Chính trị

Đề nghị sửa đổi, bổ sung 2 nhóm nội dung trọng tâm của Hiến pháp năm 2013

Gia Nguyễn 05/05/2025 14:28

Chia sẻ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, UBTVQH đã đề nghị sửa đổi, bổ sung 02 nhóm nội dung trọng tâm.

Theo đó, tiếp tục phiên họp sáng 05/5, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã nghe trình bày về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

sua-doi-bo-sung-hien-phap-5.5.1.jpg
Tại phiên hộp sáng 05/5, Quốc hội nghe trình bày về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 - Ảnh: Media Quốc hội

Thông tin về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, sau hơn 11 năm triển khai thi hành, các quy định của Hiến pháp năm 2013 đã tạo cơ sở hiến định quan trọng cho việc kiện toàn tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên của Mặt trận tiếp tục khẳng định vai trò của mình trong việc phát huy dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.

Tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương không ngừng đổi mới, hoàn thiện, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn phát triển đất nước và yêu cầu hội nhập quốc tế, tăng cường sự tham gia của người dân và cộng đồng vào quản trị địa phương; hoạt động của bộ máy hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn và góp phần bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện các quy định của Hiến pháp và pháp luật liên quan đến Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền địa phương vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển đất nước…

“Trước bối cảnh nêu trên, Đảng ta đã chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị bảo đảm yêu cầu tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Nghị quyết số 60-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ngày 12/4/2025 đã thống nhất định hướng xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp, sắp xếp các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trong thời điểm hiện nay là hết sức cần thiết, tạo cơ sở hiến định cho việc thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, xây dựng, hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc”, Phó Chủ tịch Nguyễn Khắc Định chia sẻ.

sua-doi-bo-sung-hien-phap-5.5.2.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 - Ảnh: Media Quốc hội

Đồng thời cho hay, mục đích, yêu cầu của việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; tạo cơ sở hiến định cho việc sắp xếp cơ quan của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp theo hướng gần dân, sát dân, phục vụ Nhân dân tốt hơn.

Bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng; nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp phải căn cứ vào chủ trương, định hướng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật…

Đặc biệt, về định hướng nội dung sửa đổi, bổ sung, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chia sẻ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 với trọng tâm là 02 nhóm nội dung:

Thứ nhất, các quy định liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội.

Thứ hai, các quy định tại Chương IX để thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp; đồng thời, có quy định chuyển tiếp để bảo đảm chính quyền địa phương hoạt động thông suốt, không gián đoạn, phù hợp với lộ trình thực hiện sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, không tổ chức cấp huyện.

“Do định hướng phạm vi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này mang tính giới hạn, dự kiến chỉ liên quan đến khoảng 08/120 điều của Hiến pháp năm 2013 nên đề nghị Quốc hội xác định hình thức văn bản để sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp lần này là Nghị quyết của Quốc hội”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chia sẻ.

Bên cạnh đó, về việc thành lập Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, căn cứ vào phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, UBTVQH dự kiến Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 gồm 15 thành viên do đồng chí Chủ tịch Quốc hội làm Chủ tịch với thành phần gồm đại diện lãnh đạo các cơ quan, tổ chức ở trung ương.

Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 có nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng hồ sơ dự án Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 để trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến; xác định nội dung và ban hành kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; tổ chức nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến đóng góp của Nhân dân, các ngành, các cấp, ý kiến của đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 và trình Quốc hội xem xét, thông qua ngay tại Kỳ họp thứ 9 này.

Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 được sử dụng con dấu của Quốc hội, có cơ quan thường trực là Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội và được bảo đảm các điều kiện cần thiết để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, để bảo đảm hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp trước ngày 30/6/2025 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025 theo yêu cầu tại Nghị quyết số 60-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trong thời gian tới, UBTVQH, Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, Chính phủ và các cơ quan liên quan dự kiến sẽ chủ động thực hiện theo thẩm quyền hoặc tham gia phối hợp thực hiện một số công việc như:

Ngay sau khi Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 sẽ xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 và tiến hành công bố lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết, đồng thời trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến lần đầu về Dự thảo Nghị quyết.

Trên cơ sở ý kiến góp ý của Nhân dân, các ngành, các cấp và ý kiến thảo luận của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và các cơ quan, tổ chức liên quan sẽ tổ chức nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết và trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến lần 2 đối với Dự thảo Nghị quyết.

Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, trình Quốc hội thông qua trước ngày 30/6/2025.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đề nghị sửa đổi, bổ sung 2 nhóm nội dung trọng tâm của Hiến pháp năm 2013
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO