Mặc dù là đơn vị trực tiếp quản lý dự trữ quốc gia với các mặt hàng thiết yếu, dân sinh, thế nhưng, đề xuất chuyển mặt hàng xăng dầu sang Bộ Tài chính quản lý dự trữ, liệu có phù hợp?
>> Loay hoay chuyện xuất hoá đơn điện tử bán lẻ xăng dầu
Theo đó, Bộ Công Thương vừa có báo cáo về công tác dự trữ xăng dầu quốc gia gửi Chính phủ. Cụ thể, đơn vị này cho biết, lượng dự trữ xăng dầu quốc gia tới cuối 2020 là gần 371,25 triệu lít, kg (tăng gần 13,8 triệu lít so với 2016), chi phí bảo quản 2016-2020 là gần 291 tỷ đồng.
Tổng lượng xăng dầu dự trữ quốc gia đến cuối 2022 là hơn 367.125 m3, tấn. Trong đó, 55% là dầu diesel; trên 27% là xăng RON 92, còn lại là dầu mazut và nhiên liệu máy bay (Jet A1). Theo khối lượng xăng dầu nhập ròng năm 2022 là 52.097 m3 một ngày thì mức dự trữ xăng dầu quốc gia tương đương 7 ngày nhập ròng bình quân.
Nếu tính cả 3 loại dự trữ xăng dầu, gồm dự trữ sản xuất, thương mại và dự trữ quốc gia, thì tổng lượng xăng dầu dự trữ đạt khoảng 65 ngày nhập ròng, thấp hơn tiêu chuẩn của IEA và mục tiêu tại các Nghị quyết, Quyết định của các cấp có thẩm quyền.
Trong bối cảnh thị trường xăng dầu nhiều biến động khó lường, có thể ảnh hưởng tới phát triển kinh tế xã hội, Bộ Công Thương nghiên cứu mở rộng, nâng cao năng lực dự trữ xăng dầu quốc gia, đảm bảo an ninh năng lượng và cân đối cung cầu xăng dầu trong mọi tình huống.
Hiện việc dự trữ xăng dầu quốc gia được Bộ Công Thương ký hợp đồng bảo quản với 4 doanh nghiệp, gồm Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex); Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil); Công ty TNHH MTV Dầu khí Đồng Tháp (Petec) và Công ty cổ phần nhiên liệu bay Petrolimex.
>>Giảm 50% thuế môi trường với xăng dầu - Giải pháp thiết thực để phục hồi kinh tế
Tại báo cáo, Bộ Công Thương cho hay, hiện Bộ Tài chính - cơ quan được Chính phủ giao nhiệm vụ quản lý chất lượng các mặt hàng dự trữ quốc gia - chưa ban hành Quy chuẩn Việt Nam với hàng thuộc lĩnh vực dự trữ quốc gia, nên hiện quy định định mức, tỷ lệ hao hụt xăng dầu dự trữ quốc gia, xử lý hao hụt đang áp dụng và duy trì tạm thời theo Thông tư 43/2015 của Bộ Công Thương về tỷ lệ hao hụt trong kính doanh xăng dầu.
Theo Bộ Công Thương, đơn vị đã hai lần đôn đốc Bộ Tài chính có ý kiến với các vấn đề nêu trên, nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi.
Đáng nói, Bộ Công Thương đề xuất, trong giai đoạn 2023-2024 cần sửa đổi, bổ sung các luật, như Luật Dự trữ quốc gia, Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Các bộ cần khẩn trương ban hành Quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật dự trữ quốc gia xăng dầu để tháo gỡ vướng mắc, điểm nghẽn trong tổ chức quản lý xăng dầu quốc gia.
Trong thời gian chờ sửa các luật liên quan, Bộ này kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép tiếp tục duy trì quản lý xăng dầu quốc gia như hiện nay. Tức là bảo quản chung với xăng dự trữ thương mại, cho tới khi có quy định mới Quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật dự trữ quốc gia xăng dầu để tháo gỡ vướng mắc, điểm nghẽn trong tổ chức quản lý xăng dầu quốc gia, thay thế các quy chuẩn kỹ không đáp ứng yêu cầu trong quản lý xăng dầu dự trữ quốc gia.
Đồng thời đề nghị thống nhất đầu mối quản lý mặt hàng xăng dầu dự trữ quốc gia. Hiện Bộ Tài chính đang trực tiếp quản lý dự trữ quốc gia với các mặt hàng thiết yếu, dân sinh như gạo. Xăng dầu cũng là mặt hàng thiết yếu, nên chuyển nhiệm vụ quản lý dự trữ xăng dầu quốc gia sang Bộ Tài chính trong giai đoạn 2024-2025.
Xoay quanh vấn đề đã nêu, nhiều ý kiến cho rằng, đề xuất này là không phù hợp dù mặt hàng xăng dầu đương nhiên thuộc quản lý của Tổng cục Dự trữ Nhà nước, nhưng xét dưới góc độ quản lý ngành thì xăng dầu thuộc quản lý của Bộ Công Thương.
Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam, đề xuất của Bộ Công Thương là không phù hợp, thậm chí “ngược đời”. Bộ Tài chính không thể có hệ thống kho, cùng các hệ thống cơ sở hạ tầng liên quan để bảo quản xăng dầu.
Lâu nay việc dự trữ xăng dầu đều nằm ở các doanh nghiệp Bộ Công Thương quản lý. Bộ Tài chính cũng có hệ thống dự trữ quốc gia nhưng đó chỉ là hệ thống dự trữ các mặt hàng thiết yếu như lương thực là gạo, các mặt hàng phòng chống thiên tai,…
“Bộ Công Thương nêu ra những khó khăn trong bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia, đó là chưa được bảo quản riêng; các quy định về thẩm quyền, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật mặt hàng xăng dầu, dự trữ Nhà nước còn hạn chế, việc áp dụng các quy định pháp luật về nhập, xuất, luân chuyển hàng dự trữ quốc gia đã phát sinh vướng mắc, khó khăn. Tôi cho rằng, tất cả các khó khăn mà Bộ Công Thương nêu đều có thể giải quyết, vấn đề là các bộ phải cùng ngồi lại với nhau để giải quyết các vấn đề này”, ông Thỏa bày tỏ.
Liên quan đến đề xuất của Bộ Công Thương, ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam cho rằng, mặt hàng dự trữ xăng dầu quốc gia thuộc quản lý của Tổng cục Dự trữ Nhà nước, nhưng xét dưới góc độ quản lý ngành thì xăng dầu thuộc quản lý của Bộ Công Thương. Cho nên, không nên phân định bộ nào quản lý dự trữ xăng dầu quốc gia mà ở đây phải là liên bộ, liên ngành.
“Doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu chịu sự chỉ đạo của liên bộ, hàng dự trữ quốc gia dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, cho nên các bộ ngành đều phải phối hợp với nhau quản lý tốt nguồn hàng này”, ông Bảo chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Loay hoay chuyện xuất hoá đơn điện tử bán lẻ xăng dầu
04:54, 13/12/2023
Nam Định: Tăng cường kiểm tra trong kinh doanh xăng dầu, khí hóa lỏng
00:20, 07/12/2023
Giảm 50% thuế môi trường với xăng dầu - Giải pháp thiết thực để phục hồi kinh tế
04:00, 06/12/2023
“Cởi trói” cho xăng dầu
03:06, 23/11/2023
Giá xăng dầu bán lẻ trong nước có thể tiếp tục giảm từ 0,9 - 3,2%
00:30, 23/11/2023