Cá nhân nợ thuế thu nhập từ 10 triệu đồng trở lên, trên 120 ngày có thể bị tạm hoãn xuất cảnh là một trong những đề xuất mới của Bộ Tài chính…
Theo đó, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định Quy định chi tiết khoản 9 Điều 6 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật, cụ thể là về ngưỡng nợ thuế và thời gian nợ đối với các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh; dự kiến có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.
Theo đề xuất của Bộ Tài chính, cá nhân, chủ hộ kinh doanh có số tiền thuế nợ quá hạn trên 120 ngày, với số tiền từ 10 triệu đồng trở lên, sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh. Với doanh nghiệp/hợp tác xã/liên hiệp hợp tác xã bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế có số tiền nợ thuế quá hạn trên 120 ngày với số tiền từ 100 triệu đồng trở lên thì người đại diện pháp luật sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh.
Đáng chú ý, Bộ Tài chính đề xuất tạm hoãn xuất cảnh lập tức với những trường hợp nợ thuế là cá nhân/chủ hộ kinh doanh, người đại diện pháp luật của doanh nghiệp/hợp tác xã/liên hiệp hợp tác xã không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký. Biện pháp tạm hoãn xuất cảnh sẽ được cơ quan thuế thông báo cho người nộp thuế qua phương thức điện tử.
Trường hợp không gửi được thông báo bằng phương thức điện tử, hoặc đối tượng nợ thuế không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, thì sẽ có thông báo trên trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý thuế. Sau 30 ngày kể từ ngày thông báo cho người nộp thuế về việc sẽ áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh mà người nộp thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, cơ quan quản lý thuế sẽ có văn bản về việc tạm hoãn xuất cảnh gửi cơ quan quản lý xuất nhập cảnh để thực thi.
Hồi tháng 10/2024, Tổng cục Thuế có Công văn số 4216 gửi các cục thuế về công tác quản lý, thu hồi nợ thuế, trong đó yêu cầu áp dụng ngay các biện pháp cưỡng chế (trong đó có biện pháp tạm hoãn xuất cảnh) đối với người nợ thuế trên 90 ngày.
Đại diện Bộ Tài chính cho biết, nhiều quốc gia như Trung Quốc, Malaysia, Mỹ cũng áp dụng chính sách tương tự để thu hồi nợ thuế. Tại Việt Nam, việc tăng cường áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh từ cuối năm 2023 đã thúc đẩy nhiều cá nhân, doanh nghiệp tự giác thanh toán nợ thuế kéo dài.
Theo tính toán, nếu ngưỡng nợ áp dụng là từ 100 triệu đồng với cá nhân, chủ hộ kinh doanh và từ 1 tỉ đồng với doanh nghiệp, cả nước sẽ có khoảng 40.000 cá nhân thuộc diện tạm hoãn xuất cảnh. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng, việc hạ ngưỡng xuống mức 10 triệu đồng sẽ tăng hiệu quả thu hồi nợ thuế, đồng thời tránh ảnh hưởng lớn đến môi trường kinh doanh và hỗ trợ nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách.
Trong dự thảo Nghị định lần này, Bộ Tài chính đã tăng thời gian nợ lên 120 ngày để tăng tính tuân thủ của người nộp thuế, nâng cao hiệu quả công tác thu hồi nợ đọng thuế.
Liên quan đến đề xuất này, trước đó, tại kỳ họp thứ 8, ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, tạm hoãn xuất cảnh chỉ là một biện pháp nhỏ và không phải là biện pháp mạnh nhất để xử lý vi phạm. Do vậy, ủy ban này đề nghị Chính phủ bổ sung ngưỡng nợ thuế để giới hạn phạm vi áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh.
Còn phía Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cũng đã khẳng định, việc tạm hoãn xuất cảnh đối với cá nhân, pháp nhân nợ thuế được cơ quan thuế thực hiện theo quy trình rất chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật. Không phải tất cả cá nhân nợ thuế đều bị tạm hoãn xuất cảnh. Việc này chỉ áp dụng với một số ít đối tượng, trong đó có người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.