ĐHĐCĐ Vietcombank 2022: 6 đột phá chiến lược và nhận chuyển giao bắt buộc TCTD yếu kém

HỒNG MINH 29/04/2022 19:00

Ngày 29/04/2022, Vietcombank tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022. Đại hội xem xét phê duyệt các định hướng lớn và chỉ tiêu hoạt động kinh doanh cơ bản cho năm 2022.

ĐHĐCĐ đã đề ra Phương châm hành động 2022: Chuyển đổi - Hiệu quả - Bền vững; Quan điểm chỉ đạo điều hành: Trách nhiệm - Quyết liệt - Sáng tạo;

Ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT VCB phát biểu tại ĐH

Ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT VCB phát biểu tại ĐH

Theo đó, các chỉ tiêu chính được ĐHĐCĐ thông qua năm 2022 là: Tổng tài sản:  tăng 8%; Huy động vốn: tăng 9%; Dư nợ tín dụng: tối đa tăng 15%; Lợi nhuận trước thuế: tăng tối thiểu 12%; Tỷ lệ nợ xấu: thấp hơn 1,5%; Chi trả cổ tức: theo phê duyệt của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Các tỷ lệ đảm bảo an toàn hoạt động theo quy định hiện hành của NHNN.

Vietcombank cũng đề 6 đột phá chiến lược trong hoạt động kinh doanh: (i) Triển khai Chương trình và Kế hoạch hành động chuyển đổi số đúng tiến độ đã được HĐQT phê duyệt; (ii) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng nguồn nhân lực thích ứng cho chuyển đổi số, phát triển văn hóa số trong VCB; (iii) Đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu gắn với chuyển dịch cơ cấu hoạt động theo các trụ cột kinh doanh (Bán lẻ, Dịch vụ, Đầu tư và kinh doanh vốn); phát huy thế mạnh tổng thể của toàn hệ thống VCB; (iv) Đẩy mạnh công tác phát triển khách hàng, phát triển sản phẩm; (v) Hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách; (vi) Triển khai đúng tiến độ với tinh thần quyết tâm cao nhất phương án tham gia tái cơ cấu một TCTD.

3 trọng tâm trong chuyển dịch cơ cấu hoạt động kinh doanh của ngân hàng là: Tăng trưởng tín dụng gắn với chuyển dịch cơ cấu tín dụng hiệu quả bền vững; Duy trì, phấn đấu cải thiện tỷ trọng thu nhập phi tín dụng, trọng tâm là thu nhập từ dịch vụ; Mở rộng các sản phẩm dịch vụ trên kênh số, nâng cao chất lượng dịch vụ, trải nghiệm của khách hàng, giữ chân khách hàng tạo nền tảng gia tăng thu dịch vụ trong tương lai. Cơ cấu danh mục nguồn vốn theo hướng gia tăng hiệu quả.

Chủ tọa đoàn trả lời chất vấn của cổ đông

Chủ tọa đoàn trả lời chất vấn của cổ đông

Đáng chú ý, ĐHĐCĐ VCB cũng sẽ xem xét thông qua chủ trương Vietcombank tham gia tái cơ cấu bằng hình thức nhận chuyển giao bắt buộc (CGBB) một TCTD yếu kém.

Năm 2021, Vietcombank đã hoàn thành xuất sắc kế hoạch kinh doanh, giữ vững vị trí ngân hàng số 1 về chất lượng và hiệu quả hoạt động với: Lợi nhuận hợp nhất trước thuế của Vietcombank năm 2021 đạt 27.389 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2020. Huy động vốn, tín dụng đều tăng trưởng ở mức cao (tương ứng tăng 9% và 15% so với năm 2020), vượt kế hoạch đề ra, góp phần tích cực cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Chất lượng tín dụng được kiểm soát chặt chẽ, tỷ lệ nợ xấu rất thấp (0,63%), tỉ lệ dự phòng bao nợ xấu đạt mức cao nhất trong ngành ngân hàng (424%). Đặc biệt, Vietcombank đã trích lập 100% dự phòng rủi ro cho dư nợ cơ cấu, sớm trước 2 năm so với thời hạn quy định của Ngân hàng Nhà nước. Doanh số thanh toán quốc tế lần đầu tiên vượt mốc 100 tỉ đô la Mỹ, giúp thị phần tiếp tục được mở rộng. Vietcombank đã thực hiện trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 12% và bằng cổ phiếu với tỷ lệ 27,6%, tăng vốn điều lệ lên mức 47.325 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh ấn tượng của Vietcombank đã được thị trường đón nhận rất tích cực, đưa quy mô vốn hóa của ngân hàng đạt 16,7 tỷ đô la Mỹ khi khép lại năm 2021.

Với hiệu quả kinh doanh vượt trội, Vietcombank tiếp tục là ngân hàng có đóng góp lớn nhất cho ngân sách Nhà nước với quy mô nộp ngân sách ~ 11.000 tỷ đồng trong năm 2021. Bên cạnh đó, Vietcombank cũng chủ động tích cực tham gia các hoạt động an sinh vì cộng đồng, thể hiện rõ trách nhiệm xã hội của một thương hiệu lớn. Trong năm 2021, Vietcombank đã thực hiện các chương trình an sinh xã hội với tổng số tiền cam kết ~ 723 tỷ đồng, trong đó ủng hộ phòng chống dịch bệnh COVID-19 số tiền ~ 381 tỷ đồng. Vietcombank đã triển khai một loạt các chương trình, hoạt động ủng hộ, ưu đãi, tri ân các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch đặc biệt là đội ngũ y bác sĩ.

Là NHTM lâu đời tại Việt Nam, trải qua gần 60 năm hình thành và phát triển, Vietcombank hiện có mạng lưới hơn 600 Chi nhánh và Phòng giao dịch trong cả nước; 4 công ty con trong nước, 3 công ty con tại nước ngoài; văn phòng đại diện tại Singapore, New York; kết nối với gần 1.200 ngân hàng đại lý tại 95 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Là đại diện duy nhất của Việt Nam có mặt trong Top 30 ngân hàng mạnh nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương theo đánh giá của The Asian Banker, một trong 500 Ngân hàng hàng đầu thế giới theo bình chọn của The Banker, một trong 1000 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất toàn cầu do Forbes bình chọn, với uy tín, chất lượng, hiệu quả hoạt động, Vietcombank đã khẳng định vững chắc vị thế Ngân hàng số 1 tại Việt Nam và đang từng bước nâng tầm trong khu vực và trên thế giới.

Có thể bạn quan tâm

  • Vietcombank dự kiến chia cổ tức với tỷ lệ hơn 18%

    Vietcombank dự kiến chia cổ tức với tỷ lệ hơn 18%

    11:33, 15/04/2022

  • Vietcombank Tây Sài Gòn ký kết hợp đồng tín dụng với Ani Power

    Vietcombank Tây Sài Gòn ký kết hợp đồng tín dụng với Ani Power

    11:21, 22/04/2022

  • Vietcombank cung cấp dịch vụ nộp phí hạ tầng cảng biển online

    Vietcombank cung cấp dịch vụ nộp phí hạ tầng cảng biển online

    14:41, 06/04/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
ĐHĐCĐ Vietcombank 2022: 6 đột phá chiến lược và nhận chuyển giao bắt buộc TCTD yếu kém
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO