Đề xuất giảm thuế được kỳ vọng sẽ hỗ trợ tích cực cho nhóm doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, nhưng chuyên gia cũng cho rằng cần giám sát chặt chẽ, tránh tình trạng doanh nghiệp cứ nhỏ mãi để lách luật…
>>Kéo dài giảm thuế VAT 2% để hỗ trợ doanh nghiệp
Theo đó, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến xây dựng Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) để trình Quốc hội xem xét và cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025). Điểm đáng chú ý tại Dự thảo Luật là dự kiến giảm thuế TNDN cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ từ 20% xuống 15% - 17%.
Trước đề xuất này, nhiều ý kiến cho biết mức thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam là 20% đang ở mức trung bình trong khu vực ASEAN. Cùng với việc giãn, hoãn nộp các loại thuế, thì việc giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ nên được triển khai để khuyến khích số lượng doanh nghiệp mới thành lập nhiều hơn. Các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cũng đang rất kỳ vọng được áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi riêng để duy trì, mở rộng sản xuất. Bên cạnh đó, hỗ trợ về thuế thu nhập doanh nghiệp cũng là nhu cầu cấp thiết của doanh nghiệp khởi nghiệp, bởi lúc này các doanh nghiệp đang trong giai đoạn kiện toàn hệ thống sản xuất và tìm kiếm thị trường.
Thông tin từ Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế và xã hội cho thấy, doanh nghiệp có mức doanh thu đến 3 tỷ đồng/năm chiếm tỷ lệ rất lớn. Các doanh nghiệp khá năng động trong các hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần cải thiện kinh tế địa phương. Việc giảm thuế cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả tốt.
Tuy nhiên, để đảm bảo thực thi chính sách hiệu quả, công bằng và minh bạch, một số ý kiến cho rằng cần lưu ý đến việc xây dựng và thực thi các chính sách để hạn chế tình trạng cá nhân đăng ký thành lập nhiều doanh nghiệp thông qua các mối quan hệ để phân tán doanh thu của doanh nghiệp, từ đó giảm mức thuế phải nộp.
>>Cân nhắc giảm thuế VAT 2% cho tất cả các loại hàng hoá, dịch vụ
Chia sẻ với báo chí về nội dung này, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, chủ trương giảm thuế TNDN cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ là rất tích cực, song các quy định thực thi cần hết sức rõ ràng, minh bạch, thuận lợi cho doanh nghiệp và tăng chất lượng giám sát.
Đồng thời, ông Nam cũng cho rằng, bên cạnh việc giảm thuế, cần có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ tiếp cận các điều kiện kinh doanh thuận lợi hơn (như mặt bằng sản xuất kinh doanh, hỗ trợ vốn để thực hiện chuyển đổi số…), tạo môi trường nuôi dưỡng doanh nghiệp nhỏ, hướng tới mục tiêu lớn lên đóng góp lại cho ngân sách nhà nước, chứ không chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, việc giảm thuế suất từ 20% xuống mức 15% - 17% là một bước giảm đáng kể, góp phần khuyến khích các doanh nghiệp để dành được một phần lợi nhuận, tái đầu tư hoặc mở rộng sản xuất.
Tuy nhiên, việc đề xuất áp dụng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp có quy mô nhỏ cần phải dựa trên nguyên tắc: hỗ trợ đúng, trúng đối tượng để đạt được lợi ích kinh tế, xã hội cao nhất, tránh dàn trải, làm giảm hiệu quả chính sách, nhất là trong bối cảnh việc cơ cấu lại ngân sách nhà nước nhằm đảm bảo bền vững tài khóa Việt Nam tiếp tục được đặt ra.
“Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng đã có các tiêu chí cụ thể để xác định doanh nghiệp nhỏ. Do đó, cần thực thi tốt các quy định này”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.
Có thể bạn quan tâm
Cân nhắc giảm thuế VAT 2% cho tất cả các loại hàng hoá, dịch vụ
03:00, 24/05/2024
Kéo dài giảm thuế VAT 2% để hỗ trợ doanh nghiệp
04:00, 16/04/2024
Cân nhắc giảm thuế giá trị gia tăng cho tất cả các loại hàng hoá, dịch vụ
17:53, 26/10/2023
Nên mở rộng đối tượng và kéo dài thời gian thực hiện chính sách giảm thuế VAT
04:00, 16/10/2023
Tiếp tục giảm thuế VAT - Động lực để doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh
04:00, 07/10/2023
Dự thảo Nghị định giảm thuế VAT 2%: Cân nhắc việc bổ sung quy định hướng dẫn
03:30, 24/06/2023