Việc không áp dụng chính sách xã hội hóa để thực hiện dự án đầu tư khiến cho chính sách xã hội hóa khó đi vào cuộc sống.
Nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004-13/10/2024), 79 năm Bác Hồ gửi thư cho giới Công Thương, theo đề nghị của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp gỡ đại diện giới doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp.
Sự kiện có sự tham dự của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đặc biệt là 160 đại biểu là các doanh nhân, doanh nghiệp tiêu biểu, là sự kiện quan trọng và đặc biệt ý nghĩa thể hiện sự coi trọng, quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước và cá nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đối với sự nghiệp chăm lo, xây dựng và phát huy vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân nước nhà.
Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam cho biết, sau hơn 20 năm đổi mới và xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, hầu hết các ngành, các lĩnh vực đã xây dựng được cơ chế hoạt động phù hợp với nền kinh tế thị trường nên đã có những bước phát triển vượt bậc.
Tuy nhiên, đối với lĩnh vực y tế còn chậm đổi mới và lúng túng trong việc xây dựng cơ chế hoạt động để vừa phù hợp với nền kinh tế thị trường, vừa đảm bảo định hướng XHCN nhằm thực hiện mục tiêu an sinh, công bằng và tiến bộ xã hội. Nguyên nhân là do ngành y tế chúng ta đã có thời gian dài bao cấp, mọi người dân được KCB, được cấp thuốc không phải trả tiền nhưng ở mức dịch vụ thấp.
Ông Đệ nhấn mạnh, bước sang thời kỳ đổi mới, với sự phát triển nhanh chóng của khoa học kỹ thuật, trong đó có lĩnh vực y học, cùng với cơ cấu bệnh tật thay đổi, nhu cầu khám chữa bệnh với chất lượng ngày càng cao đã làm chi phí y tế gia tăng nhanh. Tất cả điều này dẫn đến việc Nhà nước không thể bao cấp được cho mọi đối tượng và mọi hoạt động của ngành y tế. Trước tình hình đó, trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp, ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi, giúp ngành y tế hoạt động và phát triển trong tình hình mới, trong đó nổi bật là Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành TƯ Đảng khóa XII, đã nhấn mạnh quan điểm, chủ trương của Đảng là: “Đẩy mạnh xã hội hoá, nhất là trong các ngành, lĩnh vực và địa bàn mà khu vực ngoài công lập làm được và làm tốt; huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển lành mạnh thị trường dịch vụ sự nghiệp công trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thực hiện công khai, minh bạch, không thương mại hoá. Bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa các đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập”.
Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam cho rằng, nhờ có chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo của Chính phủ, sự hỗ trợ các ban, bộ, ngành trung ương, nhất là Bộ Y tế, lĩnh vực y tế tư nhân đã đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần giảm gánh nặng ngân sách Nhà nước, cùng ngành y tế nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp tổng thể để hoàn thành chiến lược quốc gia về y tế.
Nếu như năm 2008 cả nước chỉ có 66 bệnh viện tư nhân thành lập thì tính đến 30/9/2024, cả nước đã có 372 bệnh viện tư nhân được cấp phép hoạt động, chiếm tỷ lệ 23,84% so với bệnh viện công lập. Đặc biệt, nhiều bệnh viện tư nhân đã được đầu tư nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng, tăng quy mô giường bệnh, áp dụng nhiều kỹ thuật cao, công nghệ mới trong điều trị. Nhiều kỹ thuật cao trước đây chỉ làm được ở các bệnh viện nước ngoài, bệnh viện tuyến cuối hay bệnh viện công lập thì nay đã được thực hiện thường quy ở nhiều bệnh viện tư nhân, tạo thuận lợi cho người dân được tiếp cận dịch vụ kỹ thuật cao ngay tại địa phương.
Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận của chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước về xã hội hóa, hiện tại công tác xã hội hóa vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc.
Cụ thể, ông Đệ cho biết, nhận thức về xã hội hoá lĩnh vực y tế trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN còn có nơi, có chỗ chưa thống nhất, đâu đó vẫn có xu hướng muốn tiếp tục được bao cấp, không muốn thực hiện xã hội hoá để huy động nguồn lực xã hội, dễ dẫn đến bao cấp tràn lan, vượt quá khả năng của ngân sách, ngành y tế chậm phát triển, chất lượng dịch vụ y tế không cao, khiến cho Chính phủ gặp khó khăn trong việc ban hành các chính sách mang tính đột phá để phát triển ngành y tế.
Bên cạnh đó, quy định pháp luật về đầu tư y tế tư nhân hiện nay vẫn chưa sát với định hướng chủ trương, chính sách của Đảng, còn chồng chéo, không nhất quán trong thực hiện chính sách thu hút đầu tư, chính sách sử dụng đất đai. Ví dụ, cùng chủ trương thu hút đầu tư dự án bệnh viện tư nhân nhưng mỗi địa phương hướng dẫn nhà đầu tư áp dụng quy định pháp luật theo cách khác nhau. Cụ thể, có nơi áp dụng các quy định pháp luật về chủ trương xã hội hóa theo chủ trương của Đảng và các nghị định của Chính phủ; có nơi hướng dẫn nhà đầu tư áp dụng Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu hoặc Luật PPP.
Về chính sách đất đai y tế, trước đây theo chủ trương xã hội hóa, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam cho biết, phần lớn các địa phương đều thực hiện lựa chọn nhà đầu tư dự án xây dựng bệnh viện tư nhân thông qua hình thức chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư, không phải thực hiện quy trình đấu thầu hay đấu giá đất để lựa chọn nhà đầu tư, đồng thời có chính sách miễn, giảm tiền thuê đất công bằng như bệnh viện công lập.
“Tuy nhiên hiện nay, các địa phương áp dụng quy định Luật Đấu thầu, Luật Đất đai để đấu giá, đấu thầu quyền sử dụng đất, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án bệnh viện tư nhân, không áp dụng chính sách xã hội hóa để thực hiện dự án đầu tư, khiến cho chính sách xã hội hóa khó đi vào cuộc sống, làm thay đổi ý nghĩa ưu việt mà chính sách xã hội hóa đem lại”, ông Đệ chia sẻ.
Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam cho biết hiện tại tỷ lệ giường bệnh tư nhân mới đạt khoảng 8%. Do vậy, để đạt mục tiêu Nghị quyết 20-NQ/TW đặt ra và đẩy mạnh công tác xã hội hóa y tế, ông Đệ kiến nghị, tổng kết thực tiễn, đánh giá kết quả thực hiện chính sách xã hội hóa theo đúng tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành TƯ Đảng đặt ra, đồng thời ban hành Chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiếp tục hoàn thiện thể chế để phát triển thị trường dịch vụ y tế; thúc đẩy sự phát triển hệ thống y tế tư nhân, xây dựng chiến lược phối hợp hỗ trợ giữa y tế công và tư; từ đó giúp cho Chính phủ có quyết tâm và đinh hướng hoạch định những cơ chế, chính sách đủ mạnh để bứt phá, phát triển ngành y tế trong thời gian tới theo hướng “công bằng, hiệu quả và phát triển”.
Đồng thời, kiến nghị Đảng tiếp tục quan tâm, chỉ đạo Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban, ngành TƯ và địa phương tiếp tục rà soát, hoàn thiện ban hành các chính sách khuyến khích xã hội hóa lĩnh vực y tế mang tính đồng bộ, trong đó đối với các dự án đầu tư bệnh viện tư nhân thống nhất chỉ nên áp dụng thực hiện theo chính sách xã hội hóa, thuộc đối tượng được Nhà nước thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, giao đất, cho thuê không thu tiền sử dụng đất; không phải thực hiện trình tự đấu giá, đấu thầu dự án, đảm bảo công bằng như dự án bệnh viện công lập.
“Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, giao trách nhiệm cho các địa phương chủ động lựa chọn, chỉ định nhà đầu tư có đủ năng lực, uy tín, trách nhiệm để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ sở y tế trên địa bàn, góp phần giảm gánh nặng ngân sách nhà nước, nâng số lượng bệnh viện và giường bệnh trong cả nước, tạo môi trường bình đẳng, không phân biệt trong đầu tư xây dựng cơ sở y tế công lập và tư nhân”- ông nhấn mạnh.