Cần ban hành thêm các cơ chế chính sách để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, đồng thời làm sao để “biến nông dân thành doanh nhân”.
Liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân phải là hoạt động kinh tế chứ không phải là nơi tiêu thụ “đầu vào – đầu ra”.
Là ngành hàng “bệ đỡ”, chiếm hơn 70% tổng số xuất siêu của cả nước năm 2024, sang năm 2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính “đặt hàng” ngành nông nghiệp xuất khẩu 70 tỷ USD với 9 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có khuyến khích doanh nghiệp tham gia hợp tác, hỗ trợ, liên kết chặt chẽ với nông dân để bảo đảm đầu vào, đầu ra cho sản xuất, đẩy mạnh liên kết vùng, đa dạng hóa sản phẩm, thị trường, chuỗi cung ứng.
Theo đó, Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu, tăng cường liên kết 5 nhà: Nhà nông - Nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà băng - nhà khoa học; tham gia hiệu quả vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị nông nghiệp toàn cầu.
Tuy nhiên, trên thực tế về vấn đề liên kết này vẫn chưa được hiệu quả. Nói như “vua chuối” Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An: “Nhiều lần chúng ta đề cập vấn đề này nhưng tính pháp lý mang hơi hướng “bênh” nông dân nên vẫn chưa tạo được động lực gắn kết về phía doanh nghiệp, dẫn đến câu chuyện thừa - thiếu ở vùng nguyên liệu vẫn xảy ra thường xuyên”.
Do đó, từ góc độ doanh nghiệp, Chủ tịch Tập đoàn Thaibinh Seed Trần Mạnh Báo, người đã 60 năm đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp cho rằng, cơ chế chính sách chưa khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. “Chúng ta có Nghị định 210 năm 2013, sau đó, Nghị định 57 năm 2018, tuy nhiên, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn rất hạn chế”, ông Trần Mạnh Báo nêu kiến nghị.
Đồng thời cho rằng, để xây dựng một dự án chế biến nông sản thì phải mất rất nhiều thời gian, công sức thủ tục, công đoạn thì mới khởi công được dự án. Do đó, đề nghị thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ cần ban hành thêm các cơ chế chính sách để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, liên kết phải chặt chẽ, vai trò của KTTT, HTX phải hoạt động kinh tế chứ không phải là nơi tiêu thụ “đầu vào – đầu ra”, Chủ tịch Tập đoàn Thaibinh Seed nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) thậm chí còn cho rằng, cần có chiến lược xây dựng mô hình các tập đoàn, doanh nghiệp lớn về khai thác biển để hợp tác khai thác với các quốc gia có biển, không chỉ mở rộng phạm vi hoạt động mà còn tạo động lực mới cho ngư dân khai thác biển, cho nguồn nguyên liệu dồi dào bền vững hơn.
Trong khi đó, khẳng định “đi cùng nhau, chúng ta sẽ đi được xa hơn”, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT) kiến nghị, cần quan tâm đến công nghệ chế biến sau thu hoạch, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực tuân thủ của doanh nghiệp, phát triển cụm liên kết – sản xuất – chế biến và tiêu thụ nông sản.
Bên cạnh đó, các ý kiến cũng cho rằng cần sớm xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về các mặt hàng nông nghiệp chủ lực, có chính sách hỗ trợ đối với từng mặt hàng xuất khẩu tiềm năng đó để hỗ trợ các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng tiếp cận với từng thị trường, xây dựng các chương trình xúc tiến thương mại phù hợp.
Khơi thông nguồn lực – tăng tốc bứt phá
Khẳng định cam kết đồng hành, hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhận định, năm 2025 sẽ là chương mới mở ra với chủ đề của ngành là “thích ứng linh hoạt - khơi thông nguồn lực - tăng tốc bứt phá” - như gợi mở của Thủ tướng Chính phủ, không chỉ là thông điệp hành động, mà còn là quyết tâm mạnh mẽ của toàn ngành.
Trong đó, “thích ứng linh hoạt” là cách thức để vượt qua khó khăn và tận dụng các cơ hội mới. “Khơi thông nguồn lực”, cả nguồn lực bên trong và bên ngoài, là động lực tăng trưởng, phát triển bền vững. “Tăng tốc bứt phá” là hướng đến mục tiêu vươn xa, từng bước khẳng định vị thế sản phẩm nông nghiệp quốc gia.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định, giá trị xanh, bền vững không còn là xu hướng. Giảm phát thải, tối ưu hóa quy trình sản xuất, hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường… không còn là khẩu hiệu, hay khuyến nghị cho tương lai, mà đã hiện diện trong mọi hoạt động của đời sống hàng ngày.
Để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư theo yêu cầu xanh và bền vững này, “vua chuối” Võ Quan Huy kiến nghị, cần những gói tín dụng cho nông nghiệp xanh do Ngân hàng Nhà nước đưa ra đủ mạnh và cụ thể đi vào sản xuất để doanh nghiệp có thể tiếp cận, để nông nghiệp Việt Nam sẽ luôn vững bước, mang lại chất lượng sống tốt hơn cho bà con nông dân, cho cộng đồng dân cư nông thôn, doanh nghiệp, đóng góp vào sự thịnh vượng của đất nước.