Nên xem xét có một quỹ tiền lương theo GDP hàng năm, tức là khi GDP tăng thì quỹ tiền lương cũng sẽ tăng.
>>Quốc hội sẽ giám sát công tác phòng, chống tham nhũng
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương) nhấn mạnh tại phiên thảo luận ở tổ về cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024, chiều 25/6.
Theo đại biểu Nguyễn Quang Huân, cải cách tiên lương là một lộ trình rất khó khăn, nhưng nếu không làm thì sẽ gây ra nhiều bất cập. Đặc biệt, hiện nay trong khu vực công như lực lượng vũ trang, cán bộ công chức, viên chức đang cảm thấy không yên tâm vì mức lương quá chênh lệch so với khu vực tư.
"Trong khi, trong khu vực nhà nước cũng có sự chênh lệch giữa các khối doanh nghiệp nhà nước. Do đó, việc cải cách tiền lương là cần thiết và hợp lý", đại biểu Nguyễn Quang Huân nói.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Quang Huân nêu câu hỏi là cách làm như thế nào? Trong Nghị quyết số 27-NQ/TW có nêu ra việc phải dành quỹ lương. Cụ thể, hàng năm tăng thu ngân sách tại địa phương phải dành ra 7%, trung ương dành ra 4% để phục vụ cho chính sách cải cách tiền lương.
"Hiện nay Chính phủ chưa có báo cáo về việc dành khoản này từ năm 2018 từ khi có Nghị quyết số 27-NQ/TW là đã dự trữ được bao nhiêu tiền? Vừa qua, Chính phủ mới đưa ra con số là dành ra được 68.000 tỷ đồng“, đại biểu Nguyễn Quang Huân bày tỏ.
Theo quan điểm của đại biểu Nguyễn Quang Huân, số tiền này cũng như Nghị quyết số 43/2022/QH15. Tức là, khi chúng ta bơm tiền vào nền kinh tế nhưng không có biện pháp chống rủi ro, chống lạm phát thì trên thực tế sức mua của những người được hưởng tăng lương chưa hẳn đã tăng, đời sống chưa chắc đã được nâng lên.
Bên cạnh đó, có một số cán bộ công chức đang nêu ra một vấn đề, đó là cải cách tiền lương sẽ cắt giảm một số phụ cấp thì tổng thu nhập chưa hẳn đã tốt hơn. Vấn đề này Chính phủ cũng không đưa ra được một ví dụ cụ thể, như với lực lượng vũ trang, lấy một chức danh cụ thể sau khi cải cách tiền lương thì sẽ tăng lên bao nhiêu hay không tăng? Đối với DNNN thì như thế nào? Cán bộ công chức, viên chức thì ra sao?
”Như vậy, bức tranh cải cách tiền lương cho đến nay là vẫn chưa rõ ràng, mặc dù phần cải cách có thể tốt”, đại biểu Nguyễn Quang Huân chia sẻ.
>>Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn: Hạn mặn ở ĐBSCL ngày càng khắc nghiệt
>>Mức giảm trừ quá lạc hậu, Quốc hội cần sửa đổi sớm
Có hai vấn đề đại biểu Nguyễn Quang Huân muốn nhấn mạnh trong cải cách tiền lương. Thứ nhất, biện pháp chống rủi ro lạm phát như thế nào thì hiện nay Chính phủ chưa nên rõ. Thứ hai, các ví dụ cụ thể, điển hình cần nêu ra việc tăng lương phù hợp và công bằng trong khu vực công, cũng như cân đối khu vực công và tư thì chưa thấy có.
“Tôi đề nghị Chính phủ nên bổ sung nội dung này trước khi Quốc hội bấm nút thông qua”, đại biểu Nguyễn Quang Huân kiến nghị.
Theo quan điểm riêng của đại biểu Nguyễn Quang Huân, ngoài việc tăng thu thì Chính phủ nên xem xét tăng quỹ tiền lương theo GDP. Năm 2003 là năm chúng ta cải cách tiền lương lần cuối, từ thời điểm đó cho đến nay GDP đã tăng lên 4 đến 5 lần nhưng lương lại không cải cách. Đây là sự thiệt thòi cho cán bộ công chức.
Trong khi đó, tại khu vực tư nhân khi lợi nhuận tăng lên thì quỹ tiền lương sẽ tự động tăng lên ngay từ năm sau. Còn tại khu vực công, các công chức, viên chức làm cho GDP của đất nước thay đổi trong hơn 20 năm qua mà lương không tăng là không bắt kịp với kinh tế thị trường.
Về bản chất, chúng ta đang thực hiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thì mọi khu vực phải được điều hành theo đúng quy luật. Do đó, đại biểu Nguyễn Quang Huân đề xuất nên xem xét có một quỹ tiền lương theo GDP hàng năm.
“Tức là, khi GDP tăng thì quỹ tiền lương cũng tăng, còn việc chia lương cho cán bộ công nhân viên chức, lực lượng vũ trang đã có công thức, còn khi chúng ta áp GDP vào thì mới kịp thời và đáp ứng được yêu cầu của xã hội”, đại biểu Nguyễn Quang Huân nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
16:15, 08/06/2024
15:51, 06/06/2024
02:30, 05/06/2024