Di sản Abenomics và kinh nghiệm tiếp cận cho các quốc gia

DIỄM NGỌC 15/07/2022 11:20

Thành công của Abenomics rất rõ ràng, nhưng chính sách này cũng có những hạn chế, giúp các nước đang phát triển có cái nhìn thực tế hơn về chính sách tài khóa, tiền tệ...

>>Ông Shinzo Abe và di sản Abenomics

Ông Shinzo Abe là người giữ vị trí Thủ tướng Nhật Bản 4 nhiệm kỳ liên tục trước khi rời chính trường vào tháng 8/2020 vì lý do sức khỏe. Di sản nổi tiếng nhất của vị cố Thủ tướng là “Abenomics”- chính sách kinh tế nhằm phục hưng đất nước.

Chính sách của cố Thủ tướng Shinzo Abe nhìn chung là tích cực, vì nó thực sự đã kéo Nhật Bản ra khỏi vũng bùn giảm phát và tiếp thêm sức sống cho đất nước

Chính sách của cố Thủ tướng Shinzo Abe nhìn chung là tích cực, vì nó thực sự đã kéo Nhật Bản ra khỏi vũng bùn giảm phát và tiếp thêm sức sống cho đất nước

Theo chia sẻ của TS. Võ Đình Trí, Giảng viên ĐH Kinh tế TP HCM và IPAG Business School Paris, Abenomics là chương trình nhằm đưa Nhật Bản ra khỏi 2 thập niên kinh tế đình lạm mà trước đó, giai đoạn 1991-2001 được gọi là một thập niên thất bại của đất nước này.

Abenomics được biết đến với 3 mũi tên: Một là, chính sách tiền tệ nới lỏng, lãi suất ngắn hạn âm để khuyến khích doanh nghiệp và người dân đầu tư, tiêu dùng. Hai là, chính sách tài khóa mở rộng, tăng đầu tư công và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp qua thuế. Ba là, các cải cách mang tính hệ thống, nổi bật nhất là tăng sự hiện diện của lao động nữ, tự do hóa thị trường lao động, thoáng hơn với lao động nhập cư (sau đó Việt Nam xuất khẩu lao động sang Nhật đã tăng lên).

Kết quả của Abenomics là rất đáng kể và hai Thủ tướng kế nhiệm đều tiếp tục ủng hộ chương trình. Theo Thủ tướng đương nhiệm Kishida, chương trình Abenomics tuy đã đạt được kết quả nhất định về tăng trưởng, việc làm, lợi nhuận của doanh nghiệp nhưng vẫn chưa tạo được một cái gọi là "virtuous cycle", nghĩa là các thành phần trong xã hội đều được hưởng lợi, một hình thức mới của chủ nghĩa tư bản.

Mặc dù thành công của Abenomics rất rõ ràng, tuy nhiên, chính sách này cũng có những hạn chế, giúp các nước đang phát triển có cái nhìn thực tế hơn về chính sách tài khóa tiền tệ, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cũng như cân bằng giữa an sinh và phát triển kinh tế.

Zhou Xuezhi, nhà nghiên cứu thuộc Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới cho biết, chính sách của cố Thủ tướng Shinzo Abe nhìn chung là tích cực, vì nó thực sự đã kéo Nhật Bản ra khỏi vũng bùn giảm phát và tiếp thêm sức sống cho đất nước. Nhưng nó không tạo ra kết quả mong muốn trong việc điều chỉnh cấu trúc. “Các chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng đã tạo ra những tác động hạn chế về lâu dài. Họ chỉ tạo điều kiện để cải cách cơ cấu, vốn được cho là nội dung quan trọng nhất”.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Nhật Bản đã chứng kiến quy mô nền kinh tế giảm từ 6.270 tỷ USD năm 2012 xuống 5.120 tỷ USD năm 2019 và 4.940 tỷ USD vào năm 2021. Sự sụt giảm này chủ yếu là do đồng yên Nhật giảm giá, vốn đã suy yếu từ 79,79 JPY/USD năm 2012 xuống còn 109,75 JPY/USD vào năm 2021 trong bối cảnh thúc đẩy phục hồi xuất khẩu. Nhưng nhiều nhà phân tích tin rằng, chính quyền đương nhiệm dưới thời Thủ tướng Fumio Kishida sẽ không từ bỏ Abenomics ngay lập tức, vì nước này cần nguồn vốn rẻ và chi tiêu tài khóa mạnh để tăng nhu cầu, nhằm duy trì khả năng cạnh tranh bất chấp xã hội già hóa nặng và đồng yên Nhật suy yếu.

>>Thận trọng chính sách tiền tệ, đề phòng lạm phát

Tại Trung Quốc, việc xem xét di sản Abenomics hiện là cơ hội để Bắc Kinh xem xét chương trình cải cách của mình, trong bối cảnh có nhiều lời kêu gọi tăng cường chính sách hỗ trợ kéo dài để cứu nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi COVID-19.

Mặc dù Việt Nam có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, nhưng tính bền vững, đặc biệt sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội vẫn còn hạn chế

Tại Việt Nam, điều hành chính sách tài khoá tiền tệ cần có sự phối hợp chặt chẽ, tạo thế chủ động và linh hoạt đồng thời đảm bảo an toàn nợ công

Trước đó, Bắc Kinh đã cảnh báo về việc kích thích toàn diện, sau khi gói chính sách của họ ban hành nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã dẫn đến nợ chính quyền địa phương cao, tỷ lệ đòn bẩy hộ gia đình tăng và bong bóng bất động sản phình to.

Chuyên gia kinh tế độc lập Hong Hao đánh giá, chiến lược của cố Thủ tướng Nhật Bản đã thành công một nửa, vì nó đã đưa Nhật Bản thoát khỏi tình trạng trì trệ, nhưng cải cách cơ cấu dường như chưa đi đến đâu. Do đó, Nhật Bản nên tập trung vào thách thức cơ bản hiện nay là tình trạng dân số già vốn đã vượt qua ngưỡng hạn chế từ lâu.

Vấn đề nhân khẩu học cũng đặt ra thách thức tương tự với Trung Quốc tại thời điểm này. Cùng với đó, các điểm tương đồng thường được rút ra giữa Abenomics và lý thuyết nới lỏng định lượng cùng lý thuyết tiền tệ hiện đại ở Hoa Kỳ, nhưng nó được coi là không phù hợp ở Trung Quốc, vì nó có thể dẫn đến rủi ro lạm phát và suy thoái cao hàng thập kỷ đang được các nền kinh tế phương Tây cảm nhận.

Về khuyến nghị chính sách cho Việt Nam, Ths.Trần Thị Hà, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho biết có các vấn đề cần lưu ý khi nhìn từ Abenomics như:

Thứ nhất, điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ cần có sự phối hợp chặt chẽ, tạo thế chủ động và linh hoạt đồng thời đảm bảo an toàn nợ công. Trong đó, cần tạo sự kết hợp hiệu quả, cùng hướng và xác định “liều lượng” phối hợp giữa tài khóa và tiền tệ ở mức hợp lý. Trong quá trình điều hành chính sách, các cơ quan chức năng cần tính đến độ trễ của chính sách để khi ban hành mức độ tác động đến đời sống xã hội ở mức hợp lý và có những giải pháp dự phòng.

Thứ hai, phát triển kinh tế phải đi đôi với đảm bảo công bằng về mặt xã hội. Mặc dù Việt Nam có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, nhưng tính bền vững, đặc biệt sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội vẫn còn hạn chế. Thành công bước đầu của Abenomics là do nâng cao được lòng tin của dân vào sự tăng trưởng của kinh tế đất nước, dẫn tới tiêu dùng và đầu tư gia tăng.

Thứ ba, tái cơ cấu kinh tế cần được thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt. Kinh nghiệm tại Nhật Bản cho thấy, chính quyền cố Thủ tướng Abe đã khởi động một loạt biện pháp cải cách, quan tâm đến đầu tư cho giáo dục, phát triển đội ngũ lao động chất lượng cao, lấy chất lượng, hiệu quả lao động là thước đo để đánh giá và trả lương cho người lao động.

Có thể bạn quan tâm

  • Ông Shinzo Abe và di sản Abenomics

    05:00, 10/07/2022

  • Ông Shinzo Abe và dấu ấn quan hệ Việt Nam - Nhật Bản

    19:53, 08/07/2022

  • Thận trọng chính sách tiền tệ, đề phòng lạm phát

    05:30, 11/07/2022

  • 5 khuyến nghị đổi mới điều hành chính sách tiền tệ

    04:45, 12/06/2022

  • Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ

    10:57, 09/06/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Di sản Abenomics và kinh nghiệm tiếp cận cho các quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO