Để đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh tương xứng với chi phí, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà nước, bệnh viện và người dân.
Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, hiện tại đã có 15 bệnh viện được phê duyệt điều chỉnh giá khám chữa bệnh theo mức lương cơ sở mới. Giá khám chữa bệnh chỉ điều chỉnh yếu tố tiền lương từ mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng sang mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng.
Như vậy, trong hai năm qua, giá dịch vụ y tế liên tục được điều chỉnh. Ở lần tăng trước đó, vào tháng 11/2023, giá dịch vụ khám bệnh, giá thuê giường bệnh theo ngày, giá dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm bảo hiểm y tế tăng khoảng 10%. Lần này, với việc áp dụng mức lương cơ sở năm 2024, giá khám chữa bệnh dự kiến tăng 10%-20%.
Bộ Y tế thông tin cho biết, Quỹ Bảo hiểm y tế đủ khả năng cân đối và không ảnh hưởng nhiều đến người dân. Cụ thể, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người thuộc các nhóm hưởng chính sách an sinh xã hội không bị tác động do được bảo hiểm y tế thanh toán 100%; nhóm người có thẻ bảo hiểm y tế cũng không bị tác động nhiều, do phần đồng chi trả ở mức 5% hoặc 20% và thu nhập của họ cũng được tăng theo tiền lương cơ sở; riêng nhóm người chưa có thẻ bảo hiểm y tế (hiện chiếm khoảng 8% dân số) chỉ bị ảnh hưởng đến phần thanh toán theo giá dịch vụ.
Việc tăng viện phí tại các bệnh viện cũng là điều dễ hiểu, bởi ngân sách nhà nước dành cho y tế còn hạn chế, chưa đáp ứng đủ nhu cầu đầu tư của các bệnh viện. Việc quản lý, sử dụng nguồn vốn tại một số bệnh viện chưa hiệu quả, dẫn đến lãng phí và thiếu minh bạch. Điều này cũng đồng nghĩa với việc người bệnh phải chịu đựng những bất tiện do cơ sở vật chất xuống cấp và chất lượng dịch vụ chưa tốt.
Anh Nguyễn Hoài Nam (phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội) cho rằng, với mức tăng giá như hiện tại, phần chi phí mà người bệnh phải trả vẫn ở mức chấp nhận được, đặc biệt khi được hưởng bảo hiểm y tế. Mặc dù chấp nhận việc tăng giá, nhưng anh Nam cho cho rằng cần đảm bảo chất lượng dịch vụ tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại một số bệnh viện thường xuyên diễn ra, mặc dù các dịch vụ này được bảo hiểm y tế chi trả.
“Khi tăng phí khám chữa bệnh, điều quan trọng là phải đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế. Có nghĩa là người dân phải được hưởng đầy đủ các dịch vụ y tế mà họ đã đóng phí”. – anh Nam bày tỏ mong muốn.
Ý kiến của anh Nam phản ánh một phần quan điểm của người dân về vấn đề tăng giá dịch vụ y tế - chấp nhận việc tăng giá để nâng cao thu nhập cho nhân viên y tế, để người dân được hưởng các dịch vụ y tế tốt hơn, đặc biệt là khi đã tham gia bảo hiểm y tế.
Thực tế, nếu so sánh với các bệnh viện tư nhân, sẽ thấy có sự chênh lệch rất lớn về phí dịch vụ so với bệnh viện công.
Cụ thể, bệnh viện công thường phụ thuộc vào ngân sách nhà nước, có cơ chế quản lý hành chính. Do đó, nguồn vốn đầu tư thường hạn hẹp, quy trình thủ tục phức tạp, dẫn đến việc khó khăn trong việc nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị. Trong khi đó bệnh viện tư hoạt động theo cơ chế thị trường, có nhiều tự chủ hơn trong việc quyết định đầu tư. Nguồn thu chủ yếu từ phí dịch vụ, do đó họ có thể đầu tư mạnh mẽ hơn vào cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại và thu hút nhân tài.
Về mục tiêu hoạt động, bệnh viện công sẽ đảm bảo quyền lợi cho mọi người dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp. Còn bệnh viện tư tại tập trung vào chất lượng dịch vụ và lợi nhuận.
Tương tự về cơ cấu chi phí, bệnh viện công phải chi trả nhiều khoản chi phí khác ngoài chi phí khám chữa bệnh như lương nhân viên, bảo hiểm, duy trì cơ sở vật chất... Còn bệnh viện tư có thể cắt giảm một số khoản chi phí để giảm giá thành.
Những hệ quả từ sự chênh lệch này có thể thấy rất rõ. Tại bệnh viện công, cơ sở vật chất xuống cấp, trang thiết bị lạc hậu, dẫn đến chất lượng khám chữa bệnh không cao. Bệnh viện công cũng khó thu hút và giữ chân nhân tài do mức lương thấp và điều kiện làm việc không tốt. Trong khi đó, chất lượng dịch vụ tại bệnh viện tư tốt hơn, trang thiết bị hiện đại, đội ngũ y bác sĩ chuyên nghiệp. Đặc biệt, phí dịch vụ cao, không phải ai cũng có khả năng tiếp cận.
Một vài so sánh trên để thấy, chúng ta không nên có quan điểm,giá viện phí tăng sẽ ảnh hưởng đến người dân, bởi thực tế người dân sẵn sàng chi trả chi phí cao hơn để được hưởng dịch vụ y tế chất lượng tốt hơn tại các cơ sở y tế tư nhân. Tuy nhiên không phải ai cũng có đủ chi phí để được hưởng chất lượng tốt hơn tại bệnh viện tư nhân. Do đó, để đảm bảo quyền lợi của tất cả mọi người, cần có những giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng dịch vụ tại các bệnh viện công, giảm gánh nặng tài chính cho người dân và tạo ra một hệ thống y tế công bằng, hiệu quả.
Hiện nay, giá dịch vụ khám chữa bệnh mới tính hai yếu tố: chi phí trực tiếp (thuốc, hóa chất, vật tư y tế…) và tiền lương, chưa tính chi phí khác (bao gồm quản lý, duy tu, bảo dưỡng thiết bị y tế, tài sản cố định, đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ thông tin…) và khấu hao tài sản cố định.
Ý kiến chung từ đại diện nhiều bệnh viện cho thấy, việc tăng chi phí khám chữa bệnh lần này vẫn chỉ đáp ứng cơ bản kinh phí để trả lương cho cán bộ, viên chức bệnh viện. Trong khi đó, do nhiều yếu tố chi phí khác chưa được tính vào giá dịch vụ khám chữa bệnh, hầu hết các bệnh viện vẫn gặp khó khăn cân đối thu-chi, đặc biệt đối với các bệnh viện đã tự chủ chi thường xuyên.
Vậy, làm thế nào để đảm bảo việc tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh vừa đáp ứng được nhu cầu của các bệnh viện, vừa không gây gánh nặng cho người bệnh? Đây là một câu hỏi rất quan trọng và cần được giải quyết một cách toàn diện.
Hỏi cũng đã có câu trả lời mặc dù còn chưa đầy đủ. Theo đó, để đảm bảo việc tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh vừa đáp ứng được nhu cầu của các bệnh viện, vừa không gây gánh nặng cho người bệnh, cần phải kết hợp nhiều giải pháp khác nhau.
Đối với các bệnh viện, cần công khai, minh bạch các khoản chi phí để người dân và các cơ quan quản lý có thể giám sát và đánh giá. Tối ưu hóa các quy trình làm việc, giảm thiểu lãng phí, tăng cường sử dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả hoạt động.
Bên cạnh đó, ngoài nguồn thu từ dịch vụ khám chữa bệnh, các bệnh viện có thể tìm kiếm các nguồn thu khác như hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, dịch vụ y tế tư nhân. Và sử dụng nguồn kinh phí thu được để nâng cao chất lượng dịch vụ, trang bị thiết bị hiện đại, đào tạo nhân lực.
Đối với cơ quan quản lý, cần có một cơ chế định giá dịch vụ khám chữa bệnh khoa học, hợp lý, đảm bảo vừa đủ để các bệnh viện hoạt động hiệu quả, vừa không gây gánh nặng cho người dân.
Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ tài chính cho các bệnh viện, đặc biệt là các bệnh viện công, để đảm bảo họ có đủ nguồn lực hoạt động. Đồng thời, cần có cơ chế giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định về giá dịch vụ, đảm bảo không có tình trạng tăng giá tùy tiện.
Đối với người dân, nên tham gia bảo hiểm y tế để được hưởng các chính sách hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh. Cần so sánh chất lượng dịch vụ, chi phí của các cơ sở y tế để lựa chọn nơi khám chữa bệnh phù hợp. Kịp thời thông báo đến các cơ quan chức năng nếu phát hiện các trường hợp tăng giá dịch vụ không hợp lý hoặc chất lượng dịch vụ kém.
Việc tăng viện phí là một vấn đề nhạy cảm, đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo quyền lợi của người bệnh, khả năng chi trả của quỹ bảo hiểm y tế và sự phát triển bền vững của hệ thống y tế. Muốn vậy, các cơ sở y tế phải nâng cao chất lượng điều trị thông qua việc đầu tư tăng chất lượng nguồn nhân lực, tăng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, cải cách hành chính, ứng xử giao tiếp, cải tiến quy trình khám chữa bệnh để xứng đáng với sự tin tưởng của người dân.
Để giải quyết vấn đề này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, các bệnh viện và người dân. Mục tiêu cuối cùng là đảm bảo chất lượng dịch vụ y tế, nâng cao đời sống của nhân viên y tế và giảm gánh nặng cho người bệnh. Nếu làm được như vậy, việc tăng viện phí lần này sẽ trọn vẹn ý nghĩa.