Đề xuất thúc đẩy tăng trưởng kinh tế: Đảm bảo mục tiêu kép

ANH KHÔI 21/06/2021 04:00

Theo VCCI, Đề án thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong tình hình hiện tại là rất cần thiết nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 đã kéo dài, ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp…

Theo đó, trả lời Công văn số 3652/BKHĐT-TH ngày 11/6/2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc đề nghị nghiên cứu, chuẩn bị các đề xuất chính sách, giải pháp phục vụ xây dựng Đề án thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong tình hình hiện tại (Đề án), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận thấy, việc xây dựng và triển khai nhanh chóng và hiệu quả Đề án này là rất cần thiết trong bối cảnh dịch COVID-19 xuất hiện từ đầu năm 2020 đến nay đang có những tác động tiêu cực to lớn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, theo VCCI cũng đề xuất những giải pháp có thể ban hành, thực hiện ngay…

Chống dịch và đảm bảo sản xuất liên tục - Ảnh minh họa

Chống dịch và đảm bảo sản xuất liên tục - Ảnh minh họa

Hoàn thiện quy định pháp luật về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và đảm bảo sản xuất liên tục

Theo VCCI, từ đầu năm 2020 đến nay, nhiều biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đã được ban hành, đặc biệt là Chỉ thị 15, 16 và 19 của Thủ tướng Chính phủ, đã được triển khai và góp phần hiệu quả cho việc kiểm soát dịch COVID-19. Tuy nhiên, những diễn biến mới của làn sóng dịch COVID-19 thứ 4 từ ngày 27/4/2021 đã làm xuất hiện những vấn đề liên quan tới cách thức áp dụng, triển khai các biện pháp phòng chống dịch chưa thống nhất giữa các địa phương, thậm chí, chính quyền một số tỉnh, thành phố đã áp dụng những biện pháp cứng nhắc, có mức cực đoan ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, gây nguy cơ làm đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất quy mô lớn.

Cũng theo VCCI, Thủ tướng Chính phủ đã phải ban hành Công điện số 789/CĐ-TTg ngày 5/6/2021 về áp dụng biện pháp phòng chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế, thực hiện mục tiêu kép, trong đó yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố “không “ngăn sông cấm chợ”, không gây ách tắc hay ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh, thực hiện việc cách ly y tế đúng đối tượng quy định đối với người đến từ vùng dịch”.

Do tình hình mới của dịch COVID-19, Việt Nam cần chuyển mạnh sang giai đoạn mới vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa sản xuất liên tục an toàn.

Từ đó, VCCI đề nghị, nhanh chóng ban hành quy định pháp luật một cách thống nhất dựa trên thực tiễn triển khai Chỉ thị 15, 16 và 19 cũng như các biện pháp phòng chống dịch khác với tiêu chí đánh giá cụ thể theo mức độ rủi ro của tình hình dịch để tạo thuận lợi cho chính quyền các địa phương trong việc áp dụng cũng như phối hợp với các địa phương khác. Quy định này cần đặt trọng tâm vào các chính sách, giải pháp đảm bảo sản xuất liên tục trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, để từ đó góp phần thực hiện mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đã được đặt ra theo yêu cầu của Chính phủ. Việc hệ thống hoá và quy định chi tiết các biện pháp áp dụng như trên cũng cũng giúp cộng đồng doanh nghiệp có thể chủ động lên phương án sản xuất kinh doanh phù hợp, từ đó giảm thiểu rủi ro về đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất.

Rà soát và giãn thời gian áp dụng một số quy định gia tăng chi phí cho doanh nghiệp

Theo VCCI, các doanh nghiệp hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn do bị phát sinh thêm chi phí phòng ngừa dịch COVID-19 cũng như sụt giảm dòng tiền, thị trường bị thu hẹp, song đồng thời cũng đang đứng trước áp lực của việc gia tăng chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh do việc áp dụng một số quy định mới.

“Theo Nghị định 10/2010/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, các loại ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh của người lái xe trong quá trình xe tham gia giao thông, ngày 01/7/2021 là hạn cuối các loại xe ô tô kinh doanh vận tải phải lắp camera. Tuy nhiên, doanh nghiệp lo lắng vì chi phí tăng cao trong khi COVID-19 gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh.

Theo phản ánh của doanh nghiệp, Hiệp hội, chi phí cho việc lắp camera khoảng 5-10 triệu đồng/xe khách và 5 triệu đồng/xe tải; chi phí truyền dẫn dữ liệu khoảng 1.200.000 đồng – 1.500.000 đồng/năm. Đây là chi phí khá lớn doanh nghiệp phải chi trả để thực hiện quy định này. Quy định này đang có sự trùng lặp về mục tiêu quản lý nhà nước. Hiện tại, theo quy định của pháp luật về kinh doanh vận tải, doanh nghiệp vừa phải lắp camera, vừa phải lắp thiết bị giám sát hành trình. Nhiều thông tin từ hai thiết bị này gần như trùng khớp nhau. Mặt khác, bên cạnh yêu cầu việc lắp các thiết bị này, các quy định hiện hành cũng yêu cầu về trách nhiệm của doanh nghiệp, bến xe hàng phải thực hiện một số nghĩa vụ để kiểm soát việc lái xe an toàn”, VCCI nêu ví dụ…

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

VCCI tiếp tục lấy ví dụ về việc thu phí hạ tầng cảng biển tại TP. Hồ Chí Minh sẽ chính thức thu từ 01/7/2021, mức thu cao nhất là 4,4 triệu đồng/container, mức thấp nhất là 15.000 đồng/tấn đối với hàng rời không đóng trong container. Với số lượng hàng hóa của năm 2019 hơn 170 triệu tấn thì dự kiến TP. Hồ Chí Minh thu hơn 3.000 tỉ đồng mỗi năm, Cảng Cát Lái là nơi đầu tiên triển khai thu phí từ tháng 7/2021, sau đó tháng 8 sẽ thu phí ở tất cả cảng còn lại tại thành phố.

Mặc dù việc thu phí để sớm hoàn thiện hạ tầng giao thông cảng biển, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, nhưng nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu đang lo lắng trong bối cảnh doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay, mức thu kể trên sẽ làm chi phí xuất nhập khẩu tăng lên, nhất là với những doanh nghiệp mở tờ khai ngoài TP. Hồ Chí Minh.

“Trong bối cảnh Chính phủ đang có nhiều chính sách cắt giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch COVID-19, những quy định tương tự như trên cần được xem xét cẩn trọng và lùi thời hạn áp dụng. Đề nghị các bộ, ngành và chính quyền các địa phương cần đánh giá tác động của quy định, tránh gia tăng chi phí bất hợp lý cho doanh nghiệp”, VCCI đề xuất.

Nâng cao hiệu quả chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do COVID-19

Từ những thực trạng đã nêu, VCCI cũng đề xuất, các bộ, ngành và chính quyền các địa phương cần tăng cường phổ biến, tuyên truyền chính sách hỗ trợ để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận được các gói hỗ trợ đã ban hành. Trong đó, cần có những hướng dẫn cụ thể, chi tiết và đẩy đủ về các thủ tục, quy trình thực hiện theo hướng đơn giản, dễ thực hiện đối với các doanh nghiệp.

“Đối với các chính sách đã ban hành, đề nghị các bộ, ngành, chính quyền địa phương chủ động nắm bắt tình hình triển khai, đặc biệt là những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện để điều chỉnh hoặc kiến nghị điều chỉnh kịp thời và có cách thức hỗ trợ phù hợp đối với các doanh nghiệp ở từng ngành, lĩnh vực và từng giai đoạn, chú trọng các doanh nghiệp thuộc các ngành bị tổn thương nặng nề bởi dịch COVID-19.

Đề nghị có chính sách tiếp tục hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều do dịch bệnh như du lịch, dịch vụ: cho phép cơ cấu lại những khoản vay, tiếp tục giãn nợ, thuế. Cần quan tâm hơn nữa các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, siêu nhỏ bởi khả năng chống chịu kém của nhóm doanh nghiệp này. Nghiên cứu áp dụng thêm một số biện pháp mà các quốc gia khác hiện đang áp dụng như hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp duy trì được tỷ lệ người lao động cao; hỗ trợ chi phí đào tạo nâng cao tay nghề, trình độ cho người lao động”, VCCI kiến nghị.

Còn tiếp…

Có thể bạn quan tâm

  • Đề xuất loạt giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua COVID-19

    Đề xuất loạt giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua COVID-19

    03:30, 18/06/2021

  • Gỡ vướng, hỗ trợ doanh nghiệp đón lao động đủ điều kiện đi làm trở lại

    Gỡ vướng, hỗ trợ doanh nghiệp đón lao động đủ điều kiện đi làm trở lại

    00:23, 14/06/2021

  • Hỗ trợ doanh nghiệp tái sắp xếp chuỗi cung ứng trên nền tảng web

    Hỗ trợ doanh nghiệp tái sắp xếp chuỗi cung ứng trên nền tảng web

    14:00, 27/05/2021

  • Hỗ trợ doanh nghiệp theo đóng góp

    Hỗ trợ doanh nghiệp theo đóng góp

    02:00, 27/05/2021

  • WFC hỗ trợ doanh nghiệp đối mặt với thách thức và cơ hội trong bối cảnh mới

    WFC hỗ trợ doanh nghiệp đối mặt với thách thức và cơ hội trong bối cảnh mới

    02:22, 20/05/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đề xuất thúc đẩy tăng trưởng kinh tế: Đảm bảo mục tiêu kép
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO