Nhiều ý kiến cho rằng việc kiểm soát khí thải là cần thiết nhưng việc thu phí có phù hợp không hay lại là tình trạng “phí chồng phí”.
Mới đây, Sở GTVT TP HCM đề xuất tổng chi phí 553 tỷ đồng dự kiến thực hiện Đề án “Thí điểm kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành trên địa bàn TP".
Đề án chia làm 4 giai đoạn, trong đó giai đoạn 2022 - 2023 thực hiện kiểm tra khí thải toàn bộ xe đang lưu hành, đồng thời thu phí 50.000 đồng/xe/năm đối với các xe máy sử dụng từ 5 năm trở lên.
Ngay khi đề án được đưa ra, rất nhiều người bày tỏ quan tâm tới quy định thu phí kiểm định khí thải 50.000 đồng/năm/xe.
Theo Sở GTVT TP.HCM, tính đến tháng 9/2020, TP có hơn 7,4 triệu xe máy (chưa kể xe vãng lai). Khí CO và HC có hại cho sức khỏe phát ra từ xe máy hiện chiếm 90% tổng các loại xe cơ giới. Đề án tính toán khi áp dụng kiểm soát, mỗi năm TP giảm hơn 56.000 tấn khí CO, 4.400 tấn HC thải ra môi trường.
Đề án này ngay lập tức vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận. PGS.TS, Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM nhấn mạnh Đề án này chưa đánh giá tác động xã hội nên không đồng tình với đề án này. Vấn đề kiểm soát khí thải không mới, nhưng các giải pháp đưa ra chỉ mới giải quyết một phần nổi của vấn đề và cuối cùng người dân phải gánh chịu.
Theo ông Ninh, ở đây cơ quan quản lý chỉ hoàn thành trách nhiệm quản lý mà không để ý đến đời sống người dân, các quy định đưa ra có hợp lý không? Vì thế, để có phương án hợp lý nhất thì phải xét nhiều nguyên nhân, nhiều yếu tố, điều tra xã hội học…cố gắng làm giảm bớt áp lực kinh tế lên đời sống người dân, nhất là người lao động cá thể, kiếm sống hằng ngày bằng phương tiện cá nhân.
“Chỉ có những người lao động đi kiếm sống hằng ngày buộc phải sử dụng phương tiện cá nhân, nhưng họ lại phải chịu hết loại phí này đến phí khác. Quy định thu phí cứ thả lỏng để nhiều ngành kiếm cớ rồi thu tiền của người dân tạo nên sự chồng chéo. Đã có thu phí trong xăng dầu, đã có thuế đường bộ, giờ để thêm phí khí thải thì cuối cùng chỉ người lao động là khổ”, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh nói.
Đồng quan điểm chuyên gia Kinh tế Ngô Trí Long, TP.HCM mỗi ngày tăng cơ học 200 nghìn người, số lượng xe máy rất lớn, kiểm định khí thải mất rất nhiều chi phí. Vấn đề đặt ra là làm sao kiểm soát được lượng xe cá nhân, có phương án xử lý xe cũ hỏng, xe không đủ tiêu chuẩn về khí thải. Nếu thu phí mà làm cho người dân ý thức hơn trong sử dụng xe, giúp bảo vệ môi trường thì làm, còn không sẽ lãng phí.
"Phải làm sao hạn chế được phương tiện cá nhân bằng việc nâng cao chất lượng phương tiện công cộng và hướng người dân sử dụng dịch vụ đó thì sẽ hạn chế được lượng khí thải", ông Long nói.
Cũng theo ông Long, thuế sử dụng để bảo vệ môi trường chưa sử dụng hết, mà sử dụng vào mục đích khác thì không nên. Hiện việc sử dụng hiệu quả ngân sách còn hạn chế, lãng phí, thất thoát, tham nhũng rất nhiều nên trong bối cảnh này nên xem xét chưa thu, nếu thu phải chi tiết mục đích sử dụng.
Đồng quan điểm, Luật sư Trương Thị Hòa (Đoàn Luật sư TP.HCM) đề nghị bên nghiên cứu đề án phải đánh giá kỹ hơn tác động tiêu cực do mức độ phát thải từ xe gắn máy gây ra. Sở GTVT cần cung cấp thông tin ở các nước trên thế giới, tác dụng của kiểm định khí thải xe máy như thế nào với lộ trình cụ thể, chi tiết hơn nữa, bổ sung giải pháp đối với ô tô như thế nào để người dân hiểu họ được hưởng lợi gì khi thực hiện.
Luật sư Hoà cũng kiến nghị làm rõ cơ sở pháp lý, chính sách đối với người nghèo mà xe máy là phương tiện mưu sinh.
Có thể bạn quan tâm
00:00, 21/04/2010