu chí doanh nghiệp dưới 100 lao động

    05:30, 12/06/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đề nghị mở rộng phạm vi giảm thuế thu nhập 30% cho toàn bộ khu vực DNNVV
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO