Bên cạnh cơ chế thống nhất về phòng chống dịch, Lạng Sơn đề xuất Chính phủ hỗ trợ để đầu tư hạ tầng cơ sở, bến bãi, dịch vụ logistics để đảm bảo hàng hóa khi bị ùn ứ có điều kiện bảo quản.
>>LĂNG KÍNH CUỐI TUẦN: Bao giờ nông sản hết ùn ứ?
Tình trạng ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu chính ở Lạng Sơn như Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma... kéo dài khoảng nửa tháng qua. Theo thống kê của Sở Công thương Lạng Sơn, lượng xe container tồn tại ba khu vực cửa khẩu này là hơn 4.000 xe. Trong đó, tại cửa khẩu phụ Tân Thanh, hiện tồn khoảng 2.842 xe. Các container chở chủ yếu là dưa hấu (Quảng Ngãi), thanh long (Bình Thuận), chuối xanh (Tiền Giang), mít (Đăk Lắk, Tiền Giang) và xoài (tỉnh Bình Định). Tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, 1.196 xe ùn ứ, với mặt hàng chủ yếu là nông sản, ván bóc, linh kiện điện tử. Còn cửa khẩu Chi Ma tồn 650 xe. Mặt hàng tồn chính là tinh bột sắn (chiếm đến 70%), chè khô, hạt vừng, hạt sen, hạt bo bo, sa nhân..
Trao đổi với báo chí, ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, hiện, tại các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn tồn 4.598 xe container vận chuyển hàng nông sản của Việt Nam để chờ xuất khẩu sang Trung Quốc.
“Trong nhiều ngày nay lượng hàng hóa nông sản đưa về các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn gia tăng rất mạnh. Trong khi đó, để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, từ ngày 18/12, các lực lượng chức năng và chính quyền Quảng Tây (Trung Quốc) triển khai các biện pháp rất quyết liệt, đã có thông tin về một số lái xe chuyên trách hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc cũng như một số hàng hóa có virus SARS-CoV-2. Vì vậy, để ngăn chặn dịch bệnh phía Trung Quốc đã tiến hành các biện pháp để rà soát lại công tác phòng, chống dịch, triển khai các biện pháp chống dịch lây lan”, ông Thiệu cho biết.
Từ thực tế trên, Chủ tịch tỉnh Lạng Sơn nhấn mạnh, khả năng thông quan hàng hóa vì thế đã giảm sút. Đến ngày 20/12, chỉ có duy nhất cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị đang thông quan hàng hóa, còn cửa khẩu Tân Thanh đã tạm dừng thông quan hàng hóa từ ngày 18/12, cửa khẩu song phương Chi Ma thì đã dừng thông quan hàng hóa từ ngày 8/12.
“Với lượng hàng hóa lớn như hiện nay đang tồn đọng, việc thông quan trong thời gian ngắn rất khó khăn, cần có các giải pháp, phối hợp giữa 2 bên cơ quan chức năng của Việt Nam và Trung Quốc cũng như các giải pháp ở trong nội địa mới có thể giải quyết được tình trạng ùn ứ hàng hóa này để tránh thiệt hại cho người sản xuất và doanh nghiệp của cả 2 bên”, ông Hồ Tiến Thiệu nhấn mạnh.
>>LĂNG KÍNH CUỐI TUẦN: Bao giờ nông sản hết ùn ứ?
Tỉnh Lạng Sơn cho biết thường xuyên có các trao đổi, hội đàm, phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền của tỉnh Quảng Tây Trung Quốc để đẩy nhanh khả năng thông quan, hạn chế tình trạng ùn ứ hàng hóa, đặc biệt đảm bảo công tác phòng chống dịch cho cả 2 bên.
“Chúng tôi làm thường xuyên và nhiều cấp độ. Bản thân tôi đã có thư công tác trao đổi với ông Lăng Thiên Lập - Chủ tịch Khu tự trị dân tộc Choang (Quảng Tây – Trung Quốc) để cùng chỉ đạo giải quyết những khó khăn vướng mắc này”, Chủ tịch Lạng Sơn nhấn mạnh.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã phát hiện nhiều ca dương tính do lây lan dịch bệnh ở vùng nọ sang vùng kia do luân chuyển giữa các vùng. Nhưng địa phương đưa ra mục tiêu là phải giữ được “cửa khẩu xanh”, không cho dịch bệnh lây lan vào vùng cửa khẩu. Vì vậy, đã tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát, hướng dẫn, tuyên truyền để chủ hàng, lái xe giữ đúng quy định về phòng, chống dịch bệnh…
Đối với hàng hóa thông quan, Chủ tịch tỉnh Lạng Sơn cho biết, địa phương thực hiện nguyên tắc phương tiện nào đến trước được xuất khẩu trước, trong đó có ưu tiên hàng không bảo quản đông lạnh như mít, xoài và mặt hàng nông sản không bảo quản đông lạnh.
Đồng thời ưu tiên đối với phương tiện hàng hóa thiết yếu phục vụ tiêu dùng vừa đáp ứng được nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc vừa đáp ứng được nhu cầu XK của Việt Nam. “Giải pháp căn cơ để chống ùn tắc ở cửa khẩu, khả năng thông quan ở các cửa khẩu ở Lạng Sơn là có mức độ, nhưng do thời điểm cuối năm, nhu cầu của phía Trung Quốc cũng tăng lên, đồng thời cũng là vụ thu hoạch nông sản của bà con nông dân chúng ta nên lượng hàng hóa đưa lên Lạng Sơn quá lớn so với khả năng thông quan tại các cửa khẩu. Các cửa khẩu sẽ phải làm việc theo quy trình và trong giờ hành chính nên nếu quá nhiều phương tiện lên sẽ không thông quan được và sẽ gây ra ùn tắc”, ông Hồ Tiến Thiệu nhấn mạnh.
Do đó, để giải quyết vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đề xuất cần nhiều giải pháp căn cơ. Thứ nhất, giữa Việt Nam và Trung Quốc phải thống nhất về các biện pháp về phòng, chống dịch COVID-19 để giữ an toàn cho cả 2 bên, đây là mục tiêu trọng yếu ở giai đoạn hiện nay. Cách thức để kiểm soát dịch bệnh cho cả 2 bên, tránh tình trạng 2 bên chưa thống nhất về cách thức và chưa công nhận lẫn nhau về phương pháp, biện pháp phòng chống dịch bệnh nên cần bàn bạc, thống nhất.
Thứ hai, Bộ NN&PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc cần phải ký các Nghị định thư về kiểm dịch thực vật đối với các nông sản, hoa quả của Việt Nam khi xuất khẩu sang Trung Quốc để giảm thiểu thời gian kiểm dịch đối với hàng hóa, tạo điều kiện để thúc đẩy nhanh thời gian thông quan.
Thứ ba là, đề xuất với các bộ, ngành của phía Việt Nam có ý kiến, khuyến cáo, chỉ đạo đối với nông dân cũng như các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu nông sản, hàng hóa, sản xuất nông sản theo đúng quy trình, quy định, đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và các yêu cầu ngày càng cao của phía Trung Quốc và để tổ chức xuất khẩu hàng hóa chính ngạch, hạn chế tình trạng không có các hợp đồng thương mại, trao đổi hàng hóa cư dân biên giới rất rủi ro trong việc mua bán, trao đổi giá cả bấp bênh… Về lâu dài phải sản xuất theo các quy trình, quy phạm đáp ứng được yêu cầu của cả 2 bên, thông qua con đường chính ngạch.
“Chúng tôi cũng mong muốn Chính phủ có cơ chế, chính sách hỗ trợ các tỉnh biên giới, đặc biệt là Lạng Sơn – địa bàn trọng điểm trong xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam có điều kiện để đầu tư hạ tầng cơ sở, bến bãi, dịch vụ logistics để đảm bảo hàng hóa khi bị ùn ứ chưa thông quan được ngay có điều kiện bảo quản, đảm bảo chất lượng, giữ được hàng hóa không bị hàng hóa bị hư hỏng gây thiệt hại cho doanh nghiệp”, ông Thiệu nhấn mạnh.
Đồng thời cho biết, địa phương thường xuyên có trao đổi, điện đàm với chính quyền và các lực lượng chức năng của tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc thông quan hàng hóa để mọi việc được giải quyết kịp thời, tạo điều kiện thương mại giữa 2 bên.
Có thể bạn quan tâm
05:30, 19/12/2021
19:05, 18/12/2021
14:35, 13/12/2021