Việc giữ vệ sinh môi trường và văn minh đô thị không thể chỉ làm theo phong trào, hết đợt rồi thôi, mà phải là cuộc vận động thường xuyên, có sự hưởng ứng tích cực từ phía người dân và chính quyền.
Có thể bạn quan tâm
Đêm 31/12/2018, hàng nghìn người tập trung ở nhiều địa điểm quanh Hồ Gươm để cùng đếm ngược chào đón năm mới 2019. Khi lễ hội đếm ngược kết thúc, các tuyến phố trung tâm Hà Nội ngập tràn rác thải, túi bóng và đồ ăn vặt vứt bừa bãi bên vỉa hè, rác ở trên đường, bao vây gốc cây, bốt điện, ghế ngồi...
Ai cũng biết, chính quyền Hà Nội đã chi ra rất nhiều tiền để cải tạo, để trang hoàng khu vực phố đi bộ thật đẹp, nhưng với hình ảnh “rác ngập sau lễ” thì chắc hẳn nhiều người sẽ chán ngán. Tình trạng Hà Nội ngập rác sau mỗi sự kiện, lễ hội không còn là chuyện xưa nay hiếm.
Dù là ngày lễ Quốc tế lao động 1/5, hay ngày lễ Quốc khánh 2/9, cho đến tết Dương lịch, Âm lịch..v..v… tại Quảng trưởng Đông kinh Nghĩa thục và khu vực Hồ Hoàn Kiếm, hoặc các khu công cộng khác đều ngập trong biển rác. Mà nói thẳng ra, vấn đề xả rác bừa bãi sau mỗi đợt lễ không chỉ của riêng Hà Nội, mà là điểm chung của các thành phố, đô thị lớn khác. Nó kéo dài đợt này qua đợt khác, năm này qua năm kia như một “hội chứng mệt mỏi kinh niên” của cơ thể vậy.
Nhiều ý kiến cho rằng, trong số hàng ngàn người xả rác ra đường hầu hết là người ngoại tỉnh, sinh viên, người lao động học tập, làm việc ở Hà Nội. Nhưng, cũng có ý kiến phê phán ý thức của người Hà Nội, cho rằng sự thanh lịch của người Tràng An đã không còn bởi mỗi mỗi đợt nghỉ lễ, tết dài ngày, người dân ngoại tỉnh đã kéo nhau về quê, vậy người Hà Nội còn có thể trách ai xả rác?
Thực tế, bấy lâu nay chúng ta vẫn tự hào nói, nào là “phường phường văn hóa, làng làng văn hóa, nhà nhà văn hóa”, nhưng có một vấn đề “nho nhỏ” là ý thức xả rác thì nhiều người dân lại không làm được. Không ít người nhận thức kém, thể hiện bản thân mình là người không có văn hóa… nơi công cộng, trên đường phố, nạn xả rác bừa bãi vẫn diễn ra tràn lan, ảnh hưởng xấu đến môi trường sống. Thậm chí có người nói một câu hơi nặng nề, rằng “người Việt quá quen sống với rác nên mắt không nhìn thấy rác nữa”.
Trong khi, ai đã đi học cũng đều được dạy “không xả rác bừa bãi, bỏ rác đúng nơi quy định”, vậy mà nhiều người vẫn tùy tiện xả rác bừa bãi nơi công cộng. Đó là do thói quen lâu ngày, tiện tay thì vứt đi, hay tâm lý đám đông thấy người khác xả rác thì mình cũng làm theo có sao đâu?
Nguyên nhân chủ yếu là vì người lớn, gia đình, xã hội chưa nêu gương đúng mức, vì thói ích kỷ cá nhân, mặc kệ ngoài đường dơ bẩn miễn nhà mình sạch, người khác xả rác thì mình cũng xả rác. Thế là rác cứ tuôn ra đường! Nhiều người mong muốn đất nước, thành phố nơi mình sống luôn sạch sẽ và văn minh, nhưng chính mình lại xả rác.
Liên quan đến vấn đề này, TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng: “Ý thức giữ gìn vệ sinh nơi công cộng như bảo vệ môi trường, không vứt rác bữa bãi... của nhiều người tham quan còn kém, đó là biểu hiện của tâm lý “cha chung không ai khóc”. Đó là một hình ảnh rất phản giáo dục, người lớn không làm gương sẽ dẫn đến trẻ em bắt chước, dần dần thành thói quen xấu”.
Bên cạnh hành vi xả rác tràn lan của người dân cũng có lỗi của cơ quan quản lý Nhà nước. Nếu như lỗi người dân một thì lỗi của chính quyền đến mười. Bởi vì luật có rồi mà cơ quan có trách nhiệm không xử phạt nghiêm hành vi vi phạm. Nếu không nói là làm cho có phong trào, ra quân xử phạt rồi đâu lại vào đấy. Khi Ý thức người dân chưa cao thì vai trò quản lý nhà nước là quyết định.
Chính vì vậy, việc giữ vệ sinh môi trường và văn minh đô thị không thể chỉ làm theo phong trào, hết đợt rồi thôi, mà phải là một cuộc vận động thường xuyên, liên tục, có sự hưởng ứng tích cực từ phía người dân và chính quyền. Đồng thời, rất cần báo chí vào cuộc tuyên truyền thực hiện lối sống văn minh không xả rác và đưa tin bài về những hành động đẹp vì môi trường, để tạo sức lan tỏa.
Có như thế, ý thức “bỏ rác đúng nơi quy định” của mỗi người dân mới được thiết lập và trở thành văn hóa!