Nên cho phép công nhân lao động đang thuê “nhà ở xã hội cho công nhân trong khu công nghiệp” được mua lại nhà ở này khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển đổi.
>>Giải bài toán cho nhà ở xã hội
Đó là kiến nghị của Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) liên quan đến các quy định về nhà ở xã hội đang được sửa đổi tại Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).
HoREA kiến nghị, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam được tham gia thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn và công nhân, lao động thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội làm việc tại các khu công nghiệp thuê.
Cơ chế được HoREA kiến nghị là “Ban quản lý dự án thiết chế công đoàn” trực thuộc Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam có tư cách pháp nhân, có chức năng kinh doanh bất động sản, có đủ điều kiện làm chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội. Hoặc “Ban quản lý dự án thiết chế công đoàn” đề xuất Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam lựa chọn chủ đầu tư dự án “nhà ở xã hội cho công nhân trong khu công nghiệp”, tương tự như “Trường hợp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác định chủ đầu tư theo đề nghị của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật về xây dựng” quy định tại khoản 1 Điều 82 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).
>>Lập doanh nghiệp nhà nước làm nhà ở xã hội
Bên cạnh đó, cũng theo HoREA, nên cho phép cho công nhân, lao động đang thuê “nhà ở xã hội cho công nhân trong khu công nghiệp” được mua lại nhà ở này khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép “chuyển đổi khu công nghiệp sang phát triển khu đô thị - dịch vụ” theo quy định tại Điều 13 Nghị định 35/2022/NĐ-CP ngày 28/05/2022 của Chính phủ, mà khu “nhà ở xã hội cho công nhân trong khu công nghiệp” vẫn phù hợp quy hoạch.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA phân tích, Nghị định 35/2022/NĐ-CP cho phép “chuyển đổi khu công nghiệp sang phát triển khu đô thị - dịch vụ” nếu phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Khu công nghiệp nằm trong khu vực nội thành của đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I trực thuộc trung ương và các đô thị loại I trực thuộc tỉnh và thời gian hoạt động kể từ ngày khu công nghiệp được thành lập đến thời điểm xem xét chuyển đổi tối thiểu là 15 năm hoặc một phần hai (1/2) thời hạn hoạt động của khu công nghiệp (…)”, mà trong “khu đô thị - dịch vụ” thường bao gồm khu nhà ở.
Như vậy, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) chưa tiên lượng trường hợp trên. Do đó, trường hợp trong “khu công nghiệp” có “thiết chế công đoàn” bao gồm khu “nhà ở xã hội cho công nhân trong khu công nghiệp thuê” thì Hiệp hội đề nghị Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) bổ sung quy định “người thuê căn hộ này từ 5 năm trở lên được mua lại nhà ở này” khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép “chuyển đổi khu công nghiệp sang phát triển khu đô thị - dịch vụ” theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/05/2022 của Chính phủ, mà khu “nhà ở xã hội cho công nhân trong khu công nghiệp” vẫn phù hợp quy hoạch, để công nhân, lao động đang thuê nhà yên tâm.
Có thể bạn quan tâm