5 Hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị TP Hải Phòng không thu phí hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển đối với hàng hóa vận tải bằng phương tiện thủy sử dụng đường thủy nội địa.
>>>Giảm 50% phí hạ tầng cảng biển cho hàng thuỷ nội địa
5 Hiệp hội doanh nghiệp liên quan đến vận tải đường thủy nội địa bao gồm Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), Hiệp hội Đại lý, Môi giới và Dịch vụ Hàng hải Việt Nam (VISABA), Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam (VNSC), Hội Vận tải thủy nội địa Việt Nam và Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam (VSA) vừa gửi văn bản kiến nghị tới HĐND TP Hải Phòng đề xuất không thu phí hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển đối với hàng hóa vận tải bằng phương tiện thủy sử dụng đường thủy nội địa.
Theo các Hiệp hội doanh nghiệp liên quan đến vận tải đường thủy nội địa, năm 2016, Hải Phòng đã có Nghị quyết quy định về phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển Hải Phòng.
Từ năm 2017 đến 2021, số thu khoản phí phương thức vận tải thủy nội địa lần lượt là 59,8 tỷ, 51,3 tỷ, 57,1 tỷ, 64 tỷ và 66 tỷ đồng. Số thu này chiếm tỷ lệ nhỏ so với nguồn thu trung bình 1.500 tỷ đồng/năm của Hải Phòng nhưng có ý nghĩa đối với ngành vận tải thủy nội địa, góp phần hiệu quả vào việc chuyển đổi cơ cấu vận tải, giảm tải cho vận tải đường độ đi và đến Hải Phòng, giảm khí thải ô nhiễm môi trường và giảm tai nạn giao thông.
Việc nộp phí cũng gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu và dịch vụ liên quan có hàng hóa thông qua cảng Hải Phòng, làm tăng chi phí logistics đang ở mức cao. Đặc biệt là hàng hóa vận chuyển bằng phương tiện thủy sử dụng đường thủy nội địa.
“Theo quy định, HĐND cấp tỉnh có thẩm quyền quyết định đối với phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu (bao gồm khu vực cửa khẩu biên giới đất liền và khu vực của khẩu cảng biển). Do đó chúng tôi hiểu việc HĐND TP Hải Phòng ban hành quy định thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực của khẩu cảng biển trên địa bàn TP Hải Phòng là đúng thẩm quyền theo quy định. Nhưng ở đây vấn đề đặt ra là đối tượng áp dụng đã đúng và phù hợp hay chưa đối với vận tải đường thủy nội địa?”, đại diện Hiệp hội đặt vấn đề.
Trên thực tế, lượng hàng container vận chuyển bằng đường thủy nội địa từ năm 2020 đến nay chỉ chiếm trên dưới 1,5% tổng lượng hàng container xuất nhập khẩu thông qua cảng Hải Phòng.
Các phương tiện vận tải thủy nội địa chủ yếu sử dụng các tuyến đường thủy tự nhiên, hàng hải kết nối đến cảng biển do Bộ giao thông vận tải quản lý, không sử dụng hạ tầng của địa phương kết nối với cảng biển, như hệ thống cầu, các tuyến đường bộ, cầu vượt tại các nút giao thông do địa phương quản lý và đảm bảo điều kiện hoạt động.
Đồng thời các phương tiện vận tải thủy nội địa khi làm hàng tại các cảng biển đã phải nộp đầy đủ các loại phí, lệ phí hàng hải cho Cảng vụ và giá dịch vụ cảng cho các doanh nghiệp kinh doanh cảng biển. Vì vậy, theo Hiệp hội, việc thu phí kết cấu hạ tầng cảng biển đối với phương tiện vận tải thủy nội địa là chưa thực sự thỏa đáng và hợp lý về đối tượng phải nộp phí như quy định trong Nghị quyết của Thành phố.
Đại diện Hiệp hội giãi bày: “Trong giai đoạn mấy năm qua, nhất là khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, các doanh nghiệp của Hiệp hội chúng tôi hết sức khó khăn trong việc bắt buộc phải trả phí sử dụng hạ tầng cảng biển ở Hải Phòng. Các doanh nghiệp vận tải thủy và cung cấp dịch vụ logistics gặp rất nhiều khó khăn do chi phí tăng cao, đứt gẫy chuỗi cung ứng toàn cầu trong khi vẫn nỗ lực thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ v/v Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.
>>>Vai trò phản biện chính sách của các Hiệp hội
>>>Cục Đường thuỷ nội địa: Thu phí hạ tầng cảng biển với hàng hoá thuỷ nội địa là chưa đúng đối tượng
Trong khi TP Hải Phòng vẫn áp dụng cơ chế thu phí hạ tầng cảng biển đối với doanh nghiệp vận tải thủy nội địa thì TP Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Hà Tĩnh lại có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, khuyến khích phát triển vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy.
Đơn cử, Tỉnh Hà Tĩnh có chính sách hỗ trợ giảm phí cho các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và thực hiện trả hàng hoặc bốc hàng tại cảng Vũng Áng; hỗ trợ cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân xuất khẩu hoặc nhập khẩu hàng hóa bằng container qua cảng Vũng Áng và mở tờ khai tại các Chi cục thuộc Cục Hải quan Hà Tĩnh và Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác có hàng hóa được vận chuyển bằng container qua cảng Vũng Áng (trừ hàng tạm nhập tái xuất, hàng hóa quá cảnh). Còn tại tỉnh Thanh Hóa, các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container đi quốc tế qua cảng Nghi Sơn được hỗ trợ với số tiền là 200 triệu đồng/chuyến theo Nghị quyết số 166 ngày 04/4/2019 của HĐND tỉnh Thanh Hóa.
Đặc biệt, mới đây nhất, từ ngày 1/8/2022, HĐND TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện miễn giảm phí cho hàng hóa được vận chuyển vào cảng và rời cảng biển TP Hồ Chí Minh bằng phương tiện thủy nội địa chỉ sau 4 tháng thực hiện.
Những chính sách hỗ trợ, miễn, giảm phí đối với hàng hóa được vận chuyển bằng đường thủy của các tỉnh thành trên được đánh giá hợp với chủ trương phát triển vận tải đường thủy nội địa của Chính phủ và nhận được sự đón nhận tích cực từ phía các doanh nghiệp vận tải thủy nội địa.
“Từ thực tế trên, các Hiệp hội chúng tôi kính đề nghị Hải Phòng với tinh thần thực sự cầu thị, đáp ứng kiến nghị của doanh nghiệp đang gặp khó khăn thực sự, xem xét miễn thu phí theo Nghị quyết số 148 năm 2016 đối với hàng tạm nhập tái xuất, hàng tạm xuất tái nhập, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu, hàng xuất khẩu, hàng nhập khẩu được vận chuyển bằng phương tiện thủy nội địa hoạt động trên các tuyến vận tải thủy từ tháng 8/2022. Đồng thời xem xét việc miễn, giảm phí cho hàng hóa vận chuyển bằng đường biển theo Nghị quyết trên”, đại diện Hiệp hội khẩn thiết đề nghị.
Có thể bạn quan tâm
03:30, 27/07/2022
03:00, 08/07/2022
04:30, 24/06/2022
02:35, 27/05/2022
11:00, 11/05/2022
14:08, 25/03/2022
11:03, 15/03/2022