Thiếu cơ chế cần thiết đảm bảo niềm tin khi nhà đầu tư nước ngoài phải bỏ ra một lượng vốn “khủng” và các dự án có thời gian hoàn vốn lên tới cả chục năm.
Theo các nhà đầu tư nước ngoài đây chính là một trong những rào cản khiến doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang “đứng ngoài” các dự án đầu tư theo hình thức công tư (PPP) tại Việt Nam.
Nhà đầu tư vẫn… chờ
Được biết, đang có một lượng lớn các nhà đầu tư nước ngoài “chờ” hợp tác để cùng triển khai các dự án PPP. Tuy nhiên, họ cho rằng, các rủi ro ngoài tầm kiểm soát có thể xảy ra trong quá trình thực hiện các dự án yêu cầu nguồn vốn đầu tư lớn và thời gian hoàn vốn lên tới hàng chục năm, trong khi quy định hiện hành lại thiếu những cơ chế bảo lãnh cần thiết, chính vì vậy, nhà đầu tư nước ngoài chưa “mặn mà” với các dự án PPP. Điều này cũng lý giải phần nào lý do vì sao các dự án PPP chưa thu hút được một lượng lớn các nhà đầu tư tư nhân.
Điểm lại các cơ chế hiện hành khuyến khích hoạt động đầu tư theo hình thức PPP phải kể đến Quyết định 71/2010/QĐ-TTg được ban hành thể hiện định hướng, quyết tâm của Chính phủ trong thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực kết cấu hạ tầng theo hình thức PPP, và Nghị định 15/2015/NĐ-CP, và sắp tới đó chính là Nghị định 63/2018/NĐ-CP sẽ có hiệu lực vào ngày 19/6 tới đây.
Tuy nhiên, những cơ chế này dường như là chưa đủ và điều này đã được chứng minh trong kinh nghiệm của Bộ GTVT. Còn nhớ, hồi cuối năm ngoái, khi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phát hành hồ sơ mời sơ tuyển dự án thành phần 1B đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch không có các bảo lãnh của Chính phủ liên quan đến một số rủi ro lớn của dự án PPP. Tuy nhiên, kết quả là không có nhà đầu tư nào tham gia với lý do quá nhiều rủi ro và cơ chế chưa phù hợp với thông lệ quốc tế.
Có thể bạn quan tâm
02:31, 11/06/2018
04:35, 10/06/2018
11:33, 09/06/2018
06:43, 09/06/2018
Cụ thể, bên cạnh việc, các nhà đầu tư đều cho rằng quan ngại về quy định pháp luật, chính sách của Việt Nam thay đổi nhiều, mức tín nhiệm quốc gia chưa cao, hoạt động giải phóng mặt bằng phức tạp, không kiểm soát được giá thành và tiến độ. Xuất phát từ những rủi ro này, doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài đã kiến nghị Chính phủ Việt Nam thực hiện áp dụng một số cơ chế chia sẻ rủi ro. Trong đó, các rủi ro mà theo nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài cần phải có bảo lãnh của Chính phủ hoặc bên thứ 2 về rủi ro doanh thu, khả năng chuyển đổi ngoại tệ, và rủi ro thực hiện trách nhiệm của Chính phủ.
“Lôi kéo” nhà đầu tư bằng cách nào?
Trước thông tin này, một số chuyên gia cho rằng, nếu cấp bảo lãnh không thận trọng có thể tác động đến nợ công trong ngắn hạn. Tuy nhiên, nếu lựa chọn đùng dự án, khi dự án đi vào vận hành, khai thác sẽ có tác động tích cực về tăng trưởng kinh tế và góp phần giảm nợ công.
Điểm nhấn quan trọng ở đây là, lựa chọn được dự án thí điểm khả thi và xem xét mức độ bảo lãnh rủi ro như thế nào giữa Chính phủ và nhà đầu tư.
Theo kinh nghiệm quốc tế và trong khu vực, các quốc gia, nền kinh tế ở giai đoạn phát triển giống như Việt Nam đều áp dụng cơ chế bảo lãnh của Chính phủ để thu hút vốn tư nhân. Trong đó phải kể đến Hàn Quốc. Được biết, từ năm 1999, Hàn Quốc đã bắt đầu áp dugj cơ chế bảo lãnh doanh thu tối thiểu cho dự án Nhà nước đề xuất, khoảng 90% doanh thu và dự án do nhà đầu tư đề xuất sẽ rơi vào khoảng 80% doanh thu. Theo đó, Chính phủ Hàn Quốc sẽ áp dụng cơ chế bảo lãnh này cho toàn bộ thời gian vận hành dự án.
Chính vì vậy, việc áp dụng một cơ chế chia sẻ rủi ro phù hợp giữa các bên là yếu tố quan trọng quyết định mức độ hấp dẫn của dự án đầu tư theo hình thức PPP, cũng như sự thành công hay thất bại của triển khai hợp đồng PPP.
Ngoài Hàn Quốc, cũng phải kể đến Tây Ban Nha hay Chile… những quốc gia đã sớm thực hiện khuyến khích đầu tư tư nhân vào PPP vào việc thực hiện bảo lãnh Chính phủ. Tuy nhiên, tuỳ từng giai đoạn phát triển khác nhau mà có những hình thức bảo lãnh về doanh thu khác nhau, thậm chí đến giai đoạn “đủ chín”, hoạt động bảo lãnh này sẽ tự triệt tiêu.
Tuy nhiên, như vị chuyên gia đã có lưu ý rằng, hoạt động bảo lãnh có thể ảnh hưởng tới nợ công, trong khi nguôn ngân sách còn hạn chế, mỗi bước đi đều phải thận trọng dựa trên mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, năng lực tài chính, quản lý và môi trường đầu tư, để áp dụng công cụ bảo lãnh phù hợp với thực tiễn Việt Nam.