Để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp bền vững, các cấu phần tham gia thị trường đều cần nhiều nỗ lực.
Thực tế cho thấy, sau thời kỳ trầm lắng, một số sai phạm trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, với nỗ lực chỉ tạo từ Chính phủ, bộ, ngành, cơ quan quản lý Nhà nước, thị trường trái phiếu đã đi vào hoạt động ổn định. Theo Công ty Cổ phần Xếp hạng Tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating), thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc trong những năm gần đây. Sau giai đoạn suy thoái kéo dài từ năm 2022, thị trường này đang dần hồi phục và có tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Đặc biệt Nghị định 08/2023 sửa đổi, ngưng hiệu lực một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, đã giúp nhiều doanh nghiệp tái cơ cấu nợ và kéo dài thời gian đáo hạn, giúp họ tránh được tình trạng chậm trả nợ. Kể từ tháng 3/2023, hơn 200 trái phiếu đã được gia hạn thời gian đáo hạn, với phần lớn kéo dài thêm 22 tháng. Trong 8 tháng đầu năm 2024, lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp mới đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023, đạt mức 298 nghìn tỷ đồng. Động lực chính của sự gia tăng này đến từ các ngành ngân hàng và bất động sản. Đặc biệt, các ngân hàng đã phát hành một lượng lớn trái phiếu để tăng vốn cấp 2, tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững của họ trong dài hạn.
Mặc dù thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức, nhưng các chuyên gia kinh tế cho biết, sự kỳ vọng vào một tương lai bền vững và minh bạch là hoàn toàn có cơ sở. Cải cách luật pháp, tăng cường vai trò của các tổ chức trung gian và phát triển các công cụ quản lý rủi ro như đường cong lãi suất, xếp hạng tín nhiệm sẽ là những bước đi cần thiết để củng cố niềm tin của nhà đầu tư và đảm bảo tính ổn định của thị trường. Những chính sách mới, luật mới có hiệu lực trong thời gian gần đây nhằm tăng tính minh bạch của thị trường và bảo vệ nhà đầu tư, hướng tới sự phát triển bền vững. Điển hình, Luật Chứng khoán (sửa đổi) tạo ra hành lang pháp lý chặt chẽ hơn, giúp tăng cường tính minh bạch và bảo vệ nhà đầu tư, tạo nền tảng vững chắc cho sự phục hồi bền vững của thị trường trái phiếu năm 2025.
Cùng với đó, việc khuyến khích sự tham gia của các quỹ đầu tư và nhà đầu tư tổ chức, cải thiện tính thanh khoản và khả năng tiếp cận vốn sẽ giúp thị trường trái phiếu trở thành một kênh huy động vốn hiệu quả hơn cho các doanh nghiệp. Các chuyên gia đều kỳ vọng rằng, với những nỗ lực hiện tại, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam sẽ không chỉ phục hồi mà còn phát triển theo hướng bền vững và an toàn hơn trong những năm tới.
Bàn về giải pháp cho sự phát triển bền vững của thị trường, VIS Rating cho rằng trước hết cần tăng cường sự hiện diện của nhà đầu tư tổ chức. Sự tham gia nhiều hơn của các nhà đầu tư tổ chức là chìa khóa cho sự phát triển bền vững của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Chính phủ và các cơ quan quản lý cần đưa ra các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để các quỹ bảo hiểm, quỹ hưu trí và quỹ đầu tư tham gia nhiều hơn vào thị trường. Bên cạnh đó, cần có biện pháp giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư này, thông qua việc áp dụng các quy định chặt chẽ về công bố thông tin và quản lý rủi ro.
Một trong những giải pháp khác được đề xuất là giới hạn trái phiếu chào bán riêng lẻ chỉ dành cho các nhà đầu tư tổ chức và nên sử dụng xếp hạng tín nhiệm để đánh giá rủi ro, bởi xếp hạng tín nhiệm là công cụ quan trọng giúp các nhà đầu tư đánh giá mức độ rủi ro của các doanh nghiệp phát hành trái phiếu.
Một trong những yếu tố quan trọng khác giúp phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp chính là sự minh bạch trong công bố thông tin. Các doanh nghiệp phát hành cần cung cấp đầy đủ và chính xác các thông tin liên quan đến tình hình tài chính, hoạt động kinh doanh và khả năng trả nợ. Các quy định pháp lý cần được áp dụng nghiêm ngặt để đảm bảo rằng các nhà đầu tư có đủ thông tin để đưa ra quyết định đầu tư hợp lý.
Đồng quan điểm, ông Hoàng Văn Thu, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước lưu ý để phát triển thị trường trái phiếu bền vững, các cấu phần tham gia thị trường đều cần nâng cao tính chuyên nghiệp.
Theo đó, cần minh bạch thông tin, có chiến lược huy động vốn, sử dụng vốn dài hạn; chú trọng đến quản trị doanh nghiệp; có phương án, hoạt động kinh doanh hiệu quả và có năng lực hấp thụ nguồn vốn; tăng cường các sản phẩm trái phiếu xanh trên thị trường. Đồng thời, cần nâng cao năng lực đánh giá doanh nghiệp, cẩn trọng khi đầu tư và tuân thủ quy định pháp luật về điều kiện được mua trái phiếu doanh nghiệp. Với kênh trái phiếu riêng lẻ, nhà đầu tư phải tự đánh giá, tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình và tự chịu các rủi ro phát sinh trong việc đầu tư và giao dịch trái phiếu...
“Về các tổ chức cung cấp dịch vụ thì cần phát triển, nâng cao chất lượng, trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp và năng lực quản trị của tổ chức tư vấn, tổ chức định mức tín nhiệm, tổ chức kiểm toán, thẩm định giá… trên thị trường”, ông Hoàng Văn Thu nhấn mạnh.