Nghiên cứu - Trao đổi

Đề xuất đánh thuế bất động sản thứ 2: Bộ Tài chính nói gì?

Khôi Nguyên 22/01/2025 11:30

Liên quan tới đề xuất đánh thuế bất động sản thứ 2, Bộ Tài chính cho biết đang nghiên cứu, tổng hợp kinh nghiệm quốc tế, xác định những vướng mắc để báo cáo…

de-xuat-danh-thue-bat-dong-san-thu-2-can-xem-xet-mot-cach-than-trong-1.jpg
Liên quan tới đề xuất đánh thuế bất động sản thứ 2, Bộ Tài chính cho biết đang nghiên cứu, tổng hợp kinh nghiệm quốc tế, xác định những vướng mắc để báo cáo. Ảnh minh hoạ

Thời gian qua, Bộ Xây dựng đã có nhiều báo cáo về tình hình giá bất động sản, cùng với đó cơ quan này cũng nhắc nhiều tới việc chính sách đánh thuế với trường hợp sở hữu, sử dụng nhiều nhà, đất nhằm hạn chế đầu cơ, mua đi bán lại trong thời gian ngắn để kiếm lời. Vấn đề này đã bắt đầu có nhiều tranh cãi, trong đó, nhiều quan điểm ủng hộ việc nghiên cứu áp dụng chính sách thuế đối với bất động sản thứ 2, tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, cần có những đánh giá thận trọng khi thực thi sắc thuế này.

Theo đánh giá của Savills Việt Nam, để thực hiện áp thuế tài sản cần rất nhiều các giải pháp kỹ thuật như: Tính toán chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng kĩ thuật, công cụ tính thuế, đặc biệt là minh bạch và số hóa toàn bộ dữ liệu bất động sản dân cư. Các vấn đề này là rào cản lớn, cần nguồn tài chính lớn, sự quyết liệt tới cùng và công tác phối hợp lâu dài của nhiều cơ quan chức năng liên quan. Việc xác định giá trị giao dịch chính xác, minh bạch hóa các giao dịch, cũng như xác định rõ ràng quyền sở hữu là những vấn đề nan giải.

Bên cạnh đó, việc xác định mức thuế hợp lý cũng là một bài toán cần giải quyết để vừa đảm bảo nguồn thu cho ngân sách, vừa không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành bất động sản, vốn có mối liên kết chặt chẽ với nhiều ngành kinh tế khác.

Từ góc nhìn chuyên gia, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cũng đồng tình với việc cần xem xét đánh thuế đối với nhà đất nhiều năm không đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, việc sử dụng công cụ thuế để điều tiết thị trường bất động sản, cần xem xét toàn diện để có thể đưa ra các cách thức đánh thuế phù hợp. Đánh thuế bất động sản về dài hạn là cần thiết nhưng khi đánh thuế cần xem xét một cách toàn diện, thận trọng, không nên vội vã và cần có lộ trình phù hợp khi tất cả những điều kiện liên quan đã sẵn sàng.

“Đánh thuế vào bất động sản là một vấn đề phức tạp và nhạy cảm do tác động đến nguồn tài chính của toàn dân. Do đó, cơ quan thuế cần có các nghiên cứu chuyên sâu và lấy ý kiến rộng rãi để tạo ra sự đồng thuận khi đưa ra các loại hình thuế và các mức thuế bất động sản, đảm bảo sử dụng có hiệu quả nguồn lực đất đai khan hiếm, đảm bảo tính minh bạch, tính công bằng và tính điều tiết thu nhập hợp lý”, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nói.

de-xuat-danh-thue-bat-dong-san-thu-2-can-xem-xet-mot-cach-than-trong-2.png
Cử tri kiến nghị Chính phủ nghiên cứu có giải pháp phù hợp vừa hạn chế tình trạng đầu cơ, ảnh hưởng bất lợi cho thị trường bất động sản, đồng thời vừa tạo sự đồng thuận của xã hội. Ảnh minh hoạ

Về vấn đề này, vừa qua, cử tri tỉnh Đồng Nai cũng tiếp tục gửi kiến nghị đến Quốc hội trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV liên quan đến đề xuất này. Cụ thể, cử tri cho biết, đề xuất đánh thuế bất động sản thứ 2 đã gây ra những dư luận trái chiều. Cử tri cho rằng đánh thuế bất động sản chỉ là một trong nhiều biện pháp nhằm giúp thị trường phát triển minh bạch và bền vững; không nên trở thành rào cản đối với sự phát triển của thị trường và tạo ra sự không đồng thuận của xã hội.

Vì vậy, cử tri kiến nghị Chính phủ nghiên cứu có giải pháp phù hợp vừa hạn chế tình trạng đầu cơ, ảnh hưởng bất lợi cho thị trường bất động sản, đồng thời vừa tạo sự đồng thuận của xã hội.

Trả lời nội dung này, Bộ Tài chính cho biết, pháp luật hiện hành quy định bất động sản bao gồm đất đai; nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai; tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà, công trình xây dựng; tài sản khác theo quy định của pháp luật.

Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về sở hữu và sử dụng bất động sản, Nhà nước đã ban hành các khoản thu liên quan đến bất động sản phát sinh trong cả 3 giai đoạn: xác lập quyền sở hữu, quyền sử dụng bất động sản (tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trường hợp nộp 1 lần cho cả thời gian thuê, lệ phí trước bạ); sử dụng bất động sản (thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế sử dụng đất nông nghiệp, tiền thuê đất nộp hàng năm) và chuyển nhượng bất động sản (thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng). Tuy nhiên, các khoản thu trong quá trình sử dụng bất động sản chưa áp dụng đối với nhà.

Để thể chế hóa các chủ trương, định hướng được nêu tại Nghị quyết số 18-NQ/TW; thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quyết định số 2114/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ..., Bộ Tài chính đang tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp kinh nghiệm quốc tế, xác định những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thi hành các chính sách thuế liên quan đến bất động sản trong thời gian qua, để báo cáo cấp có thẩm quyền vào thời điểm thích hợp, đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam, phù hợp với thông lệ quốc tế, cũng như tính thống nhất của hệ thống chính sách thuế liên quan đến bất động sản và đặt trong tổng thể cải cách hệ thống chính sách thuế giai đoạn 2021 - 2030.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đề xuất đánh thuế bất động sản thứ 2: Bộ Tài chính nói gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO