Đề xuất giảm 12-17% giá FIT điện gió (Kỳ I): Nguy cơ chệch hướng tăng trưởng điện gió dài hạn

THY HẰNG 22/02/2021 11:00

Đề xuất giảm mức giá FIT điện gió sau ngày 1/11/2021 mức 12-17% khiến nhà đầu tư lo lắng, thậm chí chuyên gia đánh giá mức giảm sâu có thể làm chệch hướng tăng trưởng điện gió dài hạn.

Đề xuất của Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng đồng ý chủ trương kéo dài thời điểm áp dụng giá FIT cho các dự án điện gió đến hết năm 2023, song giảm mức giá FIT giai đoạn sau 1/11/2021 từ 12-17% đang khiến nhà đầu tư lo lắng.

Bộ Công thương các dự án vận hành từ tháng 11/2021 đến hết năm 2022 sẽ áp dụng mức giá mua vào 7,02 cents/kWh cho điện gió mặt đất (giảm khoảng 17% so với giá FIT trước đó là 8,5 cents/kWh)

Bộ Công thương đề xuất các dự án vận hành từ tháng 11/2021 đến hết năm 2022 sẽ áp dụng mức giá mua vào 7,02 cents/kWh cho điện gió mặt đất, tương đương giảm 17%.

Doanh nghiệp “sống dở chết dở”

Cụ thể, theo dự thảo của Bộ Công thương các dự án vận hành từ tháng 11/2021 đến hết năm 2022 sẽ áp dụng mức giá mua vào 7,02 cents/kWh cho điện gió mặt đất (giảm khoảng 17% so với giá FIT trước đó là 8,5 cents/kWh) và 8,47 cents/kWh cho các điện gió ngoài khơi hoặc gần bờ (giảm khoảng 13% so với giá FIT trước đó là 9,8 cents/kWh). Các dự án vận hành từ năm 2023 sẽ áp dụng mức giá lần lượt 6,81 cents/kWh và 8,21 cents/kWh.

Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư cho rằng đây là mức giảm quá sâu, có thể dẫn tới thiệt hại lớn cho nhà đầu tư khi những đặc thù của dự án điện gió là rất lớn so với điện mặt trời. Nói như ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam, đầu tư cho điện gió thực chất khá khó khăn.

Thứ nhất tất cả các thiết bị xây dựng, lắp đặt cho điện gió đòi hỏi thiết bị siêu trường, siêu trọng, phải có những xe đặc chủng, xe cẩu đặc chủng mới làm được.

Ở thị trường Việt Nam rất hạn hẹp cho điều này, nhất là hiện nay bắt đầu tiến ra phát triển điện gió Nearshore (điện gió ven biển), Offshore (điện gió ngoài khơi)... Thiết bị làm trên biển không phải chuyện đơn giản, Việt Nam hầu như không có. Đây là thách thức rất lớn với các nhà đầu tư.

Thứ hai là toàn bộ thiết bị, công nghệ về tuabin gió Việt Nam bị phụ thuộc hoàn toàn vào nước ngoài. “Với chính sách đến cuối năm 2021 là hết ưu đãi về giá điện gió (với mức giá điện trong đất liền là 8,5 Uscents/kWh và điện gió trên biển là 9,8 Uscents/kWh-PV), gần đây các nhà cung cấp nước ngoài đã bắt chẹt nhà đầu tư trong nước rằng nếu không mua thì không còn thời gian để làm kịp, đẩy các nhà đầu tư trong nước "sống dở chết dở"”, ông Nguyễn Tâm Tiến chia sẻ.

Được biết mới đây, nhóm Công tác Điện và Năng lượng (PEWG) cũng đã có ý kiến gửi tới các bộ ngành về đề xuất "gia hạn thời hạn để các nhà phát triển điện mặt trời và điện gió được hưởng FiT" theo Quyết định 13 của Chính phủ về cơ chế phát triển điện mặt trời, đến hết năm 2020.

“Chúng tôi đề xuất chính sách cho các dự án điện mặt trời, hệ thống điện mặt trời trên mái nhà và điện gió nên được xây dựng trên cơ sở lâu dài và bền vững, có tính đến ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trên toàn cầu", nhóm nghiên cứu nêu.

PEWG kiến nghị gia hạn FiT cho điện gió trên đất liền thêm 6 tháng, tiếp theo là áp dụng FiT mới khả thi cho các dự án điện gió trên đất liền nối lưới vào cuối năm 2023. Đồng thời, gia hạn hai năm đối với FiT gió ngoài khơi hiện tại đến cuối năm 2023.

Đối mặt với chu kỳ "bùng nổ-phá sản"

Đáng lưu ý, Hội đồng năng lượng gió toàn cầu (GWEC) cũng khuyến nghị Việt Nam, nếu mức điều chỉnh giá FIT được giảm nhiều, có thể làm chệch hướng tăng trưởng điện gió dài hạn ở Việt Nam.

8,47 cents/kWh cho các điện gió ngoài khơi hoặc gần bờ

Bộ Công Thương đề xuất giá 8,47 cents/kWh cho điện gió ngoài khơi hoặc gần bờ, tương đương mức giảm 13%.

GWEC cho biết, việc giảm nhẹ giá FIT sẽ đảm bảo đủ thời gian để các dự án đi vào hoạt động ổn định, nhưng nếu giảm giá mạnh mà không tính đến các thách thức liên quan, thị trường điện gió Việt Nam có thể phải đối mặt với chu kỳ "bùng nổ-phá sản" như các nước châu Âu, châu Mỹ trước đây.

Hội đồng năng lượng gió toàn cầu lý giải, các nhà đầu tư vốn đã chịu nhiều ảnh hưởng do Covid-19, lại thêm những thách thức chung trong giai đoạn đầu phát triển dự án. Khi giá mua bán điện gió giảm mạnh, các nhà đầu tư sẽ rất khó khăn để cân đối tài chính. Từ đó dẫn đến giai đoạn "phá sản" có thể làm giảm tới 80% việc lắp đặt gió mới vào năm 2023, và tiếp tục giảm 25% mỗi năm sau đó.

Trên cơ sở đó, GWEC đề xuất gia hạn 6 tháng đối với mức giá FIT hiện tại do sự chậm trễ liên quan đến quy hoạch và gián đoạn từ Covid-19. Đồng thời, giảm nhẹ mức giá FIT cho các dự án gió trên bờ và dự án trên biển được đưa vào vận hành từ tháng 5/2022 trở đi.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng đề xuất nghiên cứu mức giá FIT và sớm gia hạn thời gian COD cho các dự án điện gió. Cần có những chính sách riêng, ưu tiên cho phát triển điện gió ngoài khơi và điện mặt trời mái nhà.

Bởi điện gió ngoài khơi tại Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng để phát triển, trong cơ cấu nguồn tại Quy hoạch điện VIII nên tách riêng điện gió trên bờ và điện gió ngoài khơi để có tầm nhìn chính sách dài hạn.

Kỳ II: Mức giảm nào phù hợp với nhà đầu tư?

Có thể bạn quan tâm

  • Năm 2021 cần “tăng tốc” phát triển điện gió

    02:00, 16/01/2021

  • Bộ Công thương kiến nghị giảm 12-17% giá FIT điện gió sau ngày 1/11/2021

    10:25, 22/12/2020

  • GWEC cảnh báo chu kỳ “bùng nổ - phá sản” của điện gió

    04:30, 06/12/2020

  • Nhà đầu tư nước ngoài băn khoăn giá FIT cho điện gió

    05:00, 28/09/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đề xuất giảm 12-17% giá FIT điện gió (Kỳ I): Nguy cơ chệch hướng tăng trưởng điện gió dài hạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO